Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai (áo đỏ) gặp Thị trưởng Time, ông Reinert Kverneland (giữa). |
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Na Uy có tầm quan trọng như thế nào với quan hệ hai nước, thưa Đại sứ?
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Na Uy Erna Solberg theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng là chuyến thăm song phương nhằm tạo động lực mới tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước. Đây là chuyến thăm lần thứ hai của người đứng đầu Chính phủ Na Uy đến Việt Nam kể từ chuyến thăm năm 1996 của Thủ tướng Gro Harlem Brundtland. Chuyến thăm lần này diễn ra vào thời điểm hai nước đang hướng tới kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1971–2016).
Thủ tướng Erna Solberg thăm Việt Nam cũng với tư cách Đồng Chủ tịch Nhóm Tư vấn về các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) của Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Chuyến thăm cho thấy Na Uy đánh giá cao những thành tựu quan trọng của Việt Nam trong thực hiện MDGs. Hội thảo về các MDG và Phát triển bền vững (SDG) được tổ chức nhân chuyến thăm sẽ góp phần tăng cường hợp tác giữa hai nước về lĩnh vực MDG và SDG, đồng thời cũng nâng cao hình ảnh Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực này.
Nhận định của Đại sứ về tình hình quan hệ song phương trong thời gian qua?
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (ngày 25/11/1971), quan hệ hữu nghị và hợp tác hai nước đã có những phát triển quan trọng về nhiều mặt. Có thể nhận thấy bốn đặc điểm chính của quan hệ hai nước trong thời gian qua như sau:
Một là, trao đổi các đoàn giữa hai nước được tăng cường ở nhiều cấp. Đáng chú ý là các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao giữa hai nước giúp nâng tầm quan hệ, tạo đà để tiếp tục thúc đẩy phát triển hơn nữa hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Gần đây nhất là các chuyến thăm cấp cao tới Na Uy của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết năm 2008, Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải năm 2010, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu năm 2013. Các chuyến thăm cấp cao của Na Uy đến Việt Nam gần đây nhất là chuyến thăm cấp nhà nước của Nhà Vua Harald V và Hoàng hậu Sonja năm 2004, Thái tử kế vị Haakon và Công nương Mette-Marit năm 2014, Phó Chủ tịch Quốc hội Na Uy tháng 3/2015.
Hai là, sự tin cậy lẫn nhau và cơ chế hợp tác giữa hai nước ngày càng được củng cố. Hai nước đã hợp tác hiệu quả trên các lĩnh vực quan hệ song phương và tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế. Cơ chế đối thoại thường niên cấp Thứ trưởng Ngoại giao và đối thoại nhân quyền giúp hai nước hiểu rõ hơn các quan tâm, lợi ích và những khác biệt của nhau, tăng cường và phát triển hợp tác song phương.
Ba là, quan hệ hai nước phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, từ chỗ trước đây chỉ tập trung trong một vài khía cạnh hỗ trợ phát triển ở Việt Nam, thì những năm gần đây hợp tác song phương phát triển trên nhiều lĩnh vực, cả về chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển, văn hóa - giáo dục, môi trường. Giao lưu nhân dân, hợp tác văn hóa được thúc đẩy mạnh mẽ đã giúp tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
Bốn là, hai nước có những điểm tương đồng, có tiềm năng lớn để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt trong thời gian tới. Hai nước đều là quốc gia ven biển, có đường bờ biển dài. Na Uy là quốc gia rất phát triển, thu nhập quốc dân tính theo đầu người thuộc loại cao nhất thế giới. Hai nước có sự bổ sung lẫn nhau rất lớn giữa nền kinh tế phát triển và đang phát triển. Các mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Na Uy bao gồm giày dép, quần áo, hàng tiêu dùng, các mặt hàng nông, thủy sản. Na Uy xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là hàng cơ khí, máy móc, hóa chất, cá hồi. Các doanh nghiệp Na Uy đầu tư, kinh doanh với Việt Nam tập trung trong các lĩnh vực hàng hải, thủy sản, dầu khí, năng lượng sạch, môi trường, công nghệ thông tin - viễn thông, là những lĩnh vực Na Uy có thế mạnh mà Việt Nam ưu tiên phát triển. Việt Nam hiện đang đẩy mạnh đường lối hội nhập quốc tế một cách toàn diện, trong khi Na Uy đẩy mạnh tự do thương mại, đa dạng hóa quan hệ với các đối tác ở khu vực và trên thế giới.
Ấn tượng của Đại sứ sau một năm rưỡi sinh sống và làm việc tại Na Uy?
Điều tôi ấn tượng nhất là Hoàng gia Na Uy sống thật bình dị, được nhân dân hết mực kính trọng và yêu mến, rất thân thiện mà không nghi lễ hình thức, kể cả khi Nhà Vua tiếp các đại sứ trình Quốc thư. Ngày Hiến pháp của Na Uy (tương tự ngày Quốc khánh) cũng rất ấn tượng với màn diễu hành của trẻ em ở trước Cung Vua và ở các địa phương, tất cả người dân đều mặc trang phục truyền thống rất đẹp.
Đến đâu tôi cũng thấy người Na Uy rất tốt bụng, chân thành và mến khách, thiên nhiên thật đẹp và môi trường được bảo vệ, phúc lợi xã hội cao, bình đẳng giới được thực hiện trên thực tế từ gia đình, công sở, xã hội nói chung… Vì thế mà Na Uy được xếp vào tốp hàng đầu những đất nước hạnh phúc nhất trên thế giới.
Tôi đã có dịp trao đổi, gặp gỡ nhiều đại diện cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhiều người Na Uy ở Oslo, và nhiều nơi ở Na Uy, kể cả ở vùng gần Bắc Cực. Tôi cảm nhận tình hữu nghị và sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và Na Uy khi trao đổi, tiếp xúc với các đại diện cơ quan, tổ chức xã hội, cá nhân hợp tác với Việt Nam, làm việc ở Việt Nam, và cả những người Na Uy đã từng xuống đường ủng hộ Việt Nam thời kỳ chiến tranh và những người Na Uy đi du lịch Việt Nam trong thời gian qua.
Làm việc ở Na Uy cũng giúp tôi có điều kiện nhận thức được vai trò rất tích cực của Na Uy ở khu vực và trên thế giới. Là quốc gia có quy mô dân số nhỏ (hơn 5,5 triệu người) nhưng xét về mức thu nhập quốc dân, sức cạnh tranh toàn cầu của những ngành thế mạnh của Na Uy như nghề cá/ nuôi trồng thủy hải sản, hàng hải, dầu khí; cũng như sự hiện diện và đóng góp của Na Uy trong các tổ chức quốc tế, vai trò của Na Uy trong các vấn đề toàn cầu như hòa giải, vãn hồi hòa bình, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu… Đặc biệt Quỹ tương lai của Chính phủ Na Uy (quỹ thu nhập từ dầu mỏ, thuộc sở hữu nhân dân) trị giá hơn 860 tỷ USD, là quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới, đầu tư trên phạm vi toàn cầu. Qua đó cho thấy Na Uy có những tiềm năng lớn để chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với Việt Nam.
Nguyễn Kim (thực hiện)