Tại Phiên thông qua Báo cáo quốc gia theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (tháng 7/2019), Việt Nam đã chấp thuận 241/291 khuyến nghị. Trong hơn hai năm qua, trong bối cảnh tình hình diễn biến phức tạp, nhất là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội cũng như việc thụ hưởng quyền con người (QCN), Việt Nam đã nỗ lực và thực hiện 80,9% các khuyến nghị đã chấp thuận với nhiều kết quả nổi bật.
Bộ Ngoại giao phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn lần thứ hai về dự thảo Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III của Việt Nam, ngày 10/12/2021. (Nguồn: TTXVN) |
Xây dựng nhà nước pháp quyền, hoàn thiện pháp luật
Việt Nam tiếp tục tiến trình cải cách pháp luật, trong đó tập trung tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác tư pháp, nhất là ở địa phương nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật.
Thông qua 36 luật, trong đó có nhiều văn bản luật quan trọng liên quan đến QCN, quyền công dân, góp phần cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp năm 2013, phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên như Bộ luật Lao động, Luật Thanh niên, Luật Cư trú... góp phần kiến tạo thể chế, khung pháp lý điều chỉnh trên lĩnh vực kinh tế-xã hội có liên quan trực tiếp đến việc thụ hưởng quyền của người dân.
Thực hiện một số khuyến nghị, Việt Nam cũng đang nỗ lực bảo đảm việc độc lập xét xử của Tòa án, quyền được xét xử công bằng và theo đúng trình tự, phù hợp với chuẩn mực quốc tế; xem xét sửa đổi, bổ sung một số Luật phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam như việc sửa đổi Luật Trẻ em; nghiên cứu xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống mại dâm; quy định cụ thể định nghĩa quấy rối tình dục trong Bộ luật Lao động 2019...
Các quyền chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được đảm bảo
Việt Nam thực hiện tốt chính sách đối với người có công, bảo đảm an sinh xã hội; quan tâm chăm lo, trợ giúp các đối tượng yếu thế, nhất là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Thu nhập bình quân của hộ nghèo tăng lên, đời sống của hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội từng bước được nâng lên.
Chất lượng dân số từng bước được cải thiện, tuổi thọ trung bình. Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được duy trì rộng khắp trong cả nước, trong đó có vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tiêm vaccine phòng Covid-19 miễn phí cho người dân theo các đối tượng ưu tiên theo khuyến nghị của WHO.
Đến ngày 23/1/2022, Việt Nam đã tiêm gần 176,5 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho người dân, tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine cho người 18 tuổi trở lên đạt 100% và tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản hơn 94% và tỷ lệ tiêm liều nhắc lại là 13,1%. Tỷ lệ này đã vượt mức mục tiêu mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề ra đến hết năm 2021 (40% dân số của mỗi quốc gia được tiêm vaccine phòng Covd-19).
Quảng Ninh triển khai tiêm mũi 3 vaccine phòng Covid-19 cho đội ngũ y tế làm nhiệm vụ tuyến đầu. (Nguồn: TTXVN) |
Ngân sách chi cho giáo dục, đào tạo được ưu tiên hàng đầu (tối thiểu 20%) trong tổng chi ngân sách nhà nước; tạo điều kiện để người dân được học liên tục mọi nơi, học suốt đời theo nhiều hình thức khác nhau; phê duyệt Đề án “Phát triển đào tạo từ xa giai đoạn 2015-2020”, Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020” cũng như ban hành nhiều chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho các nhóm yếu thế, trong đó tập trung hỗ trợ học sinh vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Nước sạch và vệ sinh môi trường tại vùng nông thôn luôn được Chính phủ Việt Nam quan tâm và dành ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước: các mô hình, phong trào bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư có sự chuyển biến tích cực; các chính sách, dự án về nước sạch và vệ sinh môi trường tại vùng nông thôn đã đóng góp tích cực cho kết quả xóa đói giảm nghèo tại các địa phương; công tác quản lý môi trường khu công nghiệp đã có những bước tiến vượt bậc. Tính đến tháng 3/2021, trên cả nước có 263/290 khu công nghiệp đang hoạt động có công trình xử lý nước thải tập trung (tăng 13 khu công nghiệp so với năm 2019) đạt tỷ lệ 90,69%.
Việt Nam đã đạt những thành tựu đáng ghi nhận trong tăng cường việc tiếp cận thông tin rộng khắp của người dân, đặc biệt là người dân tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo; khởi động Cổng dữ liệu quốc gia để làm điểm đầu mối trên mạng Internet phục vụ việc công bố dữ liệu mở, cung cấp thông tin về chia sẻ dữ liệu của cơ quan nhà nước; cung cấp các tài liệu, dịch vụ, công cụ, ứng dụng xử lý, khai thác dữ liệu được công bố bởi các cơ quan nhà nước.
Việt Nam đã thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước hiệu quả với các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để vừa phát huy vai trò của các tổ chức đại diện người lao động trong quan hệ lao động, đồng thời bảo đảm các tổ chức này được thành lập, hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích theo quy định của pháp luật.
Ban hành nhiều quy định nhằm bảo vệ nhà báo và phóng viên trước mọi hình thức phân biệt đối xử và bạo lực; thúc đẩy xây dựng hành lang pháp lý trong phòng chống thông tin vi phạm pháp luật, bảo đảm thông tin lành mạnh nhằm xác lập ngày càng rõ hơn, minh bạch hơn các giới hạn của quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận phù hợp với các thông lệ quốc tế, từ đó nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật của người dân và cán bộ, công chức, nhà báo, hạn chế các vi phạm.
Tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hợp pháp được thành lập, hoạt động và phát triển. Việc triển khai Luật Tín ngưỡng, tôn giáo tạo điều kiện cho hoạt động quan hệ quốc tế của các tổ chức, cá nhân tôn giáo diễn ra sôi nổi, phong phú về cấp độ, số lượng và phạm vi hoạt động; cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong tôn giáo.
Sau khi Luật Thi hành án hình sự năm 2019 được thông qua, nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng toàn diện, phù hợp với Luật. Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 cũng tiếp tục được triển khai hiệu quả thông qua việc ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; triển khai nhiều biện pháp để tăng cường việc tiếp cận pháp lý đối với người dân, bảo đảm thủ tục tố tục hình sự, quyền tiếp cận luật sư...
Lực lượng tình nguyện viên tôn giáo Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ tuyến đầu chống dịch Covid-19. (Nguồn: TTXVN) |
Bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương
Nhiều Chương trình hành động cấp quốc gia được ban hành góp phần bảo đảm tốt hơn quyền của các nhóm dễ bị tổn thương. Trong đó, tiếp tục triển khai Luật Bình đẳng giới, Luật Người khuyết tật; đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình quốc gia của giai đoạn 2016-2020; Chương trình hỗ trợ hộ nghèo khu vực nông thôn theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015. Chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc miền núi, vùng cao. Người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn được cung cấp các dịch vụ pháp lý miễn phí như tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, cấp phát miễn phí tờ rơi, băng đĩa pháp luật...
Việc bảo đảm quyền tiếp cận phương tiện đi lại cho người khuyết tật tiếp tục được chú trọng triển khai trên cơ sở các quy định cụ thể trong hệ thống pháp luật xây dựng bao gồm Luật Xây dựng 2014, Luật Nhà ở 2014, Luật Kiến trúc.
Việt Nam đã tiếp tục các nỗ lực phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân, đạt kết quả tích cực.
Thực hiện nghĩa vụ, cam kế quốc tế về quyền con người
Việt Nam hiện đã tham gia 7/9 công ước quốc tế cơ bản về QCN. Việc triển khai các công ước đã đạt được những kết quả toàn diện, được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ bằng hành lang pháp lý, chính sách. Đã nộp báo cáo quốc gia lần thứ năm thực thi Công ước CERD gửi lên Ủy ban Công ước (tháng 1/2021); đã xây dựng Kế hoạch triển khai các khuyến nghị của Ủy ban Công ước quyền dân sự và chính trị (ICCPR), Ủy ban Công ước chống tra tấn (CAT); nộp Báo cáo giữa kỳ về việc thực hiện các khuyến nghị (CAT vào tháng 10/2020, ICCPR vào tháng 3/2021).
Đã phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 và 105 của ILO; nghiên cứu xem xét phê chuẩn một số công ước quốc tế về QCN như Nghị định thư CEDAW trong giai đoạn 2021-2025; CRMW, Công ước số 97 của ILO về Di cư vì việc làm và Công ước số 143 về Lao động di cư; nghiên cứu, đánh giá khả năng gia nhập một số Công ước quốc tế về QCN như CPED, Công ước 1954…
Bên cạnh đó, Việt Nam luôn chủ trương coi trọng việc đối thoại, hợp tác với các nước, đối tác trong bảo vệ và thúc đẩy QCN; tiếp tục tăng cường trao đổi, hợp tác với Liên hợp quốc và các Thủ tục đặc biệt trong các khóa họp thường kỳ của Hội đồng Nhân quyền cũng như thường xuyên có trả lời đối với các đề nghị cung cấp thông tin của các Thủ tục đặc biệt.
Năm 2020, với vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, Việt Nam đã đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR). Trong nhiệm kỳ này, Việt Nam đã rất quan tâm thúc đẩy quyền của nhóm yếu thế trong chương trình của AICHR, trong đó đặc biệt quan tâm đến nỗ lực bảo đảm QCN trong bối cảnh đại dịch.
Các dự án, chương trình hợp tác nâng cao năng lực kỹ thuật trong lĩnh vực QCN tiếp tục được Việt Nam và một số nước, một số đối tác phát triển trao đổi, xây dựng và triển khai, vượt qua khó khăn về dịch bệnh; trong quá trình đó, sự tham gia của các cơ quan, địa phương liên quan và các bên liên quan luôn được bảo đảm.
Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM-53) và các Hội nghị liên quan, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì Đối thoại giữa các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các đại diện Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) theo hình thức trực tuyến, tháng 9/2020. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Tăng cường giáo dục về quyền con người
Ngày 5/9/2017, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Đề án đưa nội dung QCN vào chương trình giáo dục QCN vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, xác định mục tiêu đến năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục tổ chức giáo dục QCN cho người học.
Theo đó, giáo dục QCN được lồng ghép trong sách giáo khoa từ bậc tiểu học. Đối với cấp Đại học và sau đại học, đặc biệt với các trường có đào tạo luật, sẽ có khóa đào tạo và các môn học cụ thể đã tích hợp, lồng ghép vấn đề QCN; khuyến khích học viên nghiên cứu, tìm hiểu và đào tạo chuyên sâu về vấn đề QCN.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang tiếp tục đẩy mạnh đào tạo kiến thức nhân quyền cho các cán bộ công chức, viên chức Nhà nước và địa phương nhằm tăng cường nhận thức, năng lực và hiệu quả công tác nhân quyền ở cơ sở. Việt Nam đã đưa nội dung giáo dục về nhân quyền vào chương trình giảng dạy tại các trường đào tạo cảnh sát, đồng thời mở hàng chục lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về nhân quyền để trang bị và nâng cao nhận thức, năng lực cho toàn bộ lực lượng cảnh sát, đặc biệt là các đơn vị có liên quan đến việc bảo đảm QCN.
Mới đây, Chỉ thị số 34/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung QCN vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân đã được ban hành một lần nữa khẳng định Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, chú trọng đến giáo dục QCN.
Có thể khẳng định khẳng định, chính sách nhất quán của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy QCN, đặt con người làm trung tâm, là mục tiêu, động lực quan trọng nhất của đất nước, được tiếp tục thể hiện rõ qua tinh thần văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa qua, cũng như trong ứng phó với dịch COVID-19 hiện nay.
Đúng như lời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính rằng, điều quan trọng nhất là lo cho gần 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, có cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, không hi sinh an sinh xã hội, môi trường, tiến bộ và công bằng để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Đó cũng chính là tư tưởng nhất quán của Việt Nam trong suốt tiền trình UPR, luôn phấn đấu nỗ lực vì người dân Việt Nam, đồng thời đóng góp tích cực, trách nhiệm vào công việc của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Kinh tế Việt Nam đã đạt những kết quả, thành tựu tích cực với mức tăng trưởng kinh tế đạt 2,91% trong năm 2020 và dự kiến khoảng 2,5-3% trong năm 2021 và dự báo có thể quay lại tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức từ 6,5 đến 7% từ năm 2022 trở đi . Năm 2020, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 4 trong ASEAN, đứng thứ 37 thế giới. |