📞

Việt Nam nỗ lực giảm thiểu rủi ro do thiên tai

08:57 | 11/10/2016
Việt Nam nằm ở "rốn bão" của khu vực Đông Nam Á, được đánh giá là một trong mười quốc gia trên thế giới chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu và nhiều loại thiên tai hàng năm, gây ra thiệt hại vô cùng to lớn.

Trong những năm qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều nỗ lực để phòng tránh và giảm nhẹ tác động của rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, tuy nhiên con số về thiệt hại vẫn còn rất lớn, đòi hỏi phải có những giải pháp hiệu quả hơn nữa trong vấn đề này.

"Rốn thiên tai" của Đông Nam Á

Thế giới hiện đang đối mặt với các thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu, trong đó thiên tai đang là hiểm họa đối với hầu hết các quốc gia và đang gia tăng cả về tần suất lẫn cường độ, gây ra tổn thất ngày càng lớn về người và tài sản.

Theo ước tính của Liên hợp quốc (LHQ), trong 10 năm qua, trên toàn thế giới đã có khoảng 700.000 người thiệt mạng trong các thảm họa (số liệu do Văn phòng về Giảm thiểu rủi ro thiên tai của LHQ công bố ngày 6-3-2015). Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho thấy, các thảm họa thiên nhiên đã gây tổn thất gần 4.000 tỷ USD trong 30 năm qua (trung bình hơn 130 tỷ USD mỗi năm), trong đó 2/3 là do các cơn bão, lũ lụt và hạn hán nghiêm trọng. Vào những năm 1980, thiệt hại hàng năm là khoảng 50 tỷ USD và trong thập niên gần đây nhất, con số đã tăng gấp 4 lần lên 200 tỷ USD/năm.

Trong 6 tháng đầu năm nay, những thiệt hại về tài chính do các hiện tượng thiên tai gây ra đã tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm 2015. Theo Munich Re - Công ty tái bảo hiểm hàng đầu của Đức, tổng mức thiệt hại tính đến cuối tháng 6 ước tính là 70 tỷ USD (năm 2015 là 59 tỷ USD). Không chỉ gây tổn thất về vật chất, các thảm họa thiên tai trong nửa đầu năm 2016 còn cướp đi sinh mạng của 3.100 (ít hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2015 - 21.000 người).

Một đoạn đường tại quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh bị ngập sâu do triều cường, ngày 9/9. (Nguồn: TTXVN)

Đối với Việt Nam, là một quốc gia nằm ở rốn bão của khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá là một trong mười quốc gia trên thế giới chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu và nhiều loại thiên tai hàng năm (bão, lụt, lũ quét, lốc tố, triều cường…), gây ra thiệt hại vô cùng to lớn và ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Riêng trong năm 2015, Việt Nam đã chịu ảnh hưởng của 5 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới; nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao, kéo dài (kỷ lục trong 60 năm qua) đã xảy ra trên diện rộng từ Bắc Bộ đến các tỉnh Nam Trung Bộ; xâm nhập mặn xảy ra sớm lấn sâu vào đất liền… Hậu quả là, thiên tai đã làm 154 người chết và mất tích, 127 người bị thương, 36.475 nhà sập đổ, cuốn trôi và tốc mái, xiêu vẹo, hơn 445.1108 ha lúa, hoa màu bị hạn, ngập úng và hư hại… Tổng thiệt hại về tài sản lên đến trên 8.000 tỷ đồng.

Trong 9 tháng đầu năm nay, thiên tai cũng đã làm 125 người chết và mất tích; 266 người bị thương; hơn 3,5 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; hàng trăm nghìn ha lúa, hoa màu và diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng…

Nỗ lực giảm thiểu thiệt hại

Việt Nam đã thực hiện nhiều nỗ lực để phòng tránh và giảm nhẹ tác động của rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều chủ trương, chính sách nhằm nâng cao năng lực phòng tránh thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu đã được ban hành, nhiều dự án cơ sở hạ tầng được triển khai

Dưới sự chỉ đạo sát sao, kịp thời, đồng bộ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cùng với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, các Bộ ngành, địa phương, thiệt hại do thiên tai gây ra đã giảm đáng kể. Cụ thể, Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai, giai đoạn 2011-2015, tổng số người chết và mất tích do thiên tai là trên 1.100 người (trung bình 226 người/năm), giảm 53% so với giai đoạn 2006-2010 (trung bình 478 người /năm); Thiệt hại về vật chất trung bình mỗi năm 13.647 tỉ đồng (tương đương 660 triệu USD/năm) giảm 32% so với giai đoạn 2006-2010 (976 triệu UDS/năm).

Nghị quyết 64/200 ngày 21/12/2009, Đại hội đồng LHQ quyết định lấy ngày 13/10 hàng năm để kỷ niệm Ngày quốc tế phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.

Đây là dịp để nâng cao nhận thức của cộng đồng về những biện pháp cần thiết phải áp dụng để giảm thiểu các nguy cơ có thể gặp phải trong trường hợp xảy ra thiên tai cũng như khuyến khích mọi công dân và chính phủ tham gia xây dựng cộng đồng và đất nước có khả năng chống chọi thiên tai tốt hơn.

Bên cạnh đó, việc khắc phục hậu quả do thiên tai (nhất là trong lĩnh vực trồng trọt, nuôi trồng thủy sản) đã được Chính phủ hết sức chú trọng. Trong 5 năm 2011-2015, Thủ tướng Chính phủ đã có các quyết định hỗ trợ trên 7.000 tỷ đồng và trên 47.000 tấn gạo cho các địa phương bị thiệt hại.

Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, kết quả đạt được còn khá khiêm tốn, biểu hiện rõ nhất là tổn thất về người và của hàng năm do thiên tai gây ra còn rất lớn; công tác phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai chủ yếu mới quan tâm đến ứng phó, công tác phòng ngừa còn chưa được quan tâm đúng mức...

Hạn chế tối đa thiệt hại

Trước xu hướng thiên tai ngày càng khó lường và khó dự báo, các chuyên gia cho rằng, công tác phòng chống thiên tai phải luôn hướng tới mục tiêu hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Do đó, các địa phương cần rà soát các hình thái thiên tai để tiến hành xây dựng các phương án phòng, chống phù hợp; xây dựng các công cụ điều hành hỗ trợ theo thời gian thực, xây dựng kế hoạch diễn tập cứu hộ, cứu nạn nhằm ứng phó với các tình huống thiên tai…

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai kiến nghị, cần đầu tư xây dựng Trung tâm điều hành Quốc gia về thiên tai; tiếp tục triển khai các hệ thống cảnh báo thiên tai, động đất... Hiện công tác dự báo vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, tiến độ đầu tư cho các chương trình phòng chống thiên tai còn hạn chế, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn còn yếu và thiếu, do vậy cần ưu tiên rà soát các nguồn vốn để tăng cường đầu tư cho những dự án thiết yếu phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, cần chú trọng về công tác truyền thông, trong đó, các vấn đề mới do diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, của tình hình mới như năng lượng hạt nhân, động đất, sóng thần... cần liên tục được cập nhật.

Ngoài ra, cần xây dựng các Quỹ dự phòng cho phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai hằng năm, hình thành Quỹ tự lực tài chính về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, Quỹ hỗ trợ phát triển bền vững.

Các chủ đề Ngày Quốc tế Giảm nhẹ thiên tai trong những năm qua:

Năm 2000: Phòng ngừa thiên tai, Giáo dục và Tuổi trẻ.

Năm 2001: Chống thiên tai, tập trung vào sự tổn thương. 

Năm 2002: Phát triển núi bền vững. 

Năm 2003: Xoay chuyển thủy triều. 

Năm 2004: Thiên tai hôm nay hiểm họa ngày mai. 

Năm 2005: Tài chính vi mô và giảm nhẹ rủi ro thiên tai. 

Năm 2006: Giảm nhẹ rủi ro thiên tai bắt đầu từ trường học. 

Năm 2007: Thách thức các nhà giáo dục thế giới.

Năm 2008: Giảm nhẹ rủi ro thiên tai là công việc của tất cả mọi người. 

Năm 2009: Bệnh viện an toàn trước thiên tai.

Năm 2010: Thành phố tôi đã sẵn sàng!

Năm 2011: Trẻ em và thanh niên là đối tác để giảm nhẹ thiên tai. 

Năm 2012: Phụ nữ và các em gái-một lực lượng có sức chống chịu hiệu quả với thiên tai. 

Năm 2013: Người khuyết tật trong thiên tai. 

Năm 2014: Người cao tuổi với thiên tai: Thích ứng vì cuộc sống. 

Năm 2015: Kiến thức cho cuộc sống.

Năm 2016: Giảm tỷ lệ tử vong do thiên tai.