TIN LIÊN QUAN | |
Cơ hội từ một cuộc cách mạng không tự nhiên đến | |
Vài nét về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư |
Đây là nhận định được đưa ra tại Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử 2017, ngày 5/4 tại Hà Nội, do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phối hợp cùng Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG Việt Nam tổ chức, dưới sự chủ trì của Văn phòng Chính phủ và UBND TP. Hà Nội.
Với chủ đề “Phát triển Chính phủ điện tử trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0: Tầm nhìn và giải pháp công nghệ”, Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử 2017 đã gắn với xu thế rất thời thượng khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên quy mô toàn cầu.
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: B.H) |
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho biết Cách mạng công nghiệp 4.0 được mở đầu bằng những đột phá khoa học vào thế giới vĩ mô, hình thành những công nghệ mới như công nghệ nano, in 3D, công nghệ sinh học phân tử, di truyền, trí tuệ nhân tạo, mạng lưới vạn vật kết nối (IoT)… qua đó đã và đang làm biến đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý, quản trị của mỗi quốc gia. Trong thời gian không xa, cuộc cách mạng này sẽ có tác động mạnh mẽ tới đời sống sản xuất của con người, kết nối IoT trở nên phổ biến, nhiều hoạt động sẽ được thực hiện bằng trí tuệ nhân tạo.
“Cuộc cách mạng này đang tác động đến chúng ta, không chờ đợi chúng ta mà đang tiến lên như vũ bão. Chúng ta không thể bỏ lỡ con tàu này. Công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân chủ động tham gia vào quá trình nghiên cứu sáng tạo, thụ hưởng nhiều thành tựu của sản phẩm công nghệ cao”, ông Dũng nhấn mạnh.
Theo ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn là công nghệ thông tin. Vì vậy, cần tập trung cho phát triển chính quyền điện tử các cấp, phải đi vào thực chất và làm thực chất chứ không phải mang tính phong trào.
Hưởng ứng xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trên quy mô toàn cầu, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước Việt Nam đã và đang được quan tâm, đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Nhờ sự quyết tâm và nỗ lực của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện Nghị quyết 36A, lộ trình phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam đã ghi nhận những kết quả tích cực.
Theo Báo cáo từ Liên hợp quốc công bố tháng 7/2016, Việt Nam xếp thứ 89/193 trên thế giới về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, tăng 10 hạng so với năm 2014, đứng thứ 6 trong ASEAN và cũng chính thức gia nhập nhóm các nước có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử cao. Cũng trong báo cáo này, chỉ số thành phần về cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại Việt Nam được đánh giá ở mức cao với 0,57 điểm, xếp hạng 4 trong khu vực Đông Nam Á.
Lộ trình phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam đã ghi nhận những kết quả tích cực. (Nguồn: Hà Nội Mới) |
Trong khi đó, theo báo cáo của các cơ quan chuyên môn, hiện đã có hơn 55% dân số sử dụng điện thoại thông minh và nối mạng Internet. Với tỷ lệ này, Việt Nam đang đứng thứ hạng cao trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.
Các chuyên gia nhận định, trong lộ trình phát triển Chính phủ điện tử, việc xây dựng hạ tầng công nghệ tốt song song với việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin là điều thiết yếu. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại rất nhiều cơ hội phát triển to lớn nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi các cơ quan Chính phủ cũng như các tổ chức doanh nghiệp cần chú trọng hơn nữa đến việc nâng cao chất lượng hạ tầng công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng các giải pháp an ninh thông tin phù hợp nhằm ứng phó kịp thời với những hiểm họa an ninh khi các cuộc tấn công mạng đang diễn biến ngày càng phức tạp.
Kể từ lần tổ chức đầu tiên vào năm 2003 đến nay, Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử đã trở thành diễn đàn quốc gia lớn và uy tín nhất tại Việt Nam về những dự án cải cách Chính phủ điện tử, được triển khai bởi khối Chính phủ và doanh nghiệp cũng như thảo luận xây dựng các giải pháp nhằm đảm bảo Chính phủ điện tử sẽ phát triển một cách hiệu quả và toàn diện nhất. |
Tránh tình trạng chỗ nào cũng nói cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng không biết làm gì Nhấn mạnh việc tận dụng cơ hội, có giải pháp hạn chế thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), ... |
Nói chuyện chuyên đề về “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” Ngày 18/11, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Văn phòng Đảng ủy Bộ đã tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề về “Cách mạng công ... |