Xin bà cho biết mục đích, ý nghĩa của Diễn đàn kết nối doanh nghiệp được TCEB tổ chức tại Hà Nội lần này?
Thời gian gần đây, số lượng doanh nghiệp Việt Nam sang giao lưu và tìm hiểu cơ hội giao thương tại Thái Lan thông qua các hoạt động triển lãm chuyên ngành đang không ngừng tăng lên. Và đây chính là lý do chính để TCEB đẩy mạnh các hoạt động quảng bá tại Việt Nam.
Diễn đàn kết nối doanh nghiệp tại Hà Nội chính là cơ hội tốt để tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp, tổ chức xúc tiến thương mại, hiệp hội Việt Nam và Thái Lan.
Tham gia vào Diễn đàn lần này có 10 công ty tổ chức triển lãm hàng đầu đến từ Thái Lan. Đây đều là các công ty có đầy đủ điều kiện, năng lực và các nhân tố then chốt để tổ chức các triển lãm thương mại quốc tế trong các chuyên ngành: Thực phẩm và Nông nghiệp; Y tế và Sức khỏe, Ô tô và Tự động hóa, Năng lượng, Xây dựng và Cơ sở hạ tầng.
Tại Diễn đàn, họ sẽ gặp gỡ và làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp Việt Nam theo từng lĩnh vực, chuyên ngành cụ thể mà hai bên quan tâm.
Bà Jaruwan Suwannasat - Giám đốc Triển lãm và Sự kiện của TCEB. (Ảnh: Ly Ly) |
Trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vừa được thành lập vào cuối năm 2015, bà đánh giá như thế nào về những cơ hội và tiềm năng hợp tác giao thương giữa các doanh nghiệp trong khối ASEAN, đặc biệt là giữa doanh nghiệp Việt Nam và Thái Lan thông qua các triển lãm chuyên ngành tại Thái Lan?
Việt Nam và Thái Lan đều là những thành viên của khối ASEAN, nền kinh tế của hai nước chúng ta có rất nhiều điểm tương đồng. Thông qua các hoạt động triển lãm chuyên ngành tại Thái Lan, chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo thêm nhiều cơ hội để doanh nghiệp trong khối ASEAN cũng như doanh nghiệp Việt Nam nói riêng có thể quảng bá sản phẩm, ký kết hợp đồng, thúc đẩy giao thương với các doanh nghiệp Thái Lan và các nước trên thế giới.
Tôi có thể lấy một ví dụ đơn giản, Việt Nam và Thái Lan đều là những nước xuất khẩu gạo. Chúng ta có thể tổ chức một Triển lãm chuyên ngành về gạo, nơi đó doanh nghiệp Việt Nam có thể bán gạo cho doanh nghiệp Thái Lan và ngược lại.
Doanh nghiệp Việt Nam hay Thái Lan, nếu chỉ hoạt động đơn lẻ sẽ rất khó phát triển nhưng nếu chúng ta kết hợp lại và cùng nhau hợp tác thì cơ hội phát triển thương mại, kinh tế sẽ nhân đôi. Vì vậy, các triển lãm chuyên ngành sẽ là điểm đến lý tưởng để quảng bá các sản phẩm của Việt Nam, Thái Lan và khu vực ASEAN.
Nguyên nhân nào khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn trong mắt các công ty, doanh nghiệp triển lãm tại Thái Lan. Tại các kỳ triển lãm, những ngành nào thu hút nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhất?
Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng mà ngành triển lãm Thái Lan hướng đến.
Việt Nam là nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới về các sản phẩm trà, cao su, thủy sản và là nhà sản xuất hàng đầu thế giới về điều và hạt tiêu đen. Về xuất khẩu gạo, Việt Nam cũng chỉ đứng thứ 2 sau Thái Lan, và đứng thứ 2 sau Brazil về sản lượng cà phê.
Việt Nam cũng là đất nước có nền kinh tế phát triển nhanh chóng, một cộng đồng doanh nghiệp năng động, cởi mở, luôn sẵn sàng hợp tác và giao thương với các đối tác nước ngoài.
Giai đoạn từ 2010 – 2015, lượng khách tham quan đến từ Việt Nam chiếm 6,63% lượng khách nước ngoài tham gia các triển lãm chuyên ngành của Thái Lan. Riêng năm 2015, chúng tôi đã thu hút được hơn 3.000 khách Việt Nam tham gia và hơn 500 nhóm doanh nghiệp thông qua chiến dịch Kết nối doanh nghiệp “Connect Business”.
Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm nhiều nhất tới các ngành: thực phẩm và nông nghiệp (48%), ô tô và tự động hóa (24.8%), y tế và sức khỏe (10%).
Khách thương mại Việt Nam quan tâm nhiều nhất tới các triển lãm chuyên ngành như VIV Asia, Food Ingredients Asia, T-PLAS and ProPak Asia. Lượng khách tham quan các triển lãm này chiếm 51% tổng số khách Việt Nam đến tham quan triển lãm tại Thái Lan năm 2015.
Năm 2017, ngành công nghiệp triển lãm Thái Lan kỳ vọng sẽ chào đón 208.000 khách tham quan thương mại quốc tế và sẽ tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy nhu cầu của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Việt Nam muốn mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua các triển lãm tại Thái Lan.
Bà có thể cho biết một vài số liệu cụ thể cho thấy hiệu quả mà các hoạt động xúc tiến thương mại tại các kỳ triển lãm chuyên ngành Thái Lan mang lại cho các doanh nghiệp Việt Nam?
Chúng tôi chưa có số liệu cụ thể, tuy nhiên tôi có thể khẳng định các doanh nghiệp, đối tác thương mại Việt Nam rất quan tâm đến các triển lãm chuyên ngành tại Thái Lan, thể hiện qua lượng khách tham quan tăng đều hàng năm. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có lượng khách tham dự đông đảo nhất, là thị trường tiềm năng mà chúng tôi đánh giá rất cao.
Theo kinh nghiệm của tôi, tại các kỳ triển lãm, có thể có những hợp đồng được ký kết ngay nhưng cũng có nhiều hợp đồng phải mất từ 3-6 tháng sau. Chúng tôi rất vui mừng khi một số doanh nghiệp Việt Nam đã có những phản hồi tốt về những hợp đồng thương mại được ký kết sau các kỳ triển lãm.
Doanh nghiệp Việt Nam tham gia các triển lãm chuyên ngành tại Thái Lan ngày càng tăng. (Nguồn: Bangkok Post) |
Được biết, Diễn đàn lần này là hình thức mới trong chiến dịch Kết nối doanh nghiệp “Connect Business” của TCEB. Bà có thể chia sẻ cụ thể hơn về chiến dịch này?
Chương trình Kết nối doanh nghiệp “Connect Business” là một chiến dịch mà chúng tôi kỳ vọng sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp đến tham gia các triển lãm tại Thái Lan. Năm nay, mỗi đoàn có tối thiểu 10 khách tham quan và đạt được tổng cộng 30 cuộc giao dịch tại triển lãm sẽ nhận được 100 USD/người tiền thưởng từ Ban tổ chức. Không chỉ nhận được hỗ trợ về tài chính, mỗi khách hàng còn được Ban tổ chức sắp xếp cho gặp gỡ với 3 đơn vị đối tác riêng mà khách hàng Việt đang quan tâm. Các đơn vị đủ điều kiện có thể đăng ký nhận sự hỗ trợ từ chương trình gồm các đơn vị xúc tiến thương mại, phòng thương mại, hiệp hội thương mại, nhà xuất bản chuyên ngành, tổ chức phi chính phủ, các công ty du lịch có hoạt động kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm (MICE).
Thông qua chiến dịch “Connect Business”, thay vì phải tự tìm hiểu về các đối tác, TCEB sẽ xem xét thông tin của từng công ty, doanh nghiệp Việt Nam và giúp họ tìm kiếm các đối tác phù hợp trước khi sang tham dự triển lãm tại Thái Lan. Điều này giúp họ tiết kiệm thời gian lẫn chi phí gấp nhiều lần so với các hình thức giao thương truyền thống. Đây chính là lợi thế lớn nhất mà chiến dịch “Connect Business” mang lại cho các tổ chức, doanh nghiệp.
Ngoài chiến dịch Kết nối doanh nghiệp “Connect Business”, tại Diễn đàn, TCEB còn giới thiệu chương trình “Spice Up Your Business”, một chương trình online dành cho khách thương mại thông qua các ưu đãi đặc biệt đối với các dịch vụ các nhà hàng và giải trí.
Để nhận được hỗ trợ của chiến dịch “Connect Business” thì đoàn phải có ít nhất 10 doanh nghiệp và thường phải do Hiệp hội hoặc các công ty du lịch đăng ký. Vậy những khách lẻ quan tâm và muốn tham gia thì có nhận được sự hỗ trợ nào không, thưa bà?
Thường thì những doanh nghiệp và tập đoàn lớn tham gia các kỳ triển lãm tại Thái Lan sẽ không tham gia chiến dịch “Connect Business” vì họ đã có sẵn bạn hàng và đối tác truyền thống. Chiến dịch của chúng tôi không hướng đến những doanh nghiệp như vậy mà hướng đến những doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam và ASEAN, những doanh nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm và thiếu thông tin. Chúng tôi sẽ hỗ trợ họ tìm kiếm đối tác phù hợp và cung cấp đầy đủ những thông tin cần thiết. Vì vậy, tôi khuyến nghị các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam nên tập hợp thành một nhóm doanh nghiệp để có thể nhận được hỗ trợ tốt nhất từ chiến dịch “Connect Business”.
Xin cám ơn bà!
Theo Bộ Công Thương, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan năm 2015 đạt 12,9 tỷ USD tăng 6,9% so với năm 2014. Tại Việt Nam, Thái Lan đứng thứ 10 trong số các nước đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, chủ yếu đầu tư các ngành: du lịch, lương thực, đồ uống. |