📞

Việt Nam lần thứ 2 làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an: Ba chủ đề, một mục tiêu

Thu Trang 13:45 | 31/03/2021
Trong lần thứ hai Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (tháng 4/2021), Việt Nam dự kiến thúc đẩy ba vấn đề ưu tiên cụ thể nhằm đóng góp vào nỗ lực, mục tiêu chung nhằm giải quyết thách thức toàn cầu.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại phiên thảo luận mở do Việt Nam chủ trì tháng 1/2020. (Nguồn: UN)

Kể từ tháng 1/2020 khi đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp vào duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, trong xử lý xung đột ở các khu vực trên thế giới.

Trong tháng 4/2021, Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên HĐBA. Đây là kỳ Chủ tịch thứ hai đồng thời cũng là kỳ Chủ tịch cuối cùng của Việt Nam trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA 2020-2021.

Thuận lợi và khó khăn

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, chia sẻ, Việt Nam bước vào tháng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐBA với nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn.

Chịu tác động của tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt do đại dịch Covid-19, HĐBA phải chuyển từ hoạt động trực tiếp sang hoạt động trực tuyến.

Mặt khác, chương trình hoạt động trong tháng 4 tương đối bận rộn với khoảng 30 cuộc họp chính thức cấp Đại sứ, xử lý hơn 12 vấn đề trong chương trình nghị sự ở tất cả các khu vực từ châu Phi, Trung Đông đến châu Âu, châu Mỹ cũng như các vấn đề, chủ đề khác.

Theo Đại sứ Đặng Đình Quý, một trong những khó khăn nổi cộm hiện nay là nhiều vấn đề nảy sinh phức tạp, trong đó có vấn đề Myanmar, Triều Tiên, Yemen hay Syria…Trong bối cảnh các vấn đề có thể nảy sinh bất cứ lúc nào, các nước trong HĐBA luôn phải túc trực, sẵn sàng xử lý các vấn đề.

Thêm vào đó, mặc dù các nước lớn đã có sự điều chỉnh nhưng vẫn có những vấn đề không thống nhất được với nhau, cho nên điều này ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa các nước khi làm việc tại HĐBA.

Chương trình hoạt động trong tháng 4 tương đối bận rộn với khoảng 30 cuộc họp chính thức cấp Đại sứ, xử lý hơn 12 vấn đề trong chương trình nghị sự ở tất cả các khu vực từ châu Phi, Trung Đông đến châu Âu, châu Mỹ cũng như các vấn đề, chủ đề khác

Tuy nhiên, Việt Nam cũng có những thuận lợi vì đã đảm đương vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA được 15 tháng, tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Qua đó, hợp tác trong và ngoài HĐBA của Việt Nam trơn tru và hiệu quả hơn.

Đặc biệt, với uy tín và những thành quả quan trọng đã đạt được trên cương vị Chủ tịch HĐBA tháng 1/2020, Việt Nam nhận được sự ủng hộ rất lớn của các nước trong HĐBA.

Đại sứ Đặng Đình Quý cũng cho biết, được sự chỉ đạo từ lãnh đạo cấp cao, phái đoàn đã có sự chuẩn bị về những phương án, nhất là những sáng kiến và những vấn đề Việt Nam muốn nhấn mạnh trong kỳ Chủ tịch tháng 4/2021, kỳ chủ tịch cuối cùng của nhiệm kỳ 2 năm Việt Nam là Ủy viên không thường trực HĐBA.

Trên tinh thần đó, Việt Nam xác định hết sức nỗ lực để tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong kỳ Chủ tịch. Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ nỗ lực để đảm bảo khách quan, minh bạch, linh hoạt trong xử lý các khác biệt có thể có giữa các nước thành viên để bảo đảm sao cho HĐBA có tiếng nói thống nhất, đoàn kết và đồng thuận trong xử lý các thách thức chung hiện nay.

Thúc đẩy các sáng kiến

Ông Đỗ Hùng Việt, Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao, cho biết trong kỳ chủ tịch cuối cùng của nhiệm kỳ hai năm Việt Nam là Ủy viên không thường trực HĐBA, Việt Nam dự kiến thúc đẩy một số vấn đề điểm nhấn ưu tiên.

Một là, thúc đẩy và tăng cường hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực và tiểu khu vực nhằm thúc đẩy đối thoại và các biện pháp xây dựng lòng tin nhằm ngăn ngừa xung đột. Phiên họp về chủ đề này dự kiến sẽ do lãnh đạo cấp cao của Việt Nam chủ trì.

Chủ đề này nhằm tiếp tục thúc đẩy vai trò của các tổ chức khu vực cũng như hợp tác giữa LHQ với các tổ chức khu vực, trong đó có ASEAN, trong tiến trình duy trì hòa bình, ổn định, phát triển kinh tế-xã hội nói chung và trong ngăn ngừa xung đột nói riêng.

Đây cũng là chủ đề kế thừa và tiếp nối những kết quả thành công đạt được trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020 và sáng kiến của Việt Nam trong tháng Chủ tịch HĐBA lần thứ nhất khi tổ chức phiên họp lần đầu tiên của HĐBA với chủ đề “Hợp tác giữa LHQ và ASEAN”.

Hai là, khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững, tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn. Chủ đề này gắn với Ngày Quốc tế Nhận thức bom mìn và Hỗ trợ Hành động bom mìn 4/4 được LHQ tổ chức hàng năm.

Việc Việt Nam tham gia tích cực và có sáng kiến cụ thể trong vấn đề này sẽ thể hiện vai trò, đóng góp trên một lĩnh vực Việt Nam và nhiều nước quan tâm cũng như có lợi ích, tạo dấu ấn trong nhiệm kỳ HĐBA 2020-2021.

Chủ đề thể hiện tính nhân văn và đề cao khía cạnh nhân đạo trong việc giải quyết hậu quả bom mìn, nâng cao nhận thức chung. Thông qua chủ đề này, Việt Nam có thể thu hút nhiều hơn sự chú ý của cộng đồng quốc tế đến công tác khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, qua đó tranh thủ hỗ trợ quốc tế cho Việt Nam cũng như các nước chịu ảnh hưởng bởi hậu quả bom mìn.

Theo ông Đỗ Hùng Việt, đây là sự kiện được kỳ vọng sẽ thu hút sự quan tâm của LHQ, cộng đồng quốc tế với vấn đề khắc phục hậu quả bom mìn ở các quốc gia trên thế giới, trong đó có những nước xung đột đã chấm dứt nhiều thập kỷ qua như Việt Nam.

Ba là, bảo vệ cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang. Việt Nam dự kiến sẽ tổ chức một phiên họp cấp Bộ trưởng thảo luận về chủ đề này với sự tham dự của Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách về các vấn đề nhân đạo và lãnh đạo tổ chức Ủy ban Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế.

Thúc đẩy sáng kiến về vấn đề này, Việt Nam có thể phát huy vai trò tích cực trong vấn đề “Bảo vệ thường dân”, một trong những chủ đề lớn nhận được sự quan tâm, thúc đẩy của quốc tế trong thời gian gần đây tại HĐBA và các diễn đàn quốc tế, và bảo vệ cơ sở thiết yếu là lĩnh vực chưa được thảo luận một cách tổng thể.

Đồng thời, đây là cơ hội quý báu để Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và nỗ lực trong tái thiết hậu xung đột, khắc phục hậu quả chiến tranh, góp phần thu hút sự quan tâm, nguồn lực của cộng đồng quốc tế trong vấn đề này.

Bên cạnh ba sự kiện dấu ấn, trên cương vị Chủ tịch, Việt Nam cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền việc các hoạt động mà Việt Nam chủ trì, điều hành các cuộc họp của HĐBA thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế như tình hình Israel-Palestine, Syria, Libya…

Đại sứ Đặng Đình Quý cùng các đại biểu tham dự một phiên họp trực tuyến của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. (Nguồn: UN)

Dấu mốc quan trọng

Trên cơ sở chuẩn bị kỹ càng, chủ động và nỗ lực trong việc thúc đẩy các sáng kiến, Việt Nam hứa hẹn sẽ để lại dấu ấn của mình thông qua những tuyên bố Chủ tịch, những nghị quyết mà Việt Nam cùng với các nước trong HĐBA xây dựng và hướng tới.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang, việc Việt Nam giữ chức Chủ tịch HĐBA LHQ tháng 4/2021 là hoạt động đối ngoại quan trọng đầu tiên sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Quốc hội sắp thông qua các chức danh lãnh đạo cấp cao nhất của đất nước.

“Nhân dịp ra mắt ban lãnh đạo mới, việc Việt Nam đóng vai trò là Chủ tịch HĐBA giúp chúng ta thuận lợi truyền tải thông điệp tới cộng đồng quốc tế về đường lối phát triển đất nước cũng như chính sách đối ngoại của Việt Nam”, Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh.

Theo đó, chúng ta tiếp tục là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao đa phương; tiếp tục quan tâm các vấn đề toàn cầu; và đề cao nguyên tắc hòa bình trong giải quyết các tranh chấp quốc tế. Đây là những nội dung xuyên suốt không chỉ trong tháng Chủ tịch mà cả hai năm nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA của Việt Nam.

Việc Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm kỳ HĐBA, trong đó có hai lần đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐBA, sẽ góp phần cụ thể hóa chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với LHQ và với các đối tác lớn đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn, tạo đà cho việc hội nhập quốc tế mạnh mẽ và toàn diện hơn trong thời gian tới.

Đồng thời, đây là sự đánh dấu bước trưởng thành của đội ngũ cán bộ ngoại giao, đặc biệt là cán bộ ngoại giao đa phương, cả về lượng và chất, sẵn sàng dấn thân và vươn lên đảm nhận những trọng trách mới mà Đảng và Nhà nước giao phó, xứng với tầm vóc, với thế và lực của đất nước sau 35 năm Đổi mới.