📞

Việt Nam quan tâm tác động của biến đổi khí hậu với quyền con người

09:00 | 04/03/2016
Nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao khóa 31 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc từ ngày 29/2-2/3 tại Geneva (Thụy Sĩ), Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã có cuộc trả lời phỏng vấn tại Geneva về những điểm nổi bật của hội nghị năm nay và trọng tâm tham gia của Việt Nam trong năm thứ ba với tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016. 
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc tại Hội nghị cấp cao khóa 31 Hội đồng Nhân quyền.

- Xin Thứ trưởng cho biết các điểm nổi bật của Hội nghị cấp cao lần này? 

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Hội nghị cấp cao khóa 31 Hội đồng Nhân quyền diễn ra vào lúc tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến quyền con người. Có thể nói, Hội nghị năm nay có một số điểm nổi bật chính, gồm thứ nhất, Hội nghị thu hút sự quan tâm cao của các nước và cộng đồng quốc tế. Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc đều từ New York đến tham dự. Trên 90 nước cử đoàn cấp cao với 12 tổng thống, phó tổng thống, phó thủ tướng, 80 bộ trưởng và tương đương. Ngoài các phiên thảo luận chung còn nhiều phiên thảo luận chuyên đề, các cuộc họp bên lề; nhiều phiên thảo luận phải kéo dài đến cả buổi tối. 

Thứ hai, tại Hội nghị, nhiều nước chia sẻ quan tâm về các vấn đề mang tính thời sự liên quan đến việc bảo đảm quyền con người, ví dụ như tác động của các cuộc khủng hoảng di cư, chủ nghĩa cực đoan, khủng bố, xung đột khu vực. Nhiều nước nhấn mạnh đến quyền của những nhóm dễ bị tổn thương, tác động của biến đổi khí hậu với quyền con người... 

Thứ ba, các nước cũng tập trung đánh giá hiệu quả của Hội đồng Nhân quyền sau 10 năm thành lập, cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) sau hai chu kỳ hoạt động. Nhiều đề xuất được đưa ra nhằm cải tiến hoạt động của Hội đồng Nhân quyền. Đặc biệt, ý kiến chung cho rằng Hội đồng Nhân quyền cần hòa vào dòng chảy chung của hệ thống Liên hợp quốc, lồng ghép, gắn kết các hoạt động của mình với việc thực hiện những cam kết lịch sử mà thế giới vừa đạt được như Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. 

- Năm nay là năm thứ ba trong nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Nhân quyền 2014-2016 của Việt Nam, xin Thứ trưởng khái quát sự tham gia và đóng góp của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền thời gian qua và trọng tâm tham gia của ta trong năm kết thúc nhiệm kỳ 2016? 

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Trong hai năm qua, Việt Nam đã đảm nhiệm tốt vai trò là thành viên Hội đồng Nhân quyền, hoàn thành mục tiêu đề ra trên ba phương diện. Trước tiên, Việt Nam đã cùng chung tay với cộng đồng quốc tế, các thành viên Hội đồng Nhân quyền nỗ lực xử lý các thách thức đối với quyền con người trên phạm vi toàn cầu. Thêm vào đó, chúng ta đã bảo vệ lợi ích đất nước tại diễn đàn quan trọng này của Liên hợp quốc. Ngoài ra, Việt Nam đã tăng cường quan hệ với các nước, nhóm nước, đồng thời quảng bá được thành tựu của đất nước về quyền con người, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương. 

Cụ thể là trong suốt hai năm 2014-2015, Việt Nam đã tham gia tích cực, xây dựng và có đóng góp thực chất vào các cuộc thảo luận, các nghị quyết, quyết định của Hội đồng Nhân quyền. Chúng ta tham gia đồng sáng kiến nhiều hoạt động về các chủ đề chúng ta có lợi ích. Với phương châm đề cao đối thoại và hợp tác, Việt Nam cũng góp phần tích cực trong việc kết nối các nước, nhóm nước, xây dựng được đồng thuận trên nhiều vấn đề khó, nhạy cảm. Thái độ cởi mở, cầu thị, xây dựng của Việt Nam khi tham gia UPR và sự nghiêm túc trong thực hiện các khuyến nghị đã chấp thuận được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. 

Năm 2016 là năm cuối cùng Việt Nam làm thành viên Hội đồng Nhân quyền. Bên cạnh việc tiếp tục phát huy những mặt tích cực của hai năm qua, Việt Nam sẽ tập trung ghi dấu ấn trong các vấn đề cụ thể thuộc quan tâm hàng đầu của đất nước như tác động của biến đổi khí hậu đối với quyền con người, quyền của người khuyết tật. Trước mắt, Việt Nam đã tham gia nhóm các nước nòng cốt về tác động biến đổi khí hậu với quyền con người. Cũng tại Hội nghị cấp cao này, Việt Nam cùng với Australia và một số nước/đối tác tổ chức một phiên thảo luận bên lề với chủ đề “Xây dựng và hỗ trợ môi trường việc làm cho người khuyết tật." 

- Thưa Thứ trưởng, như vậy có thể thấy Việt Nam đã làm được rất nhiều việc và có kết quả tích cực cho nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Nhân quyền. Xin Thứ trưởng cho biết kế hoạch của Việt Nam sau khi kết thúc nhiệm kỳ Hội đồng Nhân quyền? 

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Việc đảm nhiệm tốt vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền là cột mốc quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành của Việt Nam trong hành trình cùng nhân loại thúc đẩy và bảo đảm quyền con người. Trên cương vị này, chúng ta có thể nhìn rộng ra và thấy rõ Việt Nam đang ở đâu. Có thể nói, Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả, chúng ta có thể tự hào về điều đó, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực và kết hợp của các bộ, ban, ngành, sự phối hợp trong ngoài; đặc biệt cá nhân tôi đánh giá cao vai trò của Phái đoàn Việt Nam ở Geneva và New York. đồng thời chúng ta cũng còn những khó khăn và thách thức, đòi hỏi cần nỗ lực hơn nữa.

Thời gian tới, chúng ta có ba việc phải làm. Thứ nhất, sau khi kết thúc nhiệm kỳ, Việt Nam tiếp tục triển khai nghiêm túc, có trách nhiệm cam kết khi tham gia Hội đồng Nhân quyền, trong đó có việc thực hiện các khuyến nghị UPR và chuẩn bị cho UPR chu kỳ ba vào năm 2018. 

Thứ hai, sau hai năm tham gia Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam cần rút ra bài học, kinh nghiệm tốt cho việc tham gia chủ động, tích cực hơn tại diễn đàn này và các diễn đàn đa phương khác. Đó là các bài học về huy động sự ủng hộ của quốc tế đối với các vấn đề thuộc ưu tiên, lợi ích của nước nhà. Chúng tôi thường nói Việt Nam “tay không bắt giặc." Mặc dù nguồn lực tài chính của chúng ta hạn chế, song với lẽ phải, chính nghĩa, thái độ tích cực, có trách nhiệm, Việt Nam đã giành được sự ủng hộ của các nước và trúng cử với số phiếu cao vào các cơ quan của Liên hợp quốc. Đó là bài học về đánh giá tình hình và tham mưu, về phối hợp liên bộ/ngành, phối hợp trong ngoài cũng như chuẩn bị đội ngũ cán bộ có năng lực, đạt trình độ khu vực và quốc tế, đủ sức tham gia và đóng góp xây dựng luật chơi tại các tổ chức, diễn đàn. 

Thứ ba, trong thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp tục phát huy các kinh nghiệm, bài học này để chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là Liên hợp quốc và ASEAN như tinh thần Đại hội Đảng XII đề ra. Trước đây, Việt Nam chủ yếu tham dự, có phần thụ động, nhưng giờ đây Việt Nam tích cực, chủ động tham gia “cuộc chơi" cùng đề ra "luật chơi" ở cấp độ khu vực và toàn cầu. Trước mắt là đóng góp có thực chất vào hoạt động của Hội đồng Kinh tế-Xã hội (ECOSOC) mà Việt Nam là thành viên nhiệm kỳ 2016-2018, Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2016-2019, các cơ chế của ASEAN về nhân quyền. 

Chúng ta đang tích cực vận động vào ghế ủy viên không thường trực Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và cũng có thể cân nhắc tái cử Hội đồng Nhân quyền vào một thời điểm thích hợp.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng.

(theo TTXVN)