Các diễn giả chia sẻ tại Hội thảo ngày 11/1. (Ảnh chụp màn hình) |
Thông tin vừa được đưa ra tại Hội thảo chia sẻ kết quả bước đầu từ Chương trình “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ nông nghiệp tại Việt Nam” do Hiệp hội Nông nghiệp Số Việt Nam (VIDA), Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp (SYS) và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 11/1/2022 qua hình thức trực tuyến.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Đại sứ quán Australia tại Việt Nam Mark Tattersall cho biết, đổi mới sáng tạo là một trong 3 trụ cột quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa Australia và Việt Nam kể từ năm 2.000 đến nay. Trong đó, đổi mới sáng tạo đã được triển khai thành các sáng kiến cụ thể trong chương trình nghị sự hợp tác giữa hai quốc gia.
Cũng theo ông Mark Tattersall, trong ngành nông nghiệp, các giải pháp về công nghệ vô cùng quan trọng, giúp có thể tăng cường năng suất lao động cũng như có thể tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi của các doanh nghiệp và những người tham gia vào ngành nông nghiệp.
Trong đó, chương trình GRAFT Challenge Vietnam là một chương trình quan trọng trong toàn bộ danh mục hợp tác giữa Việt Nam và Australia. Chương trình một lần nữa đã xác định tầm quan trọng của việc hợp tác giữa hai quốc gia.
Ông Mark Tattersall kỳ vọng, thông qua những giải pháp mà chương trình nhận được và những kết quả nghiên cứu sáng tạo có thể thương mại hoá và giúp giải quyết những vấn đề cụ thể mà nông nghiệp Việt Nam đang gặp phải.
“Việc áp dụng các công nghệ mới để giải quyết hoặc tận dụng những cơ hội do công nghệ tạo ra là một mô hình tốt trên thế giới. GRAFT chính là cơ hội để chúng ta có thể tạo ra những kết nối và thúc đẩy công nghệ, đổi mới sáng tạo thông qua hợp tác quốc tế”, ông Mark Tattersall khẳng định.
Theo ông Justin Ahmed, Trưởng Chương trình GRAFT, GRAFT được tài trợ trong khuôn khổ Chương trình Aus4Innovation của Chính phủ Australia nhằm thúc đẩy thử nghiệm các mô hình mới trong hợp tác công-tư, tăng cường năng lực của Việt Nam trong công tác dự báo số, xây dựng kịch bản, thương mại hóa và chính sách về đổi mới sáng tạo.
GRAFT là một “bến đỗ” được thiết kế để giúp đỡ các doanh nghiệp công nghệ nông nghiệp hàng đầu trên thế giới thâm nhập và mở rộng tại thị trường Việt Nam.
“Đến nay, Chương trình đã chọn được 9 doanh nghiệp quốc tế có giải pháp công nghệ tiên tiến sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, để trình diễn và chuyển giao vào Việt Nam”, ông Justin Ahmed chia sẻ.
Tại Hội thảo, đại diện nhiều doanh nghiệp nông nghiệp quốc tế đã chia sẻ các giải pháp cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
Công ty AgNext Technologies đến từ Ấn Độ được GRAFT lựa chọn với giải pháp số hóa quy trình đánh giá chất lượng thực phẩm Qualix. Đây là một nền tảng hoạt động dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI), có khả năng đánh giá nhanh chóng và chính xác hơn 40 đặc tính vật lý và thành phần của hàng chục loại thực phẩm.
“Ngành nông nghiệp Việt Nam đang ở giai đoạn đỉnh cao trong quá trình chuyển đổi số. AgNext muốn tận dụng thời điểm thay đổi này để mang các giải pháp đánh giá chất lượng nhanh và giải pháp liên kết thị trường dựa trên công nghệ AI vào ngành nông nghiệp Việt Nam, từ đó thúc đẩy mô hình thương mại minh bạch, nhanh chóng và bảo mật trong toàn ngành”, ông Subrat Panda, Giám đốc Công nghệ của AgNext cho hay.
EveryPig là một trong 9 doanh nghiệp được lựa chọn tham dư GRAFT Challenge Vietnam. (Nguồn: GRAFT Challenge) |
Ông Chris Bomgaars, người sáng lập và Giám đốc điều hành EveryPig, cho hay công ty đã phát triển một nền tảng và ứng dụng di động hỗ trợ trang trại chăn nuôi. Các hoạt động giám sát quá trình chăn nuôi heo, các dịch vụ thú y như chẩn đoán và ra đơn thuốc từ xa đều có thể thực hiện thông qua ứng dụng.
Ứng dụng cũng cho phép số hóa các báo cáo thăm khám nông trại và theo dõi sự tuân thủ của người chăm sóc, giúp nhà sản xuất nâng cao hiệu quả hoạt động. Tính đến năm 2021, công ty đã mở rộng từ thị trường Hoa Kỳ sang Canada và Thái Lan, đạt tổng số khoảng 2.000 người sử dụng và với hàng triệu con heo được theo dõi thông qua ứng dụng.
“EveryPig đặt ra tham vọng sẽ tiếp cận với 50% tổng số đàn heo ở Việt Nam trong vòng 3 năm tới. Giải pháp này hoàn toàn có triển vọng vươn tới các mục tiêu cao hơn trong một tương lai không xa”, ông Chris Bomgaars tin tưởng.
GRAFT Challenge Vietnam là chương trình tìm kiếm các giải pháp công nghệ nông nghiệp để giải quyết thách thức cho ngành nông nghiệp ở Việt Nam. Chương trình được thiết kế nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo triển vọng trên toàn cầu tiếp cận thị trường Việt Nam, đưa công nghệ vào ứng dụng thực tiễn và giải quyết những thách thức cấp bách nhất của ngành nông nghiệp thực phẩm. GRAFT được tài trợ trong khuôn khổ Chương trình Aus4Innovation của Chính phủ Australia kết hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm thúc đẩy thử nghiệm các mô hình mới trong hợp tác công-tư, tăng cường năng lực của Việt Nam trong công tác dự báo số, xây dựng kịch bản, thương mại hóa và chính sách về đổi mới sáng tạo. Trong quá trình thực hiện, GRAFT Challenge Vietnam đã nhận được các giải pháp đột phá từ các công ty công nghệ nông nghiệp đến từ 16 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, Mỹ, Israel, Australia, Ấn Độ và Thái Lan, Indonesia. Trong đó GRAFT Challenge Vietnam 2021 qua một giai đoạn thử thách và tuyển chọn đã chọn ra được 9 doanh nghiệp nước ngoài có giải pháp công nghệ nông nghiệp đột phá sáng tạo để triển khai các hoạt động hỗ trợ tiếp cận thị trường Việt Nam. |
| Việt Nam vẫn rất hấp dẫn với nhà đầu tư Nhật Bản Với các nhà đầu tư Nhật Bản, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn. |
| Hợp tác nông nghiệp Việt Nam-châu Phi: Biến tiềm năng thành khả năng Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, ... |