📞

Việt Nam nên đầu tư vào khoa học ứng dụng

19:00 | 28/10/2016
Theo Tiến sĩ Lưu Trần Trung - một nhà khoa học trẻ tài năng tại Thụy Sỹ, quê nhà đang là miền đất nhiều cơ hội cho những người làm ứng dụng. Nếu có chính sách đãi ngộ tốt, nhiều người sẽ trở về.

Có thể nói, học bổng đã mang đến những thành công nhất định trên con đường nghiên cứu khoa học của anh. Anh có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm của mình?

Khi tìm kiếm học bổng, nhất là cao học và nghiên cứu sinh, có một điều rất quan trọng là nguyện vọng của các bạn có đủ cao hay không?

Về trường hợp của tôi, hồi năm cuối đại học, tôi được đi thực tập 1 tháng ở Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) và thật sự choáng ngợp.

Lúc nộp hồ sơ cao học, tôi đã cố gắng làm một bộ hồ sơ thật tốt. Lần đó, nhiều bạn cùng lứa đại học với  tôi cùng đi và hiện giờ tất cả đều đã tốt nghiệp tiến sĩ, đang làm việc ở Hàn Quốc, hoặc sang EU, hay trở về nước. Lúc đó, chúng tôi may mắn vì trường KAIST còn nhiều học bổng. Sau này, chương trình học bổng giảm dần nên sự giúp đỡ về mặt tài chính giảm đi. Tuy nhiên, chương trình giáo dục đại học và sau đại học của Hàn Quốc rất tốt, nếu các bạn tìm hiểu được thông tin về học bổng Hàn Quốc là một sự lựa chọn không tồi.

Tiến sĩ Lưu Trần Trung bên gia đình.

Đối với chương trình tiến sĩ, ở châu Âu, nhìn chung, làm tiến sĩ là một công việc được trả lương và đóng thuế, bảo hiểm đầy đủ. Vì thế, để tìm được PhD Job (hợp đồng làm tiến sĩ) ở châu Âu, bạn cần có trình độ đạt chuẩn chung của thạc sĩ tốt nghiệp ở châu Âu (tùy từng trường) là có cơ hội xin được hợp đồng. Quan trọng nhất là các bạn phải có quyết tâm, cố gắng làm thạc sĩ thật tốt là đủ khả năng rồi, sau đó cần thêm chút may mắn, ví dụ phòng thí nghiệm bạn thích lại đang có vị trí trống. Nếu không, bạn sẽ phải đợi lâu hoặc phải tìm một phòng thí nghiệm khác.

Lời khuyên của anh cho các bạn trẻ Việt đang theo đuổi nghiên cứu khoa học?

Việc nghiên cứu khoa học, cũng như bao việc khác, quan trọng nhất là bạn có thật sự yêu thích và muốn phát triển hay không thôi. Tôi nghĩ, nếu bạn yêu thích khoa học và có thể đánh đổi (nhiều thứ khác) thì cứ bước tiếp. Còn nếu bạn thấy đó chưa thật sự là đam mê của mình, nên tập trung làm những gì mình thích hoặc khám phá thêm. Nếu bạn tìm được ý thích của mình, nên dành thời gian và công sức theo đuổi nó.

Vật lý là một trong những môn học tự nhiên học rất “khó vào” với nhiều người, với anh thì sao?

Mỗi người có một khả năng riêng. Từ bé, tôi được bố hướng dẫn học Vật lý, lớn lên thấy khá hợp với khả năng của bản thân. Tôi không giỏi Toán, thích khám phá tự nhiên, nên Vật lý là lựa chọn tối ưu.

Cuộc sống nay đây mai đó hẳn có nhiều điều thú vị. Anh có gặp những trở ngại khi hòa nhập với môi trường nước sở tại?

Khi chưa có con nhỏ, được đi nay đây mai đó có lẽ là một niềm vui của tuổi thanh niên. Tuy nhiên, khi có gia đình và em bé, tôi cũng muốn ổn định sớm. Tôi có thuận lợi là gia đình ủng hộ hết sức, còn khó khăn cũng như bao gia đình người Việt khác sống ở nước ngoài.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất là tuần đầu tiên sang Đức, do không biết các siêu thị đóng cửa Chủ Nhật, nên tôi đã không mua được gì và phải ăn mỳ tôm cả ngày, trong khi không biết nhà hàng nào, lại chưa có Internet. Đợt đó, cũng vì chưa biết cước điện thoại đắt, gọi điện cho người yêu chưa được vài phút đã hết tiền (cười).

Là một nhà khoa học còn trẻ nhưng anh đã có nhiều bài báo đăng trên các tạp chí khoa học có uy tín như Nature và Science.  Bí quyết thành công của anh là gì?

Chặng đường phấn đấu của Tiến sĩ Lưu Trần Trung sinh năm 1985 ở Thái Bình:

- Cử nhân tài năng ngành Vật lý, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội (2003-2007).

- Cao học ngành Vật Lý, Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST), Hàn Quốc (2008-2010).

- Nghiên cứu sinh, Đại học tổng hợp Munich (LMU), Viện Nghiên cứu Max Planck về quang học lượng tử, Đức (2010-2015).

- Nghiên cứu sau Tiến sĩ, Viện Nghiên cứu Max Planck về quang học lượng tử, Đức (2015-2016).

- Nghiên cứu sau Tiến sĩ, Đại học Kỹ thuật Thuỵ Sỹ - ETH Zurich (2016 - nay).

- Giải thưởng Nhà nghiên cứu trẻ xuất sắc của ISULS 2015, các giải thưởng và học bổng của các chương trình danh tiếng: KAIST (Hàn Quốc), DAAD (Đức), Marie-Curie (EU – Châu Âu), Đại học Hamburg (Đức), Đại học Stanford (California, Mỹ), Đại học Ottawa, Montreal, Quebec (Canada), ETH Zurich (Thụy Sỹ)…

- Giảng dạy tại nhiều phòng thí nghiệm có uy tín trên thế giới.

Không ai nói trước được kết quả khi làm khoa học. Tôi cũng không có kinh nghiệm gì độc đáo ngoài việc làm các thí nghiệm rủi ro cao. Đầu tư nhiều công sức nhưng thất bại rất nhiều, có lúc tôi còn lo là mấy năm làm tiến sĩ có khi không có bài báo khoa học nào ý chứ. Cũng may là có bài báo. Theo tôi, nếu có điều kiện, các bạn cũng dành thời gian làm các thí nghiệm như thế. Thực hành giúp chúng ta biết thêm được nhiều kỹ năng.

Lĩnh vực khoa học mà anh đang nghiên cứu có ý nghĩa gì đối với sự phát triển của khoa học và công nghệ Việt Nam trong tương lai?

Đối với những người làm khoa học cơ bản như tôi, ứng dụng thực tế của những công trình khoa học đó chỉ đến sau một thời gian dài (ít nhất 10-20 năm nữa), nên bước đầu việc được mời về Việt Nam làm việc không có lợi trực tiếp. Nó chỉ có lợi ích gián tiếp là giúp tăng cường khoa học ứng dụng hay đào tạo nhân lực.

Vậy anh có suy nghĩ gì về vấn đề thu hút và tận dụng nguồn lực tri thức kiều bào vào phát triển đất nước hiện nay?

Theo tôi, nếu Việt Nam tạo được chính sách đãi ngộ tốt và môi trường làm việc lành mạnh, trong sạch, trí thức Việt Nam ở nước ngoài sẽ quay trở lại rất nhiều. Tạo được một cơ chế như thế sẽ là một bước đầu tư cực kỳ hiệu quả. Việt Nam gần như không phải đào tạo, mà lại có nhân lực chất lượng cao làm việc lâu dài.

Tuy nhiên, với điều kiện ở trong nước hiện nay, Việt Nam nên có các ưu tiên và đánh đổi riêng cho phù hợp. Ví dụ, nên tập trung nhiều vào khoa học ứng dụng, khoa học cơ bản chỉ nên đầu tư ít, có trọng tâm. Vì thế, nên kêu gọi đầu tư, kêu gọi kiều bào quay về tham gia vào các ngành khoa học ứng dụng có khả năng dùng được ở Việt Nam. Tôi tin rằng, quê nhà đang là miền đất nhiều cơ hội cho những người làm ứng dụng, nếu được hỗ trợ của nhà nước, rất nhiều người sẽ quay về.

Xin cảm ơn Tiến sĩ!