Có khá nhiều điểm đáng chú ý trong chủ đề “Việt Nam: Hành động để phục hồi tăng trưởng theo hướng bao trùm và bền vững trong kỷ nguyên Covid-19” của Diễn đàn Cải cách và Phát triển (VRDF) 2020. Bỏ qua khái niệm “hậu Covid-19”, Việt Nam xác định sống chung trong “kỷ nguyên Covid-19”, kết nối giữa hành động để “phục hồi tăng trưởng”, với mục tiêu “bao trùm và bền vững”. Một chủ đề hàm chứa nhiều điều, về định hướng chiến lược phát triển trong giai đoạn mới của Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại VRDF 2020. |
Không ngừng mơ ước
Trở lại Diễn đàn VRDF 2019, chia sẻ về “một Việt Nam không ngừng mơ ước”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại cả một hành trình dài của đất nước trên đường kiếm tìm sự thịnh vượng. Ngay từ những thập niên đầu sau chiến tranh, đất nước Việt Nam khi đó còn muôn vàn khó khăn, tỷ lệ nghèo đói rất cao, những gia đình Việt Nam chỉ mơ ước có bữa cơm no, áo ấm, con em được đến trường học hành, một cuộc sống không còn đói rét và vất vả.
Từ năm 1986, công cuộc Đổi mới lan tỏa sâu rộng, đã chắp cánh cho bao giấc mơ, để rồi hơn 70 triệu người Việt Nam (tương đương gần 1,3% dân số thế giới), trong những thập niên sau đó, đã vươn lên, vượt qua đói nghèo, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành như mong ước bình dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tiềm năng đất nước, bối cảnh phát triển mới, đặc biệt là bối cảnh đại dịch Covid-19 và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra cơ hội thuận lợi để tái cơ cấu, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững và bao trùm. Đặc biệt, để khắc phục tồn tại, khó khăn và tận dụng được những tiềm năng và cơ hội, Việt Nam nhất thiết cần có được tư duy đột phá, quyết tâm và táo bạo, dám nghĩ, dám làm; phải có tư duy vượt lên trước chứ nhất quyết không chịu đi theo, đi sau. Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Trong 30 năm Đổi mới, kinh tế Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng cao và đó là cơ sở để tỷ lệ đói nghèo ở mức rất cao là 53% vào năm 1992 (tính theo mức 1,9 USD/ngày và theo tỷ giá PPP năm 2011) bị đẩy lùi, giảm 10 lần còn 5,23% năm 2018, theo chuẩn nghèo đa chiều.
Đồng thời tầng lớp trung lưu tăng lên hơn 15% dân số và còn đang tăng nhanh. “Xét về quy mô dân số, có thể nói, đây là một trong những cuộc vượt đói nghèo vĩ đại trong lịch sử các nước”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá.
Hiện nay, trong một thời điểm hết sức đặc biệt, đại dịch Covid-19 trở thành cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội chưa từng có, nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến II trở lại đây.
Mức độ nghiêm trọng đã vượt xa khủng hoảng tài chính 2008, thậm chí vượt cả Đại suy thoái ở Mỹ vào những năm 1930. Phần lớn các đánh giá đều cho rằng, kinh tế toàn cầu sau đại dịch sẽ rất khác so với trước đây.
Đến nay, những diễn biến của đại dịch Covid-19 đã khiến tất cả đều xác định rằng, đại dịch Covid-19 chưa thể sớm kết thúc. Vì thế, muốn hành động để phục hồi kinh tế, muốn xây dựng chiến lược 10 năm, kế hoạch 5 năm tới, hay trước nhất là kế hoạch năm 2021, đều phải đặt trong bối cảnh Covid-19 hiện hữu. Đó là sự chủ động cần thiết.
Hơn thế, không chỉ là “hành động để phục hồi tăng trưởng”, mà còn là tăng trưởng theo hướng “bền vững và bao trùm”. Đây là hai mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam đã đặt ra lâu nay, nhưng kết quả thực hiện chưa hoàn toàn như mong đợi, nhất là khi tốc độ tăng trưởng đã được cải thiện trong những năm gần đây, đặc biệt là trong hai năm 2018-2019, nhưng chưa đủ sức đưa nền kinh tế bứt phá, nguy cơ tụt hậu, sập bẫy thu nhập trung bình vẫn còn…
Khai mạc diễn đàn VRDF 2020 đúng thời điểm này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, giai đoạn 2021-2025, Việt Nam sẽ tập trung các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững trong bối cảnh chịu tác động mạnh của dịch Covid-19.
Việt Nam đang tiếp tục hiện thực hóa mơ ước, phấn đấu tới năm 2030 trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình cao trên toàn cầu.
Covid-19 không hẳn toàn màu xám
Là quốc gia có mức thu nhập trung bình, GDP tăng trưởng cao và liên tục, nhưng tác động của Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nặng nề tới nhiều mặt của nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, công nhân mất việc làm, ảnh hưởng tới sự phát triển chung của nền kinh tế.
Thiệt hại kinh tế của Việt Nam còn có nguyên nhân do sự suy giảm của thương mại toàn cầu khi là một nền kinh tế mở và tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và trao đổi thương mại với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Đến nay, Việt Nam được đánh giá là khống chế có hiệu quả sự lây lan nhưng vẫn khó lòng tránh khỏi những tác động tiêu cực của dịch bệnh tới mọi lĩnh vực và hoạt động của nền kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam còn dư địa đáng kể để tiếp tục cải cách và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu nhằm thực hiện các mục tiêu tăng trưởng dài hạn.
Mặc dù bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19, nhưng sau những tháng bị chững lại, dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đã tăng mạnh trở lại. Tính đến 20/8, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài đã đạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 11,35 tỷ USD, bằng gần 95% so với cùng kỳ.
Theo xếp hạng sức khỏe tài chính của The Economist (5/2020), Việt Nam đứng thứ 12/66 nền kinh tế mới nổi, thuộc nhóm An toàn trong bối cảnh đại dịch.
Và khi các nền kinh tế phần lớn vẫn đang “chìm nổi” trong đại dịch Covid-19, đối với Việt Nam, dưới góc nhìn của nhiều nhà kinh tế, đây không hẳn là bối cảnh toàn màu xám. Dịch bệnh luôn mang đến khó khăn, nhưng hãy coi những khó khăn hiện tại là một thời cơ, đặc biệt khi Việt Nam đã có những thành tích ấn tượng trong công cuộc đẩy lùi dịch bệnh.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những hạn chế, yếu kém nội tại của một nền kinh tế đang phát triển với mức thu nhập trung bình thấp, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào vốn, lao động giá rẻ và khu vực FDI.
Do đó, trong trung và dài hạn, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia khác, giải quyết các thách thức môi trường, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ... là những nhiệm vụ phát triển lớn đặt ra với Việt Nam.
Với việc tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA và CPTPP, Việt Nam đang có cơ hội lớn để hội nhập, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất thế giới, lựa chọn các dự án FDI có chất lượng để tiến lên các nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu.
Đặc biệt, đối với nền kinh tế không tiếp xúc, công nghệ, thương mại điện tử của Việt Nam đã tạo ra các bước phát triển nhanh, các lĩnh vực đổi mới, sáng tạo cũng đang có những bước tiến mạnh mẽ.
TS. Vũ Thành Tự Anh, Trường Chính sách công và Quản lý Fullbright: Trước mắt, việc đa dạng của các công ty đa quốc gia phụ thuộc vào triển vọng phục hồi của các cơ sở sản xuất thay thế. Việc chuẩn bị tốt cho tình trạng bình thường mới của các chuỗi giá trị toàn cầu cũng là điều hết sức quan trọng. Không thể thiết lập chuỗi cung ứng trong một sớm một chiều mà cần phải có một quá trình di dời, tốn kém và tốn thời gian. Vì thế, các cơ quan chức năng cần cân nhắc xây dựng các chiến lược chủ động để thu hút các nhà đầu tư, cải thiện đòn bẩy FDI bằng các biện pháp tăng cường liên kết chặt chẽ giữa các FDI và doanh nghiệp trong nước. Thêm vào đó, hình thành hệ thống chứng nhận chất lượng và cải tiến cơ sở hạ tầng số để cho phép các công ty hoạt động từ xa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và vươn ra thị trường nước ngoài. Ông Toomas Hendrik Ilves - nguyên Tổng thống CH. Estonia, Chuyên gia Trung tâm phân tích chính sách châu Âu: Luôn khó khăn khi thay đổi cách mọi người thực hiện công việc. Các công chức đã quen với một cách làm sẽ ngại thay đổi. Công dân không phải lúc nào cũng hiểu được ý nghĩa của các chính sách mới. Nhưng số hóa sẽ diễn ra trên khắp thế giới và những Chính phủ chuyển dịch nhanh chóng sẽ đi trước những Chính phủ còn chần chừ và lê bước. TS. Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam: Nếu để thị trường tự thân vận động thì rất nhiều rủi ro và nhiều chủ thể trên thị trường không đầu tư đúng mức. Vì vậy, cơ chế, các biện pháp khuyến khích của nhà nước là rất quan trọng nếu muốn các công ty đa quốc gia mang lại lợi ích cho chúng ta. Chính phủ nên tổ chức đối thoại với các công ty và tập đoàn đa quốc gia trên cơ sở cùng có lợi. |
| Mặt bằng thương mại ế khách, giảm giá thuê vẫn không thể 'níu chân' đối tác TGVN. Trước ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh 'ồ ạt' trả mặt bằng bán lẻ để ... |
| 4 lưu ý để Việt Nam đi đúng lộ trình trở thành nền kinh tế có hiệu suất cao TGVN. Covid-19 đã làm gián đoạn hành trình của Việt Nam trên con đường trở thành một nền kinh tế có hiệu suất cao, nhưng ... |
| Kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 2-3% trong năm 2020 TGVN. Buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020 đã diễn ra chiều 4/9 tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, ... |