Tới dự Hội nghị có đông đảo đại diện thuộc đoàn ngoại giao, Bộ, ngành Hà Lan, các Viện nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ, nhiều học giả của Việt Nam, Hà Lan và quốc tế.
Đại sứ Ngô Thị Hòa phát biểu khai mạc Hội nghị. |
Đây là sự kiện được tổ chức thường niên nhằm tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ chiến lược trong việc giải quyết các thách thức của biến đổi khí hậu, bao gồm các vấn đề liên quan đến thiên tai và khả năng ứng phó biến đổi khí hậu của mỗi quốc gia, cùng tìm kiếm sáng kiến, giải pháp để khuyến nghị chính sách hiệu quả đệ trình lên Liên hợp quốc và Ủy ban Châu Âu.
Hội nghị bàn tròn có ý nghĩa và mang tính thời sự khi được tổ chức ngay sau khai mạc Hội nghị biến đổi khí hậu Liên Hợp Quốc tại Ba Lan ngày 3/12 với sự tham gia của hơn 200 quốc gia.
Phát biểu khai mạc, Đại sứ Ngô Thị Hòa hoan nghênh các khách mời đã đến tham dự Hội nghị, nhấn mạnh quan tâm và nỗ lực của Việt Nam trong chiến lược hành động chống biến đổi khí hậu.
Đồng chủ tọa của Hội nghị, ông Matt Luna và ông Wouter Veening Chủ tịch Viện nghiên cứu An ninh Môi trường Hà Lan cũng khẳng định Việt Nam nắm giữ vị trí địa-chính trị quan trọng trong chiến lược hành động chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Nhân dịp này, đại diện phái đoàn liên Bộ của Việt Nam (Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Tài chính) đã trình bày cụ thể về kế hoạch và chiến lược hợp tác của Việt Nam trong tương lai nhằm ứng phó biển đổi khí hậu.
Tại Hội nghị, các diễn giả, học giả đến từ Bộ Tài nguyên Môi trường Việt Nam, Viện nước ĐH Delft, Đại học Wageningen đã đưa ra những chủ đề nóng liên quan đến biến đổi khí hậu và quản lý nước như hợp tác và đấu tranh trong lưu vực sông Mekong, tác động của biến đổi khí hậu đến các mùa thiên tai và an ninh lương thực, tác động và cách ứng phó với bão nhiệt đới, sóng thần.
Đại diện Trung tâm Thích ứng toàn cầu thuộc Bộ Ngoại giao Hà Lan chia sẻ một số thông tin về Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc về hợp tác chống biến đổi khí hậu năm 2019, khẳng định Hà Lan với vai trò là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2018 đang tích cực đưa vấn đề khí hậu và an ninh vào chương trình nghị sự của Liên hợp quốc, nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Các đại biểu trao đổi thông tin. |
Trong bối cảnh Thế giới và Liên hợp quốc đang nỗ lực đàm phán đàm phán một thỏa thuận hiện thực hóa mục tiêu cắt giảm khí thải từng được thống nhất trong Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu, Hội nghị bàn tròn đã thu hút sự quan tâm đặc biệt không chỉ của Đại sứ, đại diện các quốc gia bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu giống Việt Nam như: Srilanka, Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Kenya… mà còn của đại diện các nước lớn, phát triển và nổi bật trong phong trào chống biến đổi khí hậu như: Pháp, Thụy Sĩ, Australia, Đức, New Zealand, Mỹ… Các đại biểu đã trao đổi thông tin và các quan điểm đánh giá về vấn đề biến đổi khí hậu cũng như các mô hình, biện pháp, bài học cần rút ra để đảm nảo an ninh môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.