📞

Việt Nam-Philippines: Mối quan hệ vững mạnh và ngày càng sâu sắc

Meynardo LB. Montealegre 14:26 | 12/07/2021
45 năm vừa qua là minh chứng cho mối quan hệ vững mạnh và ngày càng sâu sắc giữa Việt Nam và Philippines, với dấu ấn là các cuộc trao đổi đoàn cấp cao, mối quan hệ chính trị và kinh tế năng động và bền vững, cũng như hợp tác giao lưu nhân dân mạnh mẽ.

Lật giở những trang sử ngoại giao, chúng ta nhìn lại thời điểm 45 năm trước, khi Philippines và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 12/7/1976, dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Carlos P. Romulo và Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phan Hiền.

Lúc bấy giờ, Thứ trưởng Phan Hiền đang tích cực công du khắp khu vực Đông Nam Á để vận động các nước công nhận nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam mới thống nhất. Philippines là nước thành viên ASEAN thứ tư thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Philippines Meynardo Los Banos Montealegre tại trụ sở Chính phủ, ngày 17/3/2021. (Nguồn: VGP)

Trong những năm qua, hai nước đã trở thành Đối tác chiến lược của nhau với thỏa thuận được ký kết năm 2015. Ngày 17/11/2015, hai nước ký kết Tuyên bố chung trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tới Philippines dự Tuần lễ Cấp cao APEC. Tới nay, Việt Nam là Đối tác chiến lược duy nhất của Philippines trong số các quốc gia thành viên ASEAN, và là đối tác chiến lược thứ ba sau Mỹ và Nhật Bản.

Quan hệ giữa Philippines và Việt Nam không ngừng được củng cố thông qua Đối tác chiến lược, và hiện được định hướng bởi Kế hoạch Hành động 5 năm Việt Nam - Philippines giai đoạn từ 2019 đến 2024.

Nhằm nâng tầm toàn diện hợp tác chính trị, kinh tế và văn hóa, Kế hoạch Hành động thể hiện cam kết của cả hai chính phủ trong nhiều lĩnh vực hợp tác đa dạng, bao gồm chính trị, an ninh, quốc phòng và thực thi pháp luật, thương mại, đầu tư, kinh tế, hàng hải, hải dương và nghề cá, nông-lâm nghiệp, giáo dục, môi trường và giảm thiểu rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu, lao động, du lịch, thể thao, giao lưu nhân dân, công nghệ thông tin và truyền thông, cũng như hợp tác khu vực và quốc tế.

45 năm vừa qua là minh chứng cho mối quan hệ vững mạnh và ngày càng sâu sắc giữa Việt Nam và Philippines, với dấu ấn là các cuộc trao đổi đoàn cấp cao, mối quan hệ chính trị và kinh tế năng động và bền vững, cũng như hợp tác giao lưu nhân dân mạnh mẽ. Mối quan hệ giữa hai nước còn được củng cố thêm nhờ sự phối hợp và hợp tác chặt chẽ tại các cơ chế khu vực và đa phương, như ASEAN, LHQ, APEC và ASEM...

Hợp tác chính trị và an ninh

Các chuyến thăm cấp nhà nước là điểm nhấn trong đối ngoại, thắt chặt quan hệ song phương và thúc đẩy hơn nữa hợp tác quốc tế.

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt và Tổng thống Philippines Corazon Aquino tại lễ ký văn kiện hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật giữa Việt Nam và Philippines, ngày 27/2/1992.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Việt Nam đã đón năm Tổng thống Philippines: Tổng thống Fidel V. Ramos năm 1994, Tổng thống Joseph Ejercito Estrada năm 1998, Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo năm 2002, 2004, 2006 và 2010, Tổng thống Benigno S. Aquino III năm 2010, đương kim Tổng thống Rodrigo Roa Duterte vào tháng 9/2016 và tháng 11/2017.

Các chuyến thăm này góp phần tăng cường quan hệ chính trị giữa Philippines và Việt Nam, và là những dấu mốc lớn trong quan hệ giữa hai nước.

Tổng thống Fidel V. Ramos là Tổng thống Philippines đầu tiên đến thăm Việt Nam vào tháng 3/1994. Chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài ba ngày của ông tới Việt Nam tập trung vào các nội dung thương mại song phương, an ninh khu vực, và các lĩnh vực hợp tác tiềm năng về khoa học kỹ thuật.

Tổng thống Ramos cũng là người ủng hộ nỗ lực gia nhập ASEAN của Việt Nam. Việt Nam đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác với ASEAN năm 1993 tại Manila, và gia nhập Hiệp hội vào năm 1995, chỉ một năm sau chuyến thăm của Tổng thống Ramos.

Thật ý nghĩa khi chuyến thăm cấp nhà nước lần tiếp theo của người đứng đầu Nhà nước/Chính phủ Philippines tới Việt Nam diễn ra nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh các nhà Lãnh đạo ASEAN do Việt Nam đăng cai năm 1998.

Tổng thống Joseph Estrada thăm chính thức Việt Nam bên lề hội nghị ASEAN, cùng đoàn doanh nghiệp tháp tùng nhằm mục đích tăng cường thương mại và đầu tư với Việt Nam – một nền kinh tế đang nổi lên sau này.

Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo là vị Tổng thống Philippines thăm Việt Nam nhiều lần nhất, với chuyến thăm nhà nước năm 2002, và các chuyến thăm nhân dịp dự các Hội nghị ASEM, APEC và ASEAN vào các năm 2004, 2006 và 2010.

Các chuyến thăm của Tổng thống Arroyo đã nhấn mạnh nhu cầu hợp tác thương mại và đầu tư, cũng như ghi nhận tầm quan trọng của an ninh khu vực và hợp tác chống khủng bố. Hai nước đã thông qua Khuôn khổ Hợp tác Song phương trong chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Arroyo năm 2002, khuôn khổ này sau đó được triển khai thành các kế hoạch hành động cụ thể.

Năm 2010, cố Tổng thống Benigno S. Aquino III đã chọn Việt Nam làm điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông. Trong chuyến thăm cấp Nhà nước, Tổng thống Aquino đã ký bốn Biên bản Thoả thuận với Việt Nam về hợp tác giáo dục, hợp tác quốc phòng, hợp tác sẵn sàng và phản ứng sự cố tràn dầu, và cứu hộ cứu nạn trên biển.

Các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam cũng đã có các chuyến thăm Philippines trong nhiều dịp khác nhau, gồm các chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng tháng 9/1978, Thủ tướng Võ Văn Kiệt tháng 2/1992, Chủ tịch nước Trần Đức Lương tháng 11/2001, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tháng 1 và 8/2007, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 10/2011, và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tháng 5/2014. Chuyến thăm Philippines gần đây nhất của lãnh đạo cấp cao Việt Nam là chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nay là Chủ tịch nước vào tháng 11/2017.

Tổng thống Philippines đương nhiệm Rodrigo R. Duterte đã sang thăm Việt Nam hai lần – chuyến thăm năm 2016 và dự Hội nghị APEC năm 2017. Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Duterte năm 2016 đã tạo đà thúc đẩy xây dựng Kế hoạch Hành động 2019-2024 làm định hướng cho quan hệ Việt Nam-Philippines ngày nay.

Tổng thống Philippines Benigno S. Aquino III và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chứng kiến lễ ký thoả thuận thiết lập Đối tác Chiến lược giữa Việt Nam và Philippines, ngày 7/11/2015.

Những trao đổi hữu nghị cũng đã góp phần thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa Philippines và Việt Nam, với việc thành lập Ủy ban Hỗn hợp về Tham vấn Song phương, Bản Ghi nhớ được ký năm 2014 và đến nay vẫn tiếp tục phát huy vai trò cơ chế đối thoại chính giữa hai nước.

Cùng với sự phát triển của quan hệ giữa hai nước, Ủy ban Hỗn hợp cũng có các bước phát triển với, và tới năm 2019 cơ chế này đã tiến hành phiên họp lần thứ 9. Phiên họp tiếp theo vẫn chưa được công bố do tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Là các quốc gia ven biển trong cùng một vùng biển, cả Việt Nam và Philippines đều rất coi trọng các vấn đề hàng hải. Vùng biển nơi tổ tiên hai dân tộc chúng ta từng giao thương nay lại càng đóng vai trò quan trọng hơn. Vùng biển này không chỉ đơn thuần là nơi thương mại diễn ra thường xuyên, mà còn là một kho tài nguyên quan trọng.

Cùng là các quốc gia có chung lợi ích khi đối mặt với các thách thức chung ở Biển Đông, Việt Nam và Philippines đã hợp tác để cùng đạt được các mục tiêu chung. Hợp tác hàng hải chính là hòn đá tảng giúp hình thành mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Philippines năm 2015.

Hợp tác giữa hai nước về vấn đề hàng hải, đặc biệt ở Biển Đông, là lẽ tự nhiên và bản năng của hai dân tộc chúng ta. Những người đi biển của cả hai nước, dù là thương nhân hay ngư dân, đều có giao thương với nhau trong vùng Biển Đông trong nhiều thế kỷ nay, và cho đến nay vẫn tiếp tục tương trợ lẫn nhau.

Chúng tôi vẫn ghi nhớ và chân thành ghi nhận sự hỗ trợ ngư dân Việt Nam dành cho như dân Philippines vào tháng 6/2018. Trên thực tế, Việt Nam đã cứu giúp nhiều ngư dân của chúng tôi gặp nạn trên biển, nhiều khi còn đưa họ về bờ hay giúp đỡ họ tìm đường về tàu.

Về phía Philippines, đích thân Tổng thống Duterte đã giao Lực lượng Cảnh sát biển Philippines phải đối xử nhân từ đối với ngư dân Việt Nam khi họ đi quá xa sang hải phận Philippines.

Philippines đánh giá cao lập trường của Việt Nam ủng hộ hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp. Philippines và Việt Nam cần tiếp tục tăng cường kêu gọi thượng tôn pháp luật và UNCLOS, cũng như tăng cường hợp tác nhằm đạt được một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông hiệu lực và thực chất thông qua các cơ chế ASEAN liên quan.

Đại diện Quân chủng Hải quân và các cơ quan Việt Nam đón Đại tá Halarison Diga Cesisra, Trưởng đoàn, Đại tá Francisco Luis A.Laput, Thuyền trưởng tàu BRP Ramon Alcaraz (FF16) thăm hữu nghị Việt Nam từ ngày 7-10/9/2019. (Nguồn: TTXVN)

Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư

Tuy mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước chúng ta vẫn còn khá non trẻ, quan hệ giữa hai dân tộc đã tồn tại hàng trăm năm nay, thậm chí có từ trước khi hình thành khái niệm một quốc gia Philippines.

Sử sách ghi nhận thương nhân từ đảo Sulu phía Nam Philippines thường xuyên giao thương với người Chăm ở Trung Bộ và Nam Bộ Việt Nam. Trong thế kỷ XV, thương cảng chính trên Vịnh Bắc Bộ đã từng đón các thương thuyền từ đảo Luzon của Philippines, cho tới khi người Tây Ban Nha đến Philippines khiến giao thương bị gián đoạn.

Thương mại là một phần thiết yếu của quan hệ giữa nhân dân hai nước chúng ta, và luôn luôn giúp cho quan hệ hai dân tộc càng gắn kết chặt chẽ hơn. Một số các thỏa thuận đầu tiên hai nước cùng ký kết là Hiệp định Cơ bản về Hợp tác Kinh tế, Khoa học và Kỹ thuật năm 1978, Hiệp định Thương mại năm 1978, và Hiệp định Thúc đẩy và Bảo hộ Đầu tư năm 1992.

Đến những năm 1990, những lợi ích thương mại của Philippines tại Thành phố Hồ Chí Minh đã gia tăng không ngừng, đòi hỏi phải có Tổng Lãnh sự Danh dự, chức danh vẫn được duy trì đến tận ngày nay.

Thập kỷ vừa qua đã tạo cho hai nước chúng ta những cơ hội ghi dấu những tiến bộ đáng kể trong thương mại và đầu tư. Một số các hoạt động nổi bật trong lĩnh vực này gồm Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Philippines tháng 10/2011, Đoàn Khảo sát Doanh nghiệp Philippines tới Việt Nam năm 2012, và Đoàn Doanh nghiệp Xây dựng Philippines tới thăm Việt Nam, do Ban Xây dựng Hải ngoại Philippines (POCB) dẫn đầu, tháng 9/2015.

Nỗ lực gần đây nhất là đoàn doanh nghiệp sang Thành phố Hồ Chí Minh, do Bộ Công Thương Việt Nam cùng phối hợp tổ chức vào tháng 6/2018.

Lợi ích kinh doanh của Philippines cũng đang ngày một tăng tại Việt Nam, với một số các doanh nghiệp lớn của Philippines có sự hiện diện tại Việt Nam. Chuỗi đồ ăn nhanh lớn nhất Philippines, Jollibee, có hơn một trăm chi nhánh trên cả nước Việt Nam, là nhà đầu tư của các hãng nội địa như Highlands Coffee và Phở 21.

Các sản phẩm của Philippines, từ bánh snack, đồ uống và đồ hộp đã hiện diện trên các quầy hàng ở Việt Nam. Các công ty Philippines ở Việt Nam tham gia vào một loạt các ngành hàng, từ lương thực và đồ uống tới dược phẩm, các dự án cơ sở hạ tầng như đường cao tốc có thu phí và nhà máy xử lý nước.

Một số doanh nghiệp Philippines có mặt tại Việt Nam bao gồm Asia Water Network Solutions, Century Pacific Viet Nam Co. Ltd., Green Cross Viet Nam Co. Ltd., Manila Water, Philippinese Airline, Royal Cargo Viet Nam Co. Ltd., San Miguel Corporation; United Pharma (Viet Nam) Inc., URC Viet Nam Co. Ltd. và Viet Nam Liwayway Joint Stock Co.

Trước đại dịch, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Philippines đạt đỉnh với tổng kim ngạch thương mại đạt kỷ lục 4,5 tỷ USD năm 2019. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 12 của Philippines, xếp thứ 12 về xuất khẩu và 11 về nhập khẩu.

Gạo là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam sang thị trường Philippines.

Một khía cạnh then chốt trong hợp tác giữa Philippines và Việt Nam là thương mại gạo, chiếm 87% nhập khẩu gạo của Philippines. Ngay cả trong bối cảnh Luật Thuế hóa mặt hàng Gạo tại Philippines đi vào hiệu lực, nhập khẩu gạo từ Việt Nam vẫn rất năng động. Theo đó, Việt Nam vẫn tiếp tục là một đối tác quan trọng duy trì an ninh lương thực Philippines.

Giao lưu nhân dân và hợp tác văn hóa

Với bề dày 45 năm quan hệ giữa hai nước, giao lưu nhân dân cũng đã được tăng cường. Những người Philippines đầu tiên đến Việt Nam gồm các kỹ sư, quản lý khách sạn và nhà hàng, và công nhân dệt kim.

Các giáo viên tiếng Anh cũng bắt đầu đến Việt Nam trong thập kỷ vừa qua. Đến năm 2019, có hơn 7000 người Philippines đang sống và làm việc tại Việt Nam. Hạn chế đi lại do đại dịch Covid-19 gây ra có thể đã làm chậm lại trào lưu này, nhưng chúng tôi vẫn rất lạc quan.

Việt Nam đã trở thành một điểm đến du lịch hết sức thịnh hành đối với người Philippines, với số lượt khách du lịch gần như năm nào cũng tăng. Năm 2019, số lượt khách từ Philippines đến Việt Nam đạt đỉnh 179.190 lượt người. Tuy đại dịch khiến các hoạt động du lịch trên toàn thế giới tạm dừng, xu hướng tăng này rất có thể sẽ phục hồi ngay khi thế giới bắt đầu quay trở lại trạng thái bình thường.

Trong thập kỷ vừa qua, các bậc phụ huynh Việt Nam cũng đã và đang gửi con em sang Philippines dự trại hè Anh ngữ. Tuy các sự kiện trao đổi này đang tạm dừng do đại dịch, chúng tôi hy vọng các trại hè có thể giúp người Việt Nam sang Philippines nhiều hơn sau khi đại dịch đi qua. Các hoạt động này là một cơ hội đáng hoan nghênh để người Việt Nam có thể hiểu thêm về đất nước con người Philippines.

Ngoài du lịch và việc làm, nông nghiệp cũng góp phần vào trao đổi giữa Việt Nam và Philippines. Tỉnh Hà Giang của Việt Nam và Benguet của Philippines đã ký kết thỏa thuận hợp tác ngày 10/11/2017, khẳng định hai tỉnh sẽ trao đổi kinh nghiệm về phát triển du lịch bền vững và thúc đẩy xuất khẩu nông lâm sản và nhiều mặt hàng khác.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Hà Thị Minh Hạnh và bà Florence B.Tingbaoen, Chủ tịch Hội đồng lập pháp, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Benguet ký kết thỏa thuận quan hệ hữu nghị giữa hai tỉnh, ngày 10/11/2017. (Nguồn: TTXVN)

Cả hai tỉnh đã duy trì trao đổi với nhau ngay cả trong bối cảnh đại dịch với việc Thống đốc tỉnh Benguet Melchor Diclas có cuộc trao đổi trực tuyến với Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn tháng 12/2020. Hai bên chia sẻ cho nhau thực tiễn hay về du lịch, nông nghiệp và đào tạo ngoại ngữ của.

Hơn nữa, Chương trình Hợp tác Văn hóa 2017-2020 đã được ký kết năm 2016, theo đó cả hai bên nhất trí hợp tác trong lĩnh vực phim ảnh, triển lãm văn hóa, biểu diễn nghệ thuật và di sản văn hóa.

Tương lai quan hệ Việt Nam-Philippines

Nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, nước Cộng hòa Philippines và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam hướng tới một tương lai đầy hứa hẹn phía trước. Với định hướng của Kế hoạch Hành động 2019-2024, cả hai nước chắc chắn sẽ củng cố và làm sâu sắc thêm mối quan hệ song phương.

Tháng 7/2019, nhân chuyến thăm ra mắt của Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro L. Locsin tới Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã ký kết Bản ghi nhớ (MoU) giữa hai Bộ.

Trong chuyến thăm, hai bên nhất trì duy trì thường xuyên tham vấn và trao đổi quan điểm về các sáng kiến cũng như các vấn đề cùng quan tâm. Cuộc gặp đầu tiên của cơ chế này sẽ được tiến hành năm nay khi điều kiện cho phép.

Là một trong những trụ cột chính của mối quan hệ Đối tác chiến lược, hợp tác hàng hải là một trong những lĩnh vực hai bên cần phải đẩy mạnh, đặc biệt là về an ninh, quốc phòng và thực thi pháp luật. Một trong những hoạt động cụ thể được nêu trong Chương trình Hành động là hợp tác thực chất và tăng cường chia sẻ thực tiễn hay về quốc phòng và thực thi pháp luật trên biển.

Hai bên cũng còn nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ nguồn tài nguyên biển, trong đó có việc hoàn tất thỏa thuận hợp tác chống đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không theo quy định (IUU), cũng như hợp tác trong việc quản lý hệ sinh thái ven biển và hải dương.

Cuộc chiến chống ma túy là ưu tiên của Tổng thống Philippines Rodrigo R. Duterte và cũng là mối quan tâm lớn của Chính phủ Việt Nam, do đó cả hai bên cần hướng tới tăng cường hợp tác trao đổi thông tin nhằm đấu tranh chống tệ nạn ma túy lan tràn ở cả hai nước.

Trao đổi các đoàn cấp cao giữa hai chính phủ cần tiếp tục được duy trì khi điều kiện cho phép nhằm thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực. Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Philippines đã có các chuyến thăm Việt Nam năm 2019. Hiện nay do đại dịch các sự kiện như vậy có thể đang tạm hoãn, nhưng chúng ta hy vọng sẽ sớm nối lại được các chuyến thăm này để củng cố hơn nữa mối quan hệ giữa hai bên.

Về đầu tư, thương mại và kinh tế, việc tiến hành tham vấn định kỳ về thương mại, đầu tư và hợp tác song phương thông qua cơ chế Ủy ban Hỗn hợp sẽ giúp tăng cường hơn nữa hợp tác giữa hai bên.

Việt Nam và Philippines cũng có thể củng cố và nâng cao nhận thức về cơ hội kinh doanh ở cả hai nước bằng cách tổ chức các hoạt động thông tin, tổ chức các đoàn đầu tư và kinh doanh thông qua các nền tảng trực tuyến hoặc hội nghị trực tuyến, do vẫn chưa thể có những tiếp xúc trực tiếp trong thời gian tới.

Philippines là một điểm đến của sinh viên Việt Nam.

Hợp tác giáo dục cũng là một lĩnh vực còn nhiều tiềm năng hợp tác. Philippines và Việt Nam có thể khuyến khích tăng cường trao đổi giữa các cơ quan giáo dục hai nước, thậm chí có thể sắp xếp trao đổi trực tiếp giữa các trường đại học. Hai bên có thể tìm hiểu thêm các cơ hội đào tạo tiếng Anh, vì nhiều trường đại học hàng đầu Philippines có các trung tâm đào tạo tiếng Anh.

Hai nước chúng ta đều có kho tàng di sản và văn hóa sâu sắc, do đó hai bên có thể thúc đẩy trao đổi các đoàn nghệ thuật biểu diễn, hội họa và nhiếp ảnh sau khi đại dịch kết thúc. Hai nước cũng có thể quảng bá cho nghệ thuật truyền thống cũng như đương đại thông qua tổ chức ngày hội, triển lãm và trao đổi nghệ sĩ, nhà nghiên cứu và sinh viên.

45 năm đầu tiên của mối quan hệ ngoại giao mới chỉ là điểm khởi đầu của một mối quan hệ đối tác còn nhiều tiềm năng vươn cao xa hơn nữa trong tương lai giữa hai nước chúng ta. Là Đại sứ Philippines tại Việt Nam, tôi mong đợi sẽ đóng góp vào việc mở đường cho để hiện thức hoá khả năng ấy trong 45 năm tới, và lâu hơn nữa.