📞

Việt Nam là hành lang kết nối khu vực Tiểu vùng Mekong

09:22 | 29/03/2018
Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh GMS 6 và Hội nghị cấp cao CLV 10, được tổ chức tại Việt Nam từ ngày 29-31/3, chia sẻ với báo chí, Trưởng phòng điều phối hoạt động và hợp tác khu vực Đông Nam Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Alfredo Perdiguero đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam với Sáng kiến hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS).
Trưởng phòng điều phối hoạt động và hợp tác khu vực Đông Nam Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Alfredo Perdiguero. (Ảnh: Trung Hiếu)

Ông có thể chia sẻ một số mục tiêu của Chương trình Sáng kiến hợp tác Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS)?

Sáng kiến hợp tác Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khởi xướng năm 1992 và năm 2018 đánh dấu hành trình 25 năm sáng kiến này được ra đời. GMS là chương trình hợp tác hoàn chỉnh nhất trong hợp tác Tiểu vùng Mekong, bao gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và Trung Quốc (tỉnh Quảng Tây và Vân Nam).

Trong 25 năm đó, ADB đảm nhận vai trò của Ban thư ký GMS cũng như vai trò của người điều hành, nhà tài trợ, nhà môi giới trung thành và cố vấn kỹ thuật. Chúng tôi đã huy động được khoảng 7 tỷ USD từ ADB cho 5 năm tới để hỗ trợ các dự án khác nhau của Chương trình GMS.

Mục tiêu hàng đầu của GMS luôn là đẩy mạnh kết nối giữa sáu quốc gia thuộc Tiểu vùng nhằm chung tay đẩy mạnh phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư. Chương trình hành động GMS được định hướng bởi 3 chữ C: Tăng cường kết nối (connectivity), tăng cường khả năng cạnh tranh (competitiveness) và đẩy mạnh vai trò cộng đồng (community).

GMS tập trung vào rất nhiều lĩnh vực và đã gặt hái được nhiều thành công, như: hợp tác phát triển mạng lưới điện, du lịch và nông nghiệp. Ngoài ra, nhiệm vụ bảo vệ môi trường có tầm quan trọng đảm bảo một tương lai phát triển bền vững ở cả 6 quốc gia này, là yếu tố chính trong tất cả các chương trình dự án của GMS.

Chợ nổi Sóc Trăng, Việt Nam  (tác giả Kiều Anh Dũng) - bức ảnh đoạt giải nhất Cuộc thi ảnh 25 năm GMS do ADB tổ chức.

Giao thông vận tải là lĩnh vực quan trọng nhất trong tất cả các lĩnh vực. Nếu nhìn lại năm 1992, khi GMS mới đi vào hoạt động, hầu như không có đường sá và cơ sở hạ tầng nối liền các quốc gia này. Nhưng giờ đây, nhờ GMS và các chương trình khu vực khác, đã có sự kết nối rõ rệt giữa 6 quốc gia. Những con đường này đã đóng góp đáng kể để tạo ra các cơ hội mới cho thương mại và đầu tư.

Như vậy, kết nối là một trong những định hướng quan trọng bậc nhất, trong đó có vai trò đặc biệt của giao thông vận tải trong các dự án của GMS, ông đánh giá thế nào về một số dự án giao thông vận tải mà GMS đã triển khai ở Việt Nam và các quốc gia?

Một trong những dự án quan trọng và thành công nhất của Chương trình GMS chính là dự án Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Trước khi cao tốc này được khai trương, phải mất 7 giờ để đi tới biên giới Trung Quốc. Nhưng hiện nay, thời gian di chuyển chỉ còn 3 giờ. Tuyến đường cao tốc này là động lực lớn để thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc. Chúng tôi cũng đã xây dựng các con đường ven TP. Hồ Chí Minh tạo thuận lợi cho giao thông và liên kết tới Campuchia.

Đây chỉ là hai ví dụ ở Việt Nam trong hàng loạt những dự án khác ở 6 quốc gia trong khu vực. Với trường hợp của Việt Nam, quốc gia duy nhất nằm trong 3 hành lang chính của hợp tác GMS, hành lang Bắc - Nam nối kết Việt Nam với Trung Quốc, hành lang Đông Tây nối Huế - Đà Nẵng với Lào, Thái Lan và Myanmar, và hành lang kinh tế phía Nam nối liền TP. Hồ Chí Minh với Phnom Penh và Bangkok. Việt Nam thật sự là một hành lang kết nối các nước trong khu vực.

ADB đánh giá thế nào về những đóng góp của Việt Nam vào Chương trình hợp tác GMS hiện tại và tương lai?

Việt Nam đã và đang là một thành viên tích cực của GMS, dẫn đầu nhiều sáng kiến và tham gia tích cực vào hầu hết các lĩnh vực mà GMS đang hoạt động. Chính phủ Việt Nam đánh giá cao những lợi ích mà Chương trình GMS mang lại cho Việt Nam, đó là mở ra những cơ hội mới nhằm kết nối Việt Nam với các nước láng giềng như Lào, Campuchia và Trung Quốc một cách sâu rộng hơn nữa.

Tôi cho rằng với việc là nước chủ nhà tổ chức Hội nghị GMS lần thứ 6 và Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh GMS, chính phủ Việt Nam đã cho thấy cam kết của mình với Chương trình Hợp tác GMS.

Ngoài ra, Việt Nam cũng là một trong những nước đi đầu về việc kêu gọi sự tham gia của khu vực công cũng như khu vực tư nhân. Chính vì vậy, ADB rất cảm kích trước sự chấp thuận của Thủ tướng đối với Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh lần này. Nhờ đó đem đến thêm nhiều sinh lực, các ý tưởng cũng như nguồn đầu tư từ khu vực tư nhân.

Vậy Việt Nam còn những điểm yếu nào cần khắc phục để thể hiện cam kết với GMS?

Cá nhân tôi cũng như ADB đều cho rằng, Việt Nam là một thành viên đóng góp rất tích cực và gần như không có điểm yếu nào mà tôi có thể nghĩ tới. Tuy vậy, theo tôi, một trong những thách thức lớn nhất với các bạn là làm cách nào để thúc đẩy sự tham gia của chính quyền địa phương vào các chương trình hợp tác GMS.

Một số địa phương đã và đang kết hợp tốt với chính phủ và ADB đạt được những kết quả rất đáng mừng. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục khuyến khích nhiều hơn nữa Chính quyền địa phương cũng như là các doanh nghiệp tư nhân. Chương trình Hợp tác có thể mang lại nhiều kết quả và lợi ích tới người dân hơn nữa nếu khu vực tư nhân quan tâm nhiều hơn tới các dự án GMS. Tôi nghĩ rằng sáng kiến tổ chức Thượng đỉnh Doanh Nghiệp GMS của Thủ tướng Việt Nam có vai trò rất quan trọng đối với Chương trình GMS.

Ngoài giao thông vận tải, Việt Nam còn cần phải tập trung vào lĩnh vực nào để hướng tới phát triển bền vững trong tương lai, thưa ông?

Về giao thông vận tải, hợp tác GMS không chỉ chú ý đến việc xây dựng và bảo dưỡng đường sá, mà còn bảo đảm an toàn giao thông. Ngoài ra, Chương trình hợp tác cũng phát triển đường sắt kết nối các quốc gia trong khu vực này.

GMS đang có các dự án hoạt động trong 7 lĩnh vực và đã tới lúc chúng ta cần phải mở rộng các ý tưởng đã được triển khai. Một trong số đó là lĩnh vực năng lượng, chúng tôi đang có kế hoạch xây dựng và cải thiện hệ thống lưới điện kết nối cả sáu quốc gia. Chúng ta cũng cần đảm bảo sự hợp tác tốt hơn trong ngành nông nghiệp nhằm tăng cường chuỗi giá trị, tăng năng suất và thân thiện với môi trường. 

Y tế cũng là một lĩnh vực hết sức quan trọng. Trong những năm gần đây, các loại bệnh truyền nhiễm mới đã xuất hiện rất nhiều và do đó tất cả các nước cần phải chuẩn bị tốt hơn. Hơn nữa, sự di chuyển giữa các nước trong khu vực đang được cải thiện, ngày càng có nhiều người di cư sang các nước khác và số lượng khách du lịch ngày càng tăng. Điều này cũng đem lại không ít khó khăn với ngành y tế trong kiềm chế và ngăn chặn các loại bệnh dịch.

Phát triển đô thị là một lĩnh vực cũng cần rất nhiều sự chú ý. Điều quan trọng là các quốc gia thành viên cần sẵn sàng chia sẻ những bài học và kinh nghiệm về cách phát triển các thành phố thông minh do họ đều đối mặt với nhiều thách thức khá giống nhau, nhất là vấn đề dân số.  

Ngoài ra, GMS còn tổ chức những hội thảo như Diễn đàn Du lịch GMS và Diễn đàn Nông nghiệp GMS để thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân cũng như doanh nghiệp nhà nước nhằm đưa ra những ý tưởng mới và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân.

Tóm lại, còn rất nhiều vấn đề cần phải được xử lý, chúng tôi đã chi 21 tỷ USD trong 25 năm qua và đang nhắm tới một mục tiêu rất tham vọng là huy động được 66 tỷ USD cho các dự án trong tương lai.

Trước thềm Hội nghị GMS lần thứ 6, ông có thông điệp nào muốn gửi tới công chúng và Chính phủ Việt Nam?

Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chính phủ Việt Nam, những người đang làm việc rất chăm chỉ để chuẩn bị cho Hội nghị và những hoạt động liên quan sắp tới, điều này sẽ giúp cho Chương trình hợp tác GMS ngày càng lớn mạnh hơn nữa trong tương lai. Hội nghị GMS chỉ diễn ra 3 năm một lần, tôi tin rằng Chính phủ Việt Nam thông qua Hội nghị lần này sẽ tập trung để hướng tới các thành quả thiết thực, đem lại lợi ích cho người dân trong khu vực.

Với người dân Việt Nam, các bạn là thành viên cũng như là những người được hưởng lợi từ chương trình này. Giờ đây, các tài xế xe tải đã có đường rộng và an toàn hơn để di chuyển qua biên giới các nước; các nhà đầu tư kinh tế có cơ hội tiếp cận thị trường khu vực dễ hơn; và nông dân có cơ hội tiếp cận với hệ thống nông nghiệp bền vững.

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)