TIN LIÊN QUAN | |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp lãnh đạo các Tập đoàn đa quốc gia bên lề WEF Davos 2019 | |
Thủ tướng nêu quan điểm “hành động đại dương” tại Davos |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định như vậy trong trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Mỹ Bloomberg trước khi lên đường tham dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF 2019 tại Davos, Thụy Sỹ, từ 22-25/1.
Được biết, trong năm 2018, kinh tế Việt Nam tăng trưởng gần 7,1%, vượt qua các nước trong khu vực và duy trì là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Trong bối cảnh đó, Quốc hội Việt Nam tiếp tục đặt mục tiêu GDP sẽ tăng khoảng 6,6% - 6,8% trong năm 2019. Xin Thủ tướng cho biết những thách thức lớn mà Việt Nam sẽ gặp phải để đạt mục tiêu trên?
Năm 2019, thế giới sẽ tiếp tục có những chuyển biến nhanh chóng, khó lường với những thời cơ thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng chậm lại; căng thẳng thương mại giữa các nước lớn, biến động mạnh của giá dầu, những chao đảo trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế cùng với những thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu sẽ có tác động mạnh tới nhiều nước, trong đó có Việt Nam – quốc gia với nền kinh tế có độ mở cao.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Người sáng lập, Chủ tịch điều hành WEF, Giáo sư Klaus Schwab. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Tuy nhiên, với nền tảng kinh tế được tạo dựng trong hơn 30 năm Đổi mới và sự phát triển cao của năm 2018, cùng với ý chí, khát vọng vươn lên của cả dân tộc, sự sáng tạo, nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tôi tin tưởng rằng năm 2019 sẽ tiếp tục là một năm thành công của Việt Nam trên nhiều phương diện, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.
Với phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế tư nhân, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hội nhập sâu rộng hơn nữa, tạo những chuyển động bứt phá, động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế Việt Nam.
Trong tầm nhìn thập niên tới, trên tinh thần chủ động hội nhập, tích cực tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), gồm các FTA thế hệ mới với các chuẩn mực cao, hàng đầu thế giới, Việt Nam sẽ hướng đến một nền kinh tế năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao dựa trên nền tảng đổi mới, sáng tạo.
Xin Thủ tướng cho biết thông điệp chính mà Ngài muốn mang tới WEF Davos năm 2019 là gì?
Tôi tới dự WEF Davos lần này với thông điệp thể hiện quyết tâm của Việt Nam trở thành một “Quốc gia của đổi mới, sáng tạo”, một nền kinh tế số liên kết sâu rộng với kinh tế toàn cầu. Trên “con tàu” Cách mạng công nghiệp 4.0 và Toàn cầu hoá 4.0, Việt Nam mong muốn là những hành khách đi đầu, tích cực cùng các quốc gia xây dựng một thế giới thịnh vượng.
Với quyết tâm và nỗ lực nắm bắt những cơ hội và lợi thế của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam sẽ thúc đẩy vượt qua thách thức, tạo ra làn sóng đổi mới sáng tạo mạnh mẽ. Đây chính là cơ hội và thời điểm thuận lợi để các tập đoàn hàng đầu trên thế giới đến đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và xây dựng các trung tâm sản xuất trong tương lai.
Trên tinh thần đó, tôi sẽ cùng lãnh đạo các nước, các nhà quản trị, nhà nghiên cứu hàng đầu và các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế lớn thảo luận chia sẻ ý tưởng, giải pháp cho các vấn đề khu vực và toàn cầu; thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế, tăng thêm nguồn lực cho những phát triển bứt phá của Việt Nam.
Xuất khẩu của Việt Nam chiếm tỉ trọng cao trong GDP trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng trên thế giới và đồng tiền Việt Nam đang chịu áp lực do sự mất giá so với những đồng ngoại tệ trong khu vực. Xin Thủ tướng cho biết Chính phủ Việt Nam đã có kế hoạch gì nhằm hỗ trợ xuất khẩu?
Trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động, khó khăn, năm 2018, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng tốt, tốc độ tăng gần 14%. Việt Nam đã khẳng định được là một trong những vị trí hàng đầu trên thị trường thế giới về xuất khẩu nhiều ngành hàng như điện thoại di động, hàng điện tử, dệt may, nông sản, thủy sản…
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu tại phiên thảo luận với chủ đề “Cuộc gặp các nhà lãnh đạo về chương trình nghị sự hành động đại dương" trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2019. (Nguồn: TTXVN) |
Để thúc đẩy xuất khẩu, Chính phủ Việt Nam đã, đang và sẽ kiên trì thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có:
Thứ nhất, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ xuất khẩu.
Thứ hai, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó đa dạng hóa cơ cấu xuất khẩu, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng hàng xuất khẩu. (Năm 2018, Việt Nam có 29 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó các mặt hàng chế tạo, chế biến xuất khẩu giá trị cao như điện thoại thông minh, máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện. Tỷ trọng của nhóm hàng này trong xuất khẩu đã tăng từ 5% năm 2010 lên khoảng 35% năm 2018).
Thứ ba, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tranh thủ mạng lưới rộng mở về liên kết kinh tế quốc tế. Việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và thúc đẩy phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) trong năm 2019 đang tạo cơ hội để Việt Nam nâng cao khả năng tiếp cận các thị trường xuất khẩu, đồng thời giảm thiểu rủi ro từ những biến động bên ngoài.
Thứ tư, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành, giúp các doanh nghiệp giảm chi phí tuân thủ, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như hàng hóa Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đề nghị Thủ tướng cho biết liệu Việt Nam đã có kế hoạch nào để khởi động đàm phán thương mại song phương với Hoa Kỳ trong tương lai gần chưa? Thương mại với Hoa Kỳ có tầm quan trọng như thế nào đối với phát triển kinh tế của Việt Nam?
Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Quan hệ kinh tế - thương mại tiếp tục là điểm sáng trong hợp tác song phương. Tính đến hết tháng 11/2018, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt hơn 55 tỷ USD, trong đó xuất khẩu từ Hoa Kỳ sang Việt Nam tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm 2017. Hoa Kỳ hiện là một trong 10 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.
Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ năm 2001. Hiện tại, Việt Nam và Hoa Kỳ đang phát huy rất hiệu quả các cơ chế hợp tác sẵn có, nhất là Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA), để thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước, hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam cũng như các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác đầu tư, thương mại ở Hoa Kỳ.
Việt Nam đang chủ động, nỗ lực trong mở rộng hội nhập quốc tế với các đối tác, trong đó có Hoa Kỳ là đối tác quan trọng hàng đầu, chúng tôi sẵn sàng cùng trao đổi về các hình thức hợp tác phù hợp, mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Xin trân trọng cảm ơn Thủ tướng!
Thủ tướng bắt đầu hoạt động đối ngoại đa phương đầu tiên trong 2019 Khoảng 6h30 sáng nay, 23/1 (giờ địa phương, tức 12h30, giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến Sân bay quốc tế Zurich, Thụy ... |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên đường dự WEF Davos 2019 Tối nay 22/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội, lên đường tham ... |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chống trì trệ trong các cơ quan nhà nước Chiều 21/1, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ họp tổng kết năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019. Thủ tướng Nguyễn Xuân ... |