📞

Việt Nam- Hoa Kỳ: Chương tiếp theo trong quan hệ đối tác đổi mới

14:49 | 25/05/2016
Đó là nhận định của ông Ben Rhodes, Trợ lý Tổng thống kiêm Phó Cố vấn An ninh Quốc gia về truyền thông, đăng tải trên trang mạng của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Ảnh: Quang Hòa/TGVN)

Qua chuyến thăm lần này, ông Barack Obama đã trở thành vị Tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ thăm Việt Nam kể từ khi hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao (năm 1995). Đối với nhiều người Hoa Kỳ, “Việt Nam” là một từ thường gắn với ý nghĩa chiến tranh và phản ánh lịch sử cực kỳ phức tạp giữa hai nước. Nhưng kể từ khi bình thường hóa quan hệ, Hoa Kỳ và Việt Nam đã liên tục xây dựng mối quan hệ đối tác, thể hiện rằng hai bên đều có thể công nhận lịch sử mà không bị “cầm tù” bởi nó.

Theo ông Ben Rhodes khẳng định chuyến thăm Việt Nam của ông Obama là một chuyến thăm lịch sử bởi nó đã bồi đắp mối quan hệ giữa hai nước phát triển thành một tình hữu nghị sâu sắc hơn và quan hệ đối tác chiến lược thực chất hơn. Qua chuyến thăm này Tổng thống Obama đã đặt châu Á-Thái Bình Dương vào vị trí trọng tâm trong chính sách đối ngoại và nhấn mạnh rằng Việt Nam với nền kinh tế đang phát triển ở trung tâm của khu vực Đông Nam Á, nắm giữ vai trò then chốt đối với những nỗ lực đó.

Việt Nam là một thành viên của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại mà Chính quyền Obama đã đạt được với Việt Nam và 10 quốc gia khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. TPP là một phần của quan hệ đối tác Hoa Kyf- Việt Nam nhằm hỗ trợ xây dựng một trật tự khu vực dựa trên luật pháp tại châu Á-Thái Bình Dương. Mối liên kết này sẽ giúp Mỹ hỗ trợ cho Việt Nam trên nhiều lĩnh vực quan trọng, từ hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa đến đảm bảo an ninh hàng hải và triển khai hoạt động gìn giữ hòa bình.

Trong tuyên bố chung, Hoa Kỳ và Việt Nam cũng cam kết duy trì các nguyên tắc quốc tế cơ bản như tự do hàng hải. Trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông, Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế - một nguyên tắc mà Tổng thống Obama đã nói rõ tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt giữa Hoa Kỳ với 10 quốc gia Đông Nam Á diễn ra ở Sunnylands mới đây.

Trong khi hai nước phát triển quan hệ kinh tế, chiến lược và quan hệ nhân dân, tình hình nhân quyền Việt Nam vẫn là một trong những vấn đề trọng tâm đối với Hoa Kỳ. Hai bên đã có những tiến triển trong đối thoại về vấn đề này nhưng vẫn còn có những khác biệt về cách tiếp cận đối với các vấn đề như bất đồng chính trị, xã hội dân sự độc lập và tự do báo chí. Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục thực hiện những bước đi cụ thể, bao gồm cải cách tư pháp, cho phép người dân có thể phát huy hết tiềm năng của họ cũng như tôn trọng các giá trị phổ quát về quyền con người.

Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Obama đã sử dụng “công cụ ngoại giao” để thúc đẩy lợi ích của Hoa Kỳ trên lĩnh vực an ninh, thịnh vượng và phẩm giá con người trên toàn thế giới. Đối với nhiều quốc gia mà Hoa Kỳ đã gọi là bạn bè trong nhiều thập kỷ, điều này có nghĩa là Hoa Kỳ đang tăng cường quan hệ liên minh. Đối với những nước khác, điều đó có nghĩa là sự sẵn sàng để mở rộng bàn tay với các đối tác mới cũng như các nước cựu thù. Nổi bật nhất, Hoa Kỳ đã bắt đầu xây dựng các cầu nối mới của tình hữu nghị với người dân Myanmar và Cuba - nơi mà chính sách cô lập không thể giúp gì cho người dân.

Ông Ben Rhodes đi đến kết luận rằng chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Việt Nam tạo điều kiện để Hoa Kỳ và Việt Nam suy nghĩ về mức độ hai nước có thể đi xa đến đâu trong quan hệ song phương và cần làm gì để xây dựng mối quan hệ đối tác “đang nổi” này. Rõ ràng, những thành tựu mà hai nước đã và đang đạt được đều thông qua hợp tác một cách hòa bình.

(theo state.gov)