📞

Việt Nam - Ireland ký hợp tác chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm

Nguyễn Hồng 21:02 | 03/10/2024
Bộ Nông nghiệp hai nước triển khai hoạt động trong khuôn khổ Đối tác Việt Nam - Ireland nhằm củng cố hệ thống lương thực, thực phẩm của Việt Nam giai đoạn 2024-2028.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm việc với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Hàng hải Charlie McConalogue ngày 3/10 tại Ireland. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Ngày 3/10, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Ireland, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan làm việc với ông Charlie McConalogue - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Hàng hải Ireland (DAFM).

Việc ký kết Bản ghi nhớ sẽ tạo động lực thúc đẩy những nỗ lực nhằm tăng cường cải thiện hệ thống an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi số và chiến lược an toàn sinh học trong ngành chăn nuôi.

Thay mặt Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cảm ơn Ireland đã hỗ trợ đào tạo cán bộ, đặc biệt thông qua Chương trình hợp tác Ireland - Việt Nam trong nông nghiệp và thực phẩm giai đoạn 2023 - 2028 (IVAP).

Thông qua IVAP, Chính phủ Ireland đã trao 3 suất học bổng với tổng trị giá 2,2 tỷ đồng cho 3 sinh viên Việt Nam theo học chương trình thạc sĩ về biến đổi khí hậu, nông nghiệp - an ninh lương thực, công nghệ thực phẩm, khoa học - kỹ thuật tại Đại học Galway.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tin tưởng, 3 sinh viên Việt Nam sẽ hoàn thành tốt chương trình đào tạo ở nước bạn. Với những kiến thức, kinh nghiệm từ Ireland và vốn hiểu biết về Việt Nam, họ sẽ trở thành những kỹ thuật viên tài giỏi, thúc đẩy chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm nước nhà.

Bộ trưởng cho biết thêm, trong hội đàm giữa Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam và Ireland, Tổng thống Michael Higgins đã nhấn mạnh về tiềm lực của các hợp tác xã Ireland. “Những giá trị, ý chí và kinh nghiệm nông nghiệp của nước bạn có thể giúp Việt Nam định hướng phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác trong bối cảnh thế giới đầy biến động”, tư lệnh ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bày tỏ.

Trao đổi với đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông David Butler - Giám đốc Chương trình Hệ thống Thực phẩm Bền vững Ireland (SFSI) cho biết, chương trình đào tạo IVAP là trọng tâm của hợp tác giữa hai Bộ Nông nghiệp.

Bộ Nông nghiệp Việt Nam - Ireland ký hợp tác chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

“Các nhiệm vụ chính của chúng tôi là sản xuất nông nghiệp bền vững - đặc biệt là tăng cường chăn nuôi an toàn sinh học - trên toàn hệ thống quản lý và ở cấp độ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chú trọng đến đổi mới và nâng cao chất lượng, phát triển hợp tác xã. Những lĩnh vực mà Bộ trưởng đã đề cập cũng chính là những chủ đề cốt lõi trong chương trình hợp tác song phương”, ông David Butler thông tin.

Lắng nghe những đề xuất của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Giám đốc SFSI, Bộ trưởng Ireland cho rằng, Bản ghi nhớ hợp tác được ký kết hôm nay sẽ tạo động lực cho hai quốc gia phát triển hệ thống thực phẩm bền vững.

“Tôi tin rằng chúng ta đều có vai trò quan trọng trong bối cảnh quốc tế. Cùng nhau, hãy tạo ra tác động mang tính toàn cầu, hợp tác chặt chẽ để tiên phong chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm”, ông McConalogue nói.

Theo Bộ trưởng Ireland, vốn có thế mạnh về chăn nuôi bò và bò sữa, các hợp tác xã chăn nuôi của Ireland đóng vai trò là đội ngũ nòng cốt, cung cấp sản phẩm chất lượng cao từ sữa. Lãnh đạo DAFM khẳng định: “Chúng tôi sẵn lòng chia sẻ với Việt Nam mô hình hoạt động ở Ireland và những kinh nghiệm mà nông dân chúng tôi đã tích lũy được trong nhiều năm phát triển”.

Ireland sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển chăn nuôi bền vững với Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Trong khuôn khổ hợp tác, hai bên sẽ đẩy mạnh các chương trình về an toàn thực phẩm, phòng bệnh gia súc và chăn nuôi bền vững. Các cơ quan của hai Bộ nhất trí về chiến lược phát triển năng lực cho các hợp tác xã để phát triển nông nghiệp xanh, an toàn, thích ứng với khí hậu và giảm thiểu carbon.

Bên cạnh đó, cơ quan Thú y hai nước sẽ tăng cường trao đổi thông tin về các biện pháp phòng chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, tập trung vào các phương pháp chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật.

Hai bên sẽ hợp tác nghiên cứu sản xuất vaccine phòng bệnh, trao đổi kinh nghiệm về dịch tễ học, quản lý an toàn thực phẩm và phân tích nguy cơ vi sinh vật. Đào tạo cán bộ phân tích an toàn thực phẩm - đặc biệt về tồn dư hóa chất và thuốc thú y, cũng sẽ là trọng tâm của chương trình hợp tác.