Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Liên minh doanh nghiệp Mỹ - APEC. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Buổi làm việc diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Thái Lan và dự Tuần lễ cao cấp APEC 2022, thu hút nhiều doanh nghiệp nổi tiếng của Mỹ tham dự. Bắt đầu phiên làm việc, lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ bày tỏ ấn tượng sâu sắc trong hợp tác kinh tế, đầu tư tại Việt Nam khi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc còn trên cương vị Thủ tướng Chính phủ.
Ông Michael Michalak, Chủ tịch cao cấp Liên minh doanh nghiệp Mỹ - ASEAN cho rằng, trên cương vị Thủ tướng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã được thế giới đánh giá cao vai trò lãnh đạo của mình ở giai đoạn đầu dịch Covid-19. Việt Nam nhanh chóng dập dịch, kiểm soát tốt tình hình, chỉ bị ảnh hưởng một phần cuối năm 2020 và điều này giúp tăng trưởng kinh tế dương 3% trong khi nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm.
“Các doanh nghiệp Mỹ luôn coi Việt Nam là thị trường chiến lược để đầu tư kinh doanh và muốn gắn bó kinh doanh dài hạn ở Việt Nam”, ông Michael Michalak cho biết.
Buổi làm việc diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Thái Lan và dự Tuần lễ cao cấp APEC 2022, nhiều doanh nghiệp nổi tiếng của Mỹ tham dự cuộc làm việc. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Bày tỏ sự vui mừng khi gặp lại nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn của Mỹ, trong đó có những người thân quen, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh, đánh giá cao và cho rằng đây là dịp các doanh nghiệp đề xuất ý tưởng mới, cơ hội mới về đầu tư kinh doanh thời gian tới tại Việt Nam.
Chủ tịch nước cho biết, cách đây nhiều năm Việt Nam đã có những chính sách, chuyển biến cần thiết tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Mỹ làm ăn, đầu tư thành công ở Việt Nam; góp phần đưa Mỹ trở thành đối tác lớn và toàn diện về đầu tư và thương mại với Việt Nam.
Bối cảnh thế giới nhiều biến động, thời cơ và thách thức đan xen, Việt Nam đã nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, phục hồi phát triển kinh tế. Kim ngạch 2021 đạt 670 tỷ USD, tăng 20% so với 2020. GDP 9 tháng đầu năm nay của Việt Nam tăng 8,83% so với cùng kỳ năm 2021.
Hiện nay, các tổ chức quốc tế đều dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022, khó khăn hiện nay chỉ là tạm thời với cả thế giới, Việt Nam. Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài trên tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi; ưu tiên thu hút các lĩnh vực đầu tư vào công nghệ cao…
Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp Mỹ quan tâm, đầu tư vào các lĩnh vực, như kinh tế số, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp thông minh, năng lượng tái tạo…
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh, đánh giá cao và cho rằng đây là dịp các doanh nghiệp đề xuất ý tưởng mới, cơ hội mới về đầu tư kinh doanh thời gian tới tại Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Thời gian qua, Việt Nam đã thu hút nhiều tập đoàn của Mỹ như Apple, Nike, Boeing, Intel… lựa chọn là điểm đến đầu tư, phát triển chuỗi cung ứng. Chủ tịch nước kỳ vọng, thời gian tới doanh nghiệp Mỹ tăng cường liên kết, tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm phát triển ở khu vực, toàn cầu, theo tinh thần cùng hợp tác, cùng thành công.
Ông Quint Simon, đại diện Amazon Web Service cho biết công ty đã đầu tư vào Việt Nam từ năm 2017, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số; tham gia vào nhiều dự án đầu tư hạ tầng tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh; phát triển hệ sinh thái số…
Đại diện Amazon Web Service đánh giá, việc Việt Nam có khuôn khổ chính sách phù hợp hơn dành cho các dịch vụ điện toán đám mây, dịch chuyển công ty xuyên biên giới sẽ rất có lợi cho phát triển kinh tế số Việt Nam, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các startup vì họ phụ thuộc nhiều vào công nghệ số để tham gia thị trường, cạnh tranh trong ASEAN.
Ông kiến nghị Người đứng đầu Nhà nước cùng Chính phủ Việt Nam tháo gỡ một số vướng mắc trong pháp luật, quy định để tạo điều kiện cho những công ty về chuyển đổi số đầu tư vào Việt Nam.
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đại diện các bộ ngành đã lắng nghe, giải đáp nhiều ý kiến tâm huyết của các doanh nghiệp, tập đoàn Mỹ với mong muốn tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa, nhất là công nghệ cao, hiện diện nhiều hơn nữa vào Việt Nam, cũng như bảo đảm quan hệ thương mại phát triển ổn định, hướng tới cân bằng cán cân thương mại song phương.