Trong bối cảnh đó, chủ nghĩa đa phương và LHQ càng khẳng định vai trò quan trọng không thể thiếu. Do đó, Việt Nam càng cần tham gia chủ động và tích cực hơn, phát huy hiệu quả hơn vai trò của mình tại diễn đàn đa phương quan trọng nhất và lớn nhất hành tinh này. Đó là nhận định của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên tại LHQ trước thềm chuyến tham dự kỳ họp cấp cao ĐHĐ LHQ khóa 73 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Đại sứ Đặng Đình Quý đã điểm lại những đóng góp nổi bật của Việt Nam vào mọi mặt hoạt động của LHQ trong hơn 40 năm qua kể từ khi Việt Nam gia nhập ngôi nhà chung LHQ, trên tất cả 3 trụ cột - hòa bình-an ninh, phát triển và quyền con người.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Trong lĩnh vực hoà bình, an ninh, Đại sứ Đặng Đình Quý cho biết Việt Nam luôn nhất quán trong việc đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ trong việc giải quyết các xung đột, tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực trong lĩnh vực giải trừ quân bị và chống phổ biến vũ khí, nhất là giải trừ vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt khác. Trên cương vị ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam đã tham gia tích cực vào các nỗ lực ngăn ngừa khủng hoảng, gìn giữ hoà bình, có những đề xuất quan trọng về bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong xung đột, thúc đẩy quyền con người và xây dựng hoà bình hậu xung đột, cải tiến phương pháp làm việc của HĐBA.
Sau khi hết nhiệm kỳ, Việt Nam tích cực tham gia hầu hết các buổi thảo luận mở của HĐBA, bày tỏ quan điểm, đóng góp ý kiến tại nhiều đề mục như: các tổ chức khu vực và những thách thức hiện nay đối với an ninh toàn cầu, tôn trọng các nguyên tắc và tôn chỉ của Hiến chương LHQ, tình hình Trung Đông và vấn đề Israel-Palestine, phụ nữ, trẻ em và xung đột vũ trang...
Với tư cách là điều phối viên của ASEAN tại HĐBA, Việt Nam đã thay mặt các nước ASEAN phát biểu tại nhiều phiên thảo luận mở về các vấn đề ASEAN quan tâm. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đóng góp tích cực vào tiến trình thương lượng liên chính phủ của ĐHĐ LHQ về vấn đề cải tổ HĐBA.
Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ là điểm sáng thể hiện tinh thần đối tác có trách nhiệm của Việt Nam. Đại sứ Đặng Đình Quý cho biết bắt đầu từ năm 2014, Việt Nam đã cử các sỹ quan tham gia các phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ ở CH Trung Phi và ở Nam Sudan.
Mới đây ngày 25/6, Cục Hỗ trợ thực địa LHQ đã công bố kết quả thanh sát địa điểm huấn luyện gìn giữ hòa bình của LHQ tại các nước thuộc ASEAN, theo đó Việt Nam cùng với ba nước là Campuchia, Indonesia, Thái Lan được chọn làm địa điểm huấn luyện gìn giữ hòa bình quốc tế luân phiên. Việt Nam cũng đang nỗ lực để sắp triển khai bệnh viện dã chiến cấp II tại Nam Sudan.
Trong lĩnh vực phát triển, Đại sứ Đặng Đình Quý cho biết Việt Nam được đánh giá là hình mẫu điển hình về sự thành công trong hợp tác giữa Việt Nam và LHQ. Với sự trợ giúp hiệu quả của LHQ, Việt Nam là một trong những quốc gia thành công trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ.
Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của LHQ áp dụng thành công mô hình thống nhất hành động, Một LHQ ở Việt Nam, là nước đầu tiên có Một ngôi nhà xanh chung của LHQ, nơi mà tất cả các cơ quan của LHQ cùng làm việc dưới một ngôi nhà hiện đại, sử dụng năng lượng Mặt Trời, tiết kiệm điện và năng lượng. Điều quan trọng là cùng làm việc, cùng ngồi với nhau để xây dựng và triển khai các chương trình cụ thể.
Hiện Việt Nam đang nỗ lực triển khai Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Sáng kiến của LHQ về ứng phó với El Nino và La Nina…
Trong nhiệm kỳ 2016-2018, với tư cách thành viên Hội đồng Kinh tế - Xã hội (ECOSOC), Việt Nam đã hoạt động tích cực trong mảng kinh tế - phát triển tại LHQ, nắm bắt xu thế, các chuyển động lớn của thế giới trong lĩnh vực phát triển để chủ động tham mưu xây dựng và triển khai các chính sách phát triển, nêu các nhu cầu, quan tâm của Việt Nam cần sự hỗ trợ của LHQ, góp phần huy động nguồn lực cho phát triển thông qua hoạt động của các quỹ, Chương trình tại Việt Nam.
Ngày 5/7/2018, Việt Nam và LHQ đã ký Kế hoạch Chiến lược chung mới (OSP) cho giai đoạn 2017 - 2021 giữa Chính phủ Việt Nam và 18 cơ quan LHQ. Đây là dấu ấn quan trọng nêu bật cam kết mạnh mẽ của LHQ và Chính phủ Việt Nam trong Chương trình Hành động quốc gia thực hiện các mục tiêu phát biển bền vững.
Trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người, Việt Nam luôn thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của các quốc gia thành viên thông qua việc tiến hành các báo cáo rà soát và phổ quát (UPR), đồng thời tích cực tham gia vào việc bảo vệ quyền con người trên thế giới.
Được tín nhiệm bầu vào Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014-2016), Việt Nam đã tham gia tích cực vào các nỗ lực thúc đẩy quyền con người trên thế giới, đã đề xuất và được thông qua Nghị quyết về tác động của biến đổi khí hậu với quyền trẻ em, đưa ra và tham gia nhiều sáng kiến như bảo vệ quyền lao động của người khuyết tật, bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người lao động trên biển, tăng cường giáo dục, phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em gái.
Đại sứ Đặng Đình Quý cho biết bạn bè quốc tế đánh giá tích cực về những đóng góp của Việt Nam. Điều này thể hiện qua việc Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào các cơ quan hết sức quan trọng của LHQ như HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009, Ủy ban Kinh tế, xã hội của LHQ nhiệm kỳ 2016-2018 hay như năm 2017 Đại sứ Nguyễn Hồng Thao được bầu làm thành viên của Ủy ban Luật pháp quốc tế.
Và ngày 25/5/2018 vừa qua, tại cuộc họp của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương tại LHQ, các nước đã nhất trí thông qua đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của nhóm vào vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA (nhiệm kỳ 2020-2021) tại cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào tháng 6/2019. Việc Nhóm châu Á - Thái Bình Dương nhất trí thông qua đề cử Việt Nam thể hiện sự ủng hộ và tín nhiệm cao của các nước trong khu vực đối với vai trò và năng lực của Việt Nam.
Tuy nhiên, Đại sứ Đặng Đình Quý cũng cho rằng có nhiều vấn đề đang đặt ra đối với hoạt động của Việt Nam tại LHQ. Tình hình thế giới diễn biến hết sức nhanh chóng, khó lường. Chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế đứng trước nhiều thách thức. Chủ nghĩa dân tộc, cực đoan bạo lực, xu hướng bảo hộ gia tăng. Tập hợp lực lượng tại LHQ biến động linh hoạt, lợi ích đan xen phức tạp.Theo đó, cần phải nhận định, đánh giá tình hình chính xác, xử lý, giải quyết từng vấn đề kịp thời, đúng đắn, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, đồng thời đóng góp vào hoà bình và phát triển trên thế giới.
Trong bối cảnh nguồn lực tài chính quốc tế ngày càng khan hiếm, hợp tác phát triển giữa Việt Nam với LHQ và các nước tài trợ đang chuyển sang quan hệ đối tác, Đại sứ lưu ý, Việt Nam không còn là đối tượng ưu tiên được nhận hỗ trợ phát triển. Thực tế này đòi hỏi chúng ta phải đổi mới tư duy, phát huy hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường, kết hợp giữa huy động nguồn lực trong nước với sáng tạo, linh hoạt, năng động trong việc tìm kiếm và huy động các nguồn lực mới, hình thức hợp tác mới hiệu quả, cùng có lợi. Một thách thức lớn khác là việc triển khai Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững đòi hỏi không chỉ nguồn lực mà cả biện pháp thực hiện, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa trong nước với bên ngoài, hội nhập quốc tế thực sự sâu rộng.
Đại sứ Đặng Đình Quý thể hiện tin tưởng rằng, quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới, đồng thời phấn đấu đưa quan hệ hợp tác với LHQ đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực. Việt Nam sẽ tiếp tục cùng các nước thành viên đề cao các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, thúc đẩy các mối quan hệ quốc tế công bằng, bình đẳng, hữu nghị và hợp tác, bảo đảm lợi ích chính đáng của tất cả các nước, nhất là các nước đang phát triển.