TIN LIÊN QUAN | |
WEF Davos 47: “Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm” | |
Những rủi ro và thách thức chờ đợi thế giới năm 2017 |
Đại sứ Dương Chí Dũng cho biết, nhận lời mời của Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị từ ngày 18-20/1. Theo Đại sứ Dương Chí Dũng, đây là cơ hội cho những trao đổi về phương hướng phát triển cho nền kinh tế Việt Nam, từ đó giúp xây dựng đường lối và chính sách phát triển cho nước ta. Xin giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn.
Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva. (Thụy Sỹ). |
Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) là một diễn đàn kinh tế lớn quy tụ Lãnh đạo cấp cao nhiều quốc gia và Chủ tịch các tập đoàn trên thế giới. Xin Đại sứ đánh giá vai trò của WEF đối với Việt Nam và quan hệ giữa Việt Nam và WEF?
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), được Giáo sư Klaus Schwab khởi xướng từ năm 1971, ban đầu chỉ là một diễn đàn giới hạn ở châu Âu, nơi lãnh đạo các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi về cách thức quản trị doanh nghiệp để không chỉ mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp mà còn đảm bảo quyền lợi của cả người tiêu dùng, cộng đồng, xã hội và cả chính phủ. Chính mục tiêu bao quát này đã khiến diễn đàn vươn lên tầm mức toàn cầu; mở ra một kênh quan hệ, một diễn đàn tiếp xúc song phương, đa phương, thu hút sự tham gia của không chỉ giới doanh nghiệp mà cả giới chính trị, Lãnh đạo các quốc gia, tổ chức quốc tế, những nhà hoạt động xã hội, giới hàn lâm cùng chia sẻ tầm nhìn và đề xuất hành động vì sự thịnh vượng chung của thế giới.
Kể từ khi tham gia WEF vào năm 1989, quan hệ giữa Việt Nam và WEF phát triển nhanh chóng trên nhiều mặt. Từ vai trò khai phá quan hệ kinh tế Việt Nam với các nước phát triển trong điều kiện Việt Nam bị bao vây, cấm vận, sau gần 30 năm, WEF đã trở thành diễn đàn đối thoại quan trọng của Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam với các tập đoàn hàng đầu thế giới, mang lại cho Việt Nam các cơ hội đầu tư và phát triển. Các cuộc tiếp xúc song phương giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam với các đồng cấp của các nước trên thế giới cũng như lãnh đạo các tập đoàn, tổ hợp kinh tế toàn cầu, là cơ hội cho những trao đổi về phương hướng phát triển cho nền kinh tế Việt Nam, từ đó giúp xây dựng đường lối và chính sách phát triển cho nước ta.
Bên cạnh việc tham dự các Hội nghị WEF để quảng bá quốc gia, Việt Nam và WEF đã mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hợp tác trong công nghiệp, nông nghiệp… Việt Nam luôn tham gia tích cực và có hiệu quả các sáng kiến của WEF như “Tầm nhìn mới cho nông nghiệp”, “Tăng trưởng châu Á”, “Liên minh hành động vì tăng trưởng xanh”, “Định hình hệ thống sản xuất toàn cầu”… Việt Nam còn chủ động đăng cai các hội nghị khu vực của WEF, đáng chú ý mới đây ta đã đưa ra sáng kiến và tổ chức thành công Hội nghị WEF – Mekong (Hà Nội, tháng 10/2016) nhằm quảng bá tiểu vùng Mekong đến cộng đồng các tập đoàn hàng đầu thế giới. Hội nghị đã được WEF, các nước Mekong và cộng đồng doanh nghiệp khu vực đánh giá cao, thu hút sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp thành viên của WEF.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước tham gia vào các hoạt động của WEF, và 11 tập đoàn, công ty lớn của Việt Nam đã trở thành thành viên của WEF. Các doanh nghiệp này đã tận dụng Diễn đàn để xây dựng các mạng lưới hợp tác, trao đổi kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp, đóng góp vào hệ giá trị kinh tế toàn cầu.
Ngoài ra, hệ thống lãnh đạo trẻ tiềm năng của WEF cũng đang triển khai các nhóm thành viên có tiềm năng đóng vai trò lãnh đạo tương lai tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.
Hiện nay, WEF mong muốn tăng cường hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, quốc gia có sự phát triển năng động, có vai trò tích cực trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam cũng đóng vai trò tích cực trong công cuộc phát triển kinh tế của ASEAN, là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới -WTO, và luôn chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, đi đầu trong việc xây dựng các hiệp định tự do thế hệ mới.
WEF thu hút sự tham gia của gần 3.000 đại biểu từ khắp các châu lục. (Nguồn: WEF) |
Xin Đại sứ cho biết tại WEF Davos 2017, đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu sẽ ưu tiên tham dự những diễn đàn, sự kiện nào?
Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos 2017 có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của diễn đàn. Sau gần 50 năm thành lập, diễn đàn đã thu hút sự tham gia tích cực, rộng rãi của các nhà lãnh đạo chính trị, kinh tế, những người đứng đầu các phong trào xã hội và các học giả uy tín để trao đổi về các thách thức đang đặt ra cho nhân loại và cùng tìm ra những phương hướng hợp tác hiệu quả trên phạm vi toàn cầu.
Năm nay, WEF thu hút sự tham gia của gần 3.000 đại biểu từ khắp các châu lục, trong đó có các đoàn đại biểu chính phủ của hơn 70 quốc gia trên thế giới, với sự tham gia của gần 50 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ, đặc biệt là Trung Quốc, Anh... và 40 người đứng đầu các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Tổ chức thương mại thế giới, Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tế quốc tế…; lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới, các học giả có uy tín, các nhà hoạt động xã hội, đại diện các tổ chức phi chính phủ.
Hội nghị Davos 2017 có tổng số 446 phiên họp, với chủ đề là: “Lãnh đạo hành động và có trách nhiệm – Responsive and Responsible Leadership”. Việc lựa chọn chủ đề này mang ý nghĩa thời sự, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, bất ổn và nhiều chuyển biến sâu sắc. Biến động và bất ổn trong lĩnh vực an ninh (xung đột, khủng bố), chính trị (xu thế của chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa biệt lập đang đặt ra thách thức lớn cho thương mại toàn cầu...), kinh tế và môi trường,... Chuyển biến sâu sắc đang diễn ra trên toàn thế giới do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại. Công nghệ mới như in ba chiều, trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano,… đang làm thay đổi một cách căn bản quy trình sản xuất truyền thống, nâng cao năng suất lao động, nhưng đồng thời cũng làm gia tăng thất nghiệp và nới rộng khoảng cách giàu nghèo, trong cùng một quốc gia và giữa các quốc gia, đòi hỏi chúng ta phải có những biện pháp toàn diện, tổng thể và sâu rộng để cùng nhau giải quyết. |
Chủ đề năm nay của Hội nghị Davos hoàn toàn trùng hợp với quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Chính phủ đặt ưu tiên trong việc kiến tạo cơ hội cho người dân và doanh nghiệp làm giàu, và hành động kịp thời nhằm giải quyết vướng mắc và khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất và cuộc sống.
Với chủ đề bao trùm nói trên, Hội nghị Davos năm 2017 ưu tiên tập trung thảo luận các nội dung sau đây nhằm tìm ra giải pháp cho các thách thức mang tính toàn cầu: thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu; đảm bảo tăng trưởng phải bao trùm; làm chủ và tận dụng lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; và định hình lại phương hướng và mô hình hợp tác toàn cầu để giải quyết hiệu quả các vấn đề hòa bình, phát triển, các vấn đề nhân đạo, di cư, môi trường...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lần đầu tiên tham dự Diễn đàn Davos, với tư cách người đứng đầu chính phủ mới nhiệm kỳ 2016-2020 của Việt Nam, sẽ mang tới diễn đàn những thông điệp mạnh mẽ về đường lối, định hướng, chính sách và quyết tâm của Việt Nam về đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016 – 2020.
Thủ tướng cũng sẽ khẳng định cam kết xây dựng Chính phủ hành động và kiến tạo phát triển, đề cao vai trò và nỗ lực của Chính phủ trong nhiệm kỳ mới, trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước nhằm củng cố lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, góp phần thúc đẩy các dòng vốn đầu tư chất lượng cao của các tập đoàn hàng đầu thế giới vào Việt Nam.
Nhân dịp dự Hội nghị lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ tập trung quảng bá vị thế, vai trò của Việt Nam trên cương vị chủ tịch và chủ nhà của Hội nghị cấp cao APEC 2017 nhằm thu hút sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với các hoạt động đăng cai trong năm APEC 2017.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại phiên đối thoại giữa các nhà lãnh đạo kinh tế thế giới (IGWEL) với chủ đề “ Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm trong một thế giới đa cực ”, nhằm khẳng định các cam kết và nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong công cuộc đổi mới toàn diện của Việt Nam.
Tại Davos 2017, WEF sẽ dành một số hoạt động kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN và nhấn mạnh vai trò của ASEAN trong sự phát triển chung của kinh tế và chính trị thế giới, vai trò của ASEAN trong chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu trước sự phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và có các phát biểu quan trọng tại các sự kiện này để khẳng định vai trò, đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng tham gia vào các cuộc trao đổi và thảo luận với các nhà lãnh đạo chính trị, các lãnh đạo doanh nghiệp về các vấn đề kinh tế, chính trị toàn cầu và khu vực phù hợp với quan tâm và lợi ích của Việt Nam như tái cơ cấu kinh tế, phát triển bền vững, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vai trò và triển vọng của Cộng đồng ASEAN…
Thủ tướng cũng sẽ có các tiếp xúc song phương với những người đứng đầu nhà nước và chính phủ một số nước tham dự Hội nghị, với các lãnh đạo chủ chốt của các tập đoàn đa quốc gia, của các doanh nghiệp lớn hàng đầu trên thế giới, thủ tướng cũng có nhiều hoạt động tiếp cúc với lãnh đạo các tổ chức quốc tế. Với chương trình nghị sự dày đặc, WEF Davos sẽ là một chuyến công tác bận rộn của Thủ tướng nhưng chắc chắn cũng hứa hẹn rất nhiều thành công.
Xin cảm ơn Đại sứ.
Những vấn đề then chốt tại WEF Davos lần thứ 47 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sĩ) lần này, diễn ra từ 17-20/1, dự kiến sẽ đề cập tới vấn đề toàn cầu ở ... |
Chính sách đối ngoại của tân Tổng thống Philippines:Câu hỏi còn để ngỏ Việc ông Duterte gần như không có bất cứ kinh nghiệm nào trong giải quyết các vấn đề đối ngoại phức tạp, đặc biệt là ... |