Lãnh đạo các nước ASEAN chụp ảnh tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 tại Thái Lan. (Nguồn: Thainews) |
Đại sứ Phạm Quang Vinh, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam giai đoạn 2007-2014 cho rằng, hội nhập giữa các nước ASEAN trong giai đoạn tới sẽ khó khăn hơn trước, vì không còn chỉ là gỡ bỏ hàng rào thuế quan, mà phải nhắm đến liên kết cao hơn về chất.
Cạnh tranh nước lớn gia tăng
Ông nhận định thế nào về các thách thức trong năm làm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam?
Chủ tịch ASEAN có trách nhiệm điều phối hoạt động của ASEAN trong vòng một năm. Do đó phải làm tốt cả về định hướng nội dung, điều hành cả tiến trình và các hội nghị, cũng như về tổ chức, an ninh, hậu cần. Đó là khối lượng công việc khổng lồ và không ít phức tạp.
Thứ nhất, đảm bảo sao cho các sự kiện đều tốt, bao gồm một loạt các hội nghị cấp cao, cấp bộ trưởng và các cấp, riêng thượng đỉnh đã phải tổ chức hai lần trong năm, lần đầu là giữa ASEAN, lần thứ hai là với các đối tác khác.
Thứ hai, là khâu định hướng nội dung, bao gồm cả về chủ đề, các ưu tiên và các sáng kiến, khâu điều hành, phối hợp các thành viên ASEAN và các nước đối tác, để làm sao đạt được các định hướng, ưu tiên trong năm, cũng như đưa ASEAN đi đúng lộ trình xây dựng Cộng đồng, mở rộng quan hệ đối tác và ứng phó hiệu quả với các thách thức đặt ra.
Thứ ba, là nếu có vấn đề nảy sinh, ASEAN phải kịp thời bàn bạc, thống nhất tìm hướng xử lý và có tiếng nói, theo đó phát huy hơn nữa vai trò trung tâm ở khu vực.
Hiện nay, ASEAN đang đứng trước một loạt thách thức, cả về nội khối, cũng như trước các diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực.
Thứ nhất, từ nội khối. ASEAN có lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN hướng tới năm 2025, sắp tới, làm sao để ASEAN có thể phấn đấu đạt được các mục tiêu ở mức cao hơn về hội nhập và xây dựng cộng đồng trên cả ba trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. Năm 2020 cũng là dấu mốc nửa chặng đường lộ trình đó, mà còn nhiều mục tiêu vẫn chưa đạt được đầy đủ và đúng hạn.
Thứ hai, cạnh tranh giữa các nước lớn, đặc biệt là chiến tranh thương mại và cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung ngày càng gia tăng căng thẳng và phức tạp. Điều này đã và tác động nhiều chiều tới khu vực và ASEAN. Chẳng hạn như nguy cơ gia tăng bảo hộ, giảm tốc thương mại, tăng trưởng, bất ổn kinh tế, tài chính… Liệu điều này có dẫn đến nguy cơ khủng hoảng kinh tế hay không? Liệu các nước trong khu vực có buộc phải lựa chọn đứng về bên này hay bên kia hay không? Liệu vai trò trung tâm của ASEAN sẽ ra sao, có bị lu mờ trước cạnh tranh nước lớn? Và còn vấn đề giữ đoàn kết ASEAN?
Thứ ba, đó là ASEAN đóng góp vào môi trường an ninh và phát triển ở khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông, biến đổi khí hậu hay các vấn đề an ninh phi truyền thống khác, như nước biển dâng, cháy rừng dẫn đến khói bụi, rác thải nhựa, tội phạm xuyên quốc gia.
Giữ chức Chủ tịch, Việt Nam sẽ điều phối ASEAN như thế nào trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn?
Trước hết phải xuất phát từ các mục tiêu, nguyên tắc và ưu tiên của ASEAN và dựa trên đoàn kết ASEAN mà xử lý vấn đề.
Chủ đề và ưu tiên mà chúng ta đưa ra cho năm Chủ tịch 2020 cũng nêu rất rõ, đó là làm sao xây dựng một ASEAN tăng cường gắn kết, đoàn kết, đồng thời thích ứng hiệu quả trước những biến đổi của tình hình và với giai đoạn phát triển mới của ASEAN.
ASEAN muốn quan hệ tốt với các đối tác, trong đó có hai đối tác quan trọng là Mỹ và Trung Quốc, không muốn chọn bên và mong muốn hai nước tiếp tục coi trọng hợp tác và vai trò trung tâm của ASEAN, đồng thời quản trị tốt cạnh tranh giữa họ, tránh để ảnh hưởng đến môi trường an ninh và phát triển ở khu vực.
Tuy nhiên, ASEAN cũng phải củng cố và tăng cường nội lực, chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa đề phòng rủi ro, chẳng hạn như chiến tranh thương mại và bảo hộ mậu dịch có thể ảnh hưởng đến hội nhập, liên kết khu vực; hay cạnh tranh nước lớn có thể làm khó ASEAN trong thúc đẩy hợp tác với các nước đối tác, điều phối các tiến trình do ASEAN khởi xướng mà có liên quan tới các đối tác.
Khâu chuẩn bị, tích cực tham vấn và có phương thức điều phối hiệu quả cả trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, là rất quan trọng.
Đến nay,Trung Quốc và Mỹ vẫn nhấn mạnh họ coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN. Đây là điều ta phải cùng ASEAN tiếp tục nhân lên, trong tham vấn giữa các nước ASEAN và với các đối tác.
Ứng xử với các sáng kiến khác nhau, như của Mỹ và Trung Quốc, khi giữa họ có cạnh tranh, cũng cần phải xuất phát từ các nguyên tắc, ưu tiên và lợi ích của ASEAN để xây dựng quan điểm và trao đổi với các bên. Theo đó, tranh thủ các lợi ích song trùng, có ý kiến về những điểm chưa phù hợp, trên cơ sở đóng góp vào hoà bình, phát triển ở khu vực, hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.
Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy họ hợp tác, tham gia vào các chương trình ưu tiên của ASEAN như kết nối, an ninh biển, biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, dịch bệnh.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh. |
Biển Đông: mối quan tâm chung của ASEAN
Tình hình Biển Đông đã nóng từ nhiều tháng nay. Việt Nam nhiều lần lên tiếng phản đối nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đây sẽ là thách thức lớn trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN?
Biển Đông là khu vực quan trọng, cửa ngõ thông thương, hàng hải quốc tế. Do đó, hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải tại đây là quan tâm chung và lợi ích chung của khu vực và ASEAN. ASEAN đã và sẽ cần phải tiếp tục có tiếng nói. Các nước đối tác cũng cần tiếp tục đóng góp xây dựng và trách nhiệm vào mục tiêu này.
Mặt khác, Biển Đông vẫn tiếp tục chứng kiến những diễn biến phức tạp, trong đó có những hành động gây căng thẳng, hay xâm phạm vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của các nước, như ở Việt Nam, Philippines và Malaysia. Vì vậy, ASEAN càng cần phải tiếp tục có tiếng nói và khẳng định các nguyên tắc của mình, trong đó có đảm bảo khu vực hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, xây dựng lòng tin, các bên kiềm chế, không có những hành vi gây phức tạp tình hình, tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Đồng thời, ASEAN và Trung Quốc đang tiếp tục đối thoại để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). COC cần phải là bộ quy tắc thực chất và hiệu quả, đóng góp vào các mục tiêu nêu trên, nhấn mạnh việc tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS.
Các nước ASEAN có nhận ra Biển Đông là vấn đề chung của khu vực?
Cần phải nhìn nhận lại thế này. Từ lâu ASEAN đã bàn và có nhiều tuyên bố quan trọng về Biển Đông. Các quan điểm và tuyên bố của ASEAN được các nước và các đối tác ủng hộ mạnh mẽ. Thứ hai, hoà bình, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông gắn liền với môi trường hoà bình và phát triển ở khu vực. Vấn đề Biển Đông cũng là việc tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS, cũng như các nguyên tắc của ASEAN. Do đó, đây là vấn đề của chung ASEAN và khu vực. Đó là nhận thức chung và cũng là trách nhiệm chung của ASEAN.
Trong quá trình trao đổi, nhất là khi có vấn đề nảy sinh, có nước này nước khác có thể có ý kiến khác nhau, nhưng rồi ASEAN cũng dựa trên các nguyên tắc, quan điểm chung đã có để xử lý, từ đó xây dựng lập trường chung.
Trong vấn đề Biển Đông, có vấn đề về bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải - là các mối quan tâm chung của khu vực; cũng có việc chồng lấn đòi hỏi chủ quyền, thì sẽ giải quyết giữa các bên tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS.
Nhưng cũng phải nói rõ rằng, trong khi có tranh chấp, ứng xử của các bên là phải kiềm chế, không làm phức tạp tình hình và phải tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Đối với hành vi xâm phạm vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của nước, ASEAN cần phải có tiếng nói và trách nhiệm về vấn đề này.
Giai đoạn hội nhập tiếp theo sẽ khó hơn
Lần này Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN có khác nhiều so với năm 2010 khi mà ông làm trưởng SOM ASEAN?
Lần này làm Chủ tịch ASEAN so với năm 2010, chúng ta có cái thuận, cũng có cái khó.
Năm 2010, ASEAN trong giai đoạn bắt đầu đưa Hiến chương ASEAN và các Kế hoạch tổng thể về xây dựng Cộng đồng ASEAN trên ba trụ cột đi vào cuộc sống. Xin đơn cử, có thể nói Việt Nam khi đó là nước chủ tịch tiên phong trong việc đưa bộ máy mới của ASEAN theo Hiến chương đi vào hoạt động trên thực tế. Theo đó, mới hình thành lịch, thứ tự tổ chức các hội nghị ASEAN đại thể như hiện nay.
Rồi khi đó có vấn đề mở rộng Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) và chúng ta cũng đã chủ động tham vấn và đã đạt được thỏa thuận là để Nga, Mỹ tham gia EAS. Hay đó cũng là thời điểm khởi động tiến trình ADMM+ (Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng). Vấn đề hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông cũng được các nước quan tâm, bàn bạc và đưa vào tuyên bố các hội nghị.
Còn bây giờ thì sao? Có nhiều thuận lợi, nhưng phức tạp cũng lại lớn hơn nhiều.
Thứ nhất, cạnh tranh Mỹ - Trung đã khác. Trước đây họ vừa hợp tác vừa cạnh tranh, còn bây giờ, họ lấy cạnh tranh chiến lược làm trọng tâm, rất khác và căng hơn.
Thứ hai, Cộng đồng ASEAN đã đi qua 5 năm kể từ 2015, nay vào giai đoạn hội nhập tiếp theo, sẽ phải phấn đấu đạt được mức cao hơn về chất, như vậy sẽ khó hơn.
Thứ ba, giờ đây chiến tranh thương mại, bảo hộ mậu dịch gia tăng, sẽ tác động đến xu hướng thúc đẩy thương mại, hội nhập quốc tế và khu vực. Bây giờ, có nhiều xu hướng phản đối toàn cầu hoá hơn, thậm chí bảo hộ, dân tuý - đó là thách thức lớn.
Vì vậy, yêu cầu về đoàn kết và thích ứng là rất thiết yếu với ASEAN lúc này. Dù thời điểm khác nhau, nhưng khi có cạnh tranh, cọ xát như lúc này, mục tiêu đoàn kết, gắn kết ASEAN vẫn luôn quan trọng.
Việt Nam 10 năm qua đã tiến bộ vượt bậc, về đổi mới phát triển, hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực, về kinh tế, tham gia cả các FTA tiêu chuẩn cao, rồi đăng cai thành công nhiều hội nghị quốc tế, khu vực quan trọng. Vị thế, uy tín và năng lực của đất nước đã được tăng thêm rất nhiều. Lực lượng cán bộ cũng vậy, trưởng thành và ngày càng chuyên nghiệp. Đó là những mặt thuận rất lớn, bảo đảm thành công năm chủ tịch.
Mô hình đồng thuận của ASEAN, dù đã giúp các nước rất khác nhau ngồi lại với nhau, gây cản trở trong việc giải quyết một số vấn đề mà khu vực phải hành động quyết liệt. Ông nhận định sao?
ASEAN gồm các nước có đặc điểm về lịch sử, chính trị, xã hội, quan điểm rất khác nhau. Chính nguyên tắc đồng thuận là chất gắn kết các nước trở thành ASEAN. Đồng thuận là thu hẹp khác biệt và nhân rộng điểm đồng.
Hơn 50 năm qua, đặc biệt 1-2 thập kỷ qua, ASEAN tiến lên rất nhiều, được xem là tổ chức khu vực thành công nhất. Đó là do ASEAN tìm điểm đồng, nhân lên, không áp đặt, mà tranh thủ lẫn nhau.
Nhưng vẫn nên xem rằng với nguyên tắc đồng thuận, các nước có thể làm gì được hơn với những khác biệt?
Thứ nhất, đồng thuận là quá trình tham vấn để thu hẹp khác biệt, nhân lên điểm đồng. Phải nhận thức và vun vào như thế mới đúng. Thực tế, ai vào ASEAN cũng có cái lợi của mình, đó là môi trường cho hoà bình, phát triển, hội nhập, lại nâng được vị thế và mở rộng quan hệ. Do đó, cũng phải có trách nhiệm về đoàn kết, về xử lý những vấn đề đặt ra, giữ hình ảnh và uy tín ASEAN.
Thứ hai, đồng thuận là quá trình, nên phải kiên trì, tìm ra các lợi ích song trùng, từ đó xây dựng các mẫu số chung. Do vậy, quá trình quyết định không chỉ là một thời điểm, mà phải kiên trì tham vấn. Khi trao đổi trong ASEAN cũng quyết liệt lắm. Có trách nhiệm và gắn lợi ích chung với ASEAN thì sẽ tìm được đường ra, tìm được mẫu số chung.
Chẳng hạn, có nước thành viên, do còn gặp khó khăn trong quan hệ với bên ngoài, chính nhờ có ASEAN mà mở rộng được quan hệ bên ngoài, cả với các nước lớn, như trường hợp Myanmar trước đây.
Hội nghị hồi năm 2012 ở Campuchia, đến nay người ta vẫn còn kêu lắm, vì đó là lần đầu tiên sau 45 năm một hội nghị bộ trưởng ngoại giao không ra được tuyên bố chung. Vì vậy, tham gia ASEAN còn phải có cả trách nhiệm nữa, cầu thị, không chỉ khăng khăng một mình, mà phải trao đổi, tìm mẫu số chung, sao cho ai cũng hài lòng.
Gắn kết nội khối biến ASEAN thành thị trường hấp dẫn
Tháng 8, Phó thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa nói đàm phán Hiệp định RCEP đang gấp rút hoàn tất, với việc các bên đã đồng thuận 80% điều khoản. Khi hoàn tất, RCEP sẽ có tác động chính nào tới các nước Đông Nam Á?
Nói vậy, nhưng 20% còn lại của bất cứ hiệp định thương mại không phải là dễ, vì đó là giai đoạn chốt, thường các vấn đề khó khăn để lại. Liệu tháng 11 đã hoàn tất chưa? Cá nhân tôi nghĩ chắc phải chờ thêm.
Thực tế RCEP nhằm gắn kết các hiệp định tự do thương mại (Fta) mà ASEAN đã có với các đối tác riêng để trở thành một thể thống nhất. Hiện nay, ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, và với Australia-New Zealand - RCEP gắn kết 5 Fta đó thành một.
Một khi đạt được, RCEP sẽ mở rộng không gian luân chuyển hàng hóa thuận lợi hơn, trong một khu vực rộng lớn, bao gồm từ Đông Bắc Á qua Đông Nam Á, qua Nam Thái Bình Dương và ngược lên đến Nam Á. Đó là không gian lớn trong đó có các nền kinh tế hàng đầu, năng động của thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, cũng như một số nước ASEAN.
Tuy khó, nhưng nếu được, cũng nên định hướng để sau này RCEP gắn kết bằng hình thức nào đó với các trung tâm, đối tác kinh tế quan trọng khác.
Giới phân tích cho rằng ASEAN cần tăng cường liên kết kinh tế nội khối để trở thành tổ chức vững mạnh. Liên kết nội khối của ASEAN hiện ra sao? Hợp tác kinh tế nội khối của ASEAN vẫn chưa nhiều, chỉ chiếm 1/4 tổng giá trị thương mại hay đầu tư?
Chính gắn kết nội khối của ASEAN đã tạo ra nền thị trường 650 triệu dân có sức hấp dẫn lớn không chỉ với hàng hóa mà còn đầu tư từ bên ngoài.
ASEAN cũng có thỏa thuận dàn xếp với các đối tác để cùng có lợi. Chẳng hạn, nếu một hàng hóa được đầu tư ở Malaysia mà sang Việt Nam, Thái Lan thì biểu thuế tốt hơn nhiều.
Còn nói về tăng chuyện giao lưu hàng hóa, ASEAN có biện pháp để hội nhập cao hơn - và đó cũng chính là những thách thức của quá trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Nếu trong hai thập kỷ qua, cơ bản các nước tập trung vào lộ trình bỏ hàng rào thuế quan, thì hội nhập tiếp theo là về chất, với các tiêu chuẩn hài hoà, một cửa, một chế độ giám định - đó sẽ là giai đoạn cao hơn.
Thông qua đó, buôn bán nội khối cũng sẽ được gia tăng. Là những nước có nhiều tương đồng về hàng hoá, dịch vụ, lại nhìn chung là đang phát triển, nên hướng xuất khẩu nhiều hơn ra bên ngoài cũng là bình thường.
Không quá ngại về tỷ lệ buôn bán nội khối còn thấp. Quan trọng là tạo không gian kinh tế ASEAN, hỗ trợ nhau phát triển năng động, thuận lợi cho đầu tư bên ngoài vào, hình thành được chuỗi giá trị, sẽ tạo động lực và vị thế của ASEAN trong phát triển, hội nhập và quan hệ chung.
Xin cảm ơn ông.