Việt Nam lần đầu tiên nằm trong top 20 nước thu hút nhiều FDI nhất trong năm 2020. |
UNCTAD cho rằng, việc tăng cường đầu tư để hỗ trợ phục hồi bền vững và toàn diện sau đại dịch đang là một ưu tiên chính sách toàn cầu. Điều này đòi hỏi phải thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng và chuyển đổi năng lượng, cũng như tăng cường tính tự cường của các quốc gia và chú trọng lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Báo cáo đầu tư 2021 nêu trên cho thấy, dòng vốn FDI toàn cầu năm 2020 đã giảm 35% xuống còn 1.000 tỷ USD từ mức 1.500 nghìn tỷ USD năm 2019.
Việc đóng cửa biên giới trên khắp thế giới để đối phó với đại dịch Covid-19 đã làm trì hoãn các dự án đầu tư hiện có và triển vọng suy thoái khiến các doanh nghiệp đa quốc gia (MNE) phải đánh giá lại các dự án mới.
Sự sụt giảm FDI xảy ra nhiều hơn ở các nền kinh tế phát triển, nơi vốn FDI đã giảm 58%, lý do một phần vì tái cơ cấu doanh nghiệp và các dòng tài chính ổn định. FDI vào các nền kinh tế đang phát triển giảm ít hơn, ở mức 8%, chủ yếu là do chu chuyển linh hoạt ở châu Á.
Kết quả là, các nền kinh tế đang phát triển hiện chiếm 2/3 tổng vốn FDI toàn cầu, tăng so với mức gần 1/2 trong năm 2019.
Tác động của đại dịch đối với FDI toàn cầu tập trung vào nửa đầu năm 2020. Tất cả các thành phần của FDI đều giảm. Sự thu hẹp tổng thể trong hoạt động dự án mới, kết hợp với sự trì hoãn trong hoạt động mua bán và sáp nhập xuyên biên giới (M&A), đã dẫn đến dòng vốn đầu tư cổ phần giảm hơn 50%.
Với lợi nhuận của các MNE giảm trung bình 36%, thu nhập tái đầu tư của các công ty liên doanh nước ngoài - một phần quan trọng của FDI trong những năm trước - cũng giảm. Trong nửa sau năm 2020, các thương vụ M&A xuyên biên giới và các giao dịch tài chính dự án quốc tế phần lớn đã phục hồi.
Tuy nhiên, đầu tư mới GI (greenfield investment) - vốn quan trọng hơn đối với các nước đang phát triển - tiếp tục xu hướng tiêu cực trong suốt năm 2020 và kéo sang quý đầu của năm 2021. Các khoản đầu tư mới vào ngành công nghiệp và các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng mới ở các nước đang phát triển bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Xét theo khu vực địa lý, FDI giảm trên khắp thế giới, ngoại trừ châu Á. Dòng vốn FDI giảm không đồng đều ở các khu vực đang phát triển, ở mức -45% ở Mỹ Latinh và Caribbean, và -16% ở châu Phi.
Ngược lại, dòng FDI chảy sang châu Á tăng 4%, khiến khu vực này chiếm một nửa tổng vốn FDI toàn cầu vào năm 2020. FDI vào các nền kinh tế đang chuyển đổi giảm 58%. Đại dịch tiếp tục làm suy giảm nguồn vốn FDI ở các nền kinh tế có cấu trúc yếu và dễ bị tổn thương.
Mặc dù dòng vốn vào các nước kém phát triển nhất (LDC) vẫn ổn định, các thông báo về GI đã giảm một nửa và các giao dịch tài chính dự án quốc tế giảm 1/3.
Dòng vốn FDI vào các quốc đảo nhỏ đang phát triển (SIDS) cũng giảm 40%, dòng chảy vào các nước đang phát triển không giáp biển (LLDC) cũng giảm 31%. Dòng vốn FDI vào châu Âu giảm 80% trong khi dòng vốn đầu tư vào Bắc Mỹ giảm ít hơn (42%).
Mỹ vẫn là nơi tiếp nhận FDI lớn nhất thế giới, đứng thứ hai là Trung Quốc. Tiếp theo là Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Ấn Độ, Luxembourg, Đức, Ireland, Mexico, Thụy Điển, Brazil và Israel.
Đáng chú ý, với tổng số vốn 16 tỷ USD FDI, Việt Nam lần đầu tiên nằm trong top 20 nước thu hút nhiều FDI nhất trong năm 2020, được xếp thứ 19, tăng 5 bậc so với năm 2019.
Theo chiều ngược lại, Trung Quốc, Luxembourg và Nhật Bản theo thứ tự là ba nước có đầu tư lớn nhất ở nước ngoài. Các vị trí từ thứ 4 đến 10 bao gồm Hong Kong (Trung Quốc), Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Hàn Quốc và Singapore.
Dòng vốn FDI toàn cầu dự kiến sẽ chạm đáy vào năm 2021 và phục hồi một phần với mức tăng khoảng 10-15%. Điều này sẽ vẫn khiến vốn FDI thấp hơn khoảng 25% so với mức của năm 2019 và hơn 40% so với mức đỉnh gần đây vào năm 2016.
Các dự báo hiện tại cho thấy sự gia tăng hơn nữa vào năm 2022 có thể đưa FDI trở lại mức năm 2019 là 1.500 tỷ USD.
Sự phục hồi dự kiến tương đối khiêm tốn của FDI toàn cầu trong năm 2021 phản ánh sự không chắc chắn kéo dài về khả năng tiếp cận vaccine, sự xuất hiện của các biến thể virus mới và sự chậm trễ trong việc mở cửa trở lại của các ngành kinh tế.
Việc gia tăng chi tiêu cho cả tài sản cố định và tài sản vô hình sẽ không trực tiếp dẫn đến sự phục hồi nhanh chóng của FDI, điều này được xác nhận bởi sự tương phản rõ rệt giữa dự báo khả quan cho chi tiêu vốn và dự báo vẫn còn thấp đối với các dự án GI.
Các chỉ số ban đầu - các dự án FDI trong những tháng đầu năm 2021 - cho thấy những quỹ đạo khác nhau giữa các dự án M&A xuyên biên giới và các dự án đầu tư mới.
Hoạt động M&A xuyên biên giới nhìn chung vẫn ổn định trong quý đầu tiên của năm 2021 và số lượng các thương vụ M&A được công bố ngày càng tăng, cho thấy tiềm năng tăng đột biến vào cuối năm nay. Ngược lại, đầu tư GI được công bố vẫn còn yếu.
Theo UNCTAD, việc thu hút vốn FDI sẽ không đồng đều. Các nền kinh tế phát triển được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng FDI toàn cầu, với mức tăng trưởng năm 2021 dự kiến ở mức 15%, cả do hoạt động M&A xuyên biên giới diễn ra mạnh mẽ và hỗ trợ đầu tư công quy mô lớn.
Dòng vốn FDI vào châu Á sẽ vẫn duy trì ổn định (8%); khu vực này đã nổi lên như một điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư quốc tế trong suốt thời kỳ đại dịch. FDI vào châu Phi, châu Mỹ Latinh và Caribbean sẽ không thể phục hồi đáng kể trong tương lai gần.
Các khu vực này có nhiều điểm yếu về cơ cấu, không gian tài chính ít hơn và phụ thuộc nhiều hơn vào đầu tư GI, vốn dự kiến sẽ vẫn ở mức thấp vào năm 2021.
Trong bối cảnh đó, UNCTAD cho rằng việc tăng cường đầu tư để hỗ trợ phục hồi bền vững và toàn diện sau đại dịch hiện là một ưu tiên chính sách toàn cầu. Điều này đòi hỏi phải thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng và chuyển đổi năng lượng, cũng như tăng cường tính tự cường của các quốc gia và chú trọng lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
| Giới thiệu chính sách ưu đãi, thu hút doanh nghiệp Singapore vào Việt Nam Ngày 2/7, Diễn đàn Doanh nghiệp Singapore (SBF) đã tổ chức sự kiện trực tuyến FYIstival The ASEAN Edition với chủ đề "Cơ hội và ... |
| Thu hút FDI trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 15,27 tỷ USD Tính đến ngày 20/6, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) ... |