Ổn định cho người dân và sẵn sàng đón tiếp bạn bè quốc tế
Tại phiên thảo luận này, các nhà kinh tế, giới đầu tư và chuyên gia địa chính trị đặt câu hỏi, Việt Nam đã khẳng định mình thế nào trước các thách thức, cũng như mối đe dọa tiềm tàng luôn hiện hữu trong khu vực và trên thế giới? Thẳng thắn phân tích vấn đề, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, trong tình hình chung, Việt Nam cũng không nằm ngoài các thách thức truyền thống và phi truyền thống. Việt Nam là một trong các quốc gia chắc chắn bị ảnh hưởng lớn trước các thách thức đó. Đây là vấn đề thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, cũng như doanh nghiệp và người dân Việt Nam.
Lấy ví dụ thực tế, nếu không đầu tư nguồn lực thích đáng để đối phó với thách thức phi truyền thống là biến đổi khí hậu, chắc chắn sự phát triển lâu dài, bền vững của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. “Cũng như các nước khác, chúng tôi luôn chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó thích hợp với các thách thức truyền thống và phi truyền thống. Mục tiêu cuối cùng để Việt Nam có môi trường hòa bình, ổn định để người dân Việt Nam sống và tiếp đón bạn bè quốc tế”, Thứ trưởng khẳng định.
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời các câu hỏi về địa chính trị tại Hội nghị Kinh tế Đối ngoại 2016. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Chúng ta sống trong một thế giới toàn cầu hóa, có sự liên quan chặt chẽ về kinh tế, an ninh, chính trị. Sự gắn bó chặt chẽ thể hiện, nơi nào ổn định, môi trường hòa bình thì nơi đó đầu tư sẽ phát triển. "Chính vì thế, một trong những thành tựu được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao của chúng tôi đã nói đến trong phiên thảo luận trước: Trong 30 năm đổi mới, chúng tôi đã thực hiện đường lối đối ngoại đúng đắn, từ chỗ muốn làm bạn và sẵn sàng làm bạn với các nước, giờ đây, Việt Nam đã trở thành đối tác tin cậy với các quốc gia trên thế giới. Điều đó đã đưa Việt Nam trở thành một điểm đến an toàn, hiệu quả, không chỉ cho các nhà đầu tư, kinh doanh mà cho cả du khách từ khắp nơi trên thế giới" - Thứ trưởng nói.
Không phải là bất lợi
Như nhận định của các chuyên gia The Economist, các biến chuyển về địa chính trị không hẳn mang tác động xấu cho Việt Nam và các nước ASEAN khác, khi các cường quốc thế giới cố gắng để xây dựng tầm ảnh hưởng thông qua quan hệ kinh tế và đầu tư. Trả lời các đại biểu về mối quan hệ với các nước lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, Việt Nam có quan hệ tốt với cả hai cường quốc này.
Đối phó với các thách thức truyền thống và phi truyền thống là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm theo dõi tại Hội nghị Kinh tế Đối ngoại 2016. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, quan hệ giữa các quốc gia luôn tồn tại các vấn đề khác biệt, cần thông qua hợp tác để giải quyết các bất đồng. Việt Nam – Trung Quốc là quan hệ truyền thống, láng giềng gần gũi. Trong quá trình phát triển, tuy hai bên có những khác biệt, trong đó có tranh chấp chủ quyền, hay trong quan hệ kinh tế có vấn đề thâm hụt thương mại... Nhưng, trong bức tranh chung quan hệ Viêt Nam – Trung Quốc là hợp tác. Giữa hai bên hiện có tới 60 cơ chế hợp tác, trên nhiều lĩnh vực khác nhau từ kinh tế, giao lưu nhân dân, trao đổi quốc phòng – an ninh...
Việt Nam là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của ASEAN. Quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc thời gian qua có những bước phát triển. Trong khuôn khổ đó, những khác biệt giữa không chỉ Việt Nam với Trung Quốc, mà cả giữa các nước ASEAN với Trung Quốc cũng được giải quyết.
Các đại biểu trao đổi bên lề Hội nghị Kinh tế Đối ngoại 2016. (Ảnh: Tuấn Anh) |
“Cơ sở hợp tác giữa hai bên tương đối chặt chẽ, mức độ tin cậy lẫn nhau đủ để có thể trao đổi thẳng thắn các vấn đề khác biệt, thậm chí mâu thuẫn. Từ thực tế, tôi tin tưởng rằng, quan hệ giữa hai nước sẽ tiếp tục ổn định và phát triển trong thời gian tới”, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nói.
Trong mối quan hệ với Hoa Kỳ, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh mốc Việt Nam – Hoa Kỳ đã tiến tới xây dựng quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2013. Trong bức tranh chung về đối ngoại, Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược với 15 nước, quan hệ đối tác toàn diện với 10 nước. Trong đó có tất cả 5 nước là Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn trao đổi với các đại biểu bên lề Hội nghị Kinh tế Đối ngoại 2016. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Năm ngoái, Việt Nam – Hoa Kỳ đã cũng nhau kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ. Bắt đầu chỉ từ quan hệ hợp tác về vấn đề nhân đạo, nhưng trải qua 20 năm, mối quan hệ này đã phát triển trên mọi phương diện từ kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học kỹ thuật, giáo dục. Hoa Kỳ hiện không chỉ là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, trong xu hướng phát triển quan hệ chung, quan hệ quốc phòng cũng đang từng bước phát triển.
Đồng thời, các lĩnh vực hợp tác đã không ngừng được mở rộng, từ các vấn đề nhân đạo, tìm kiếm người mất tích, hợp tác rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, tẩy độc Dioxin… Mở rộng hơn nữa, hai bên đã hợp tác hỗ trợ lẫn nhau để Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, hợp tác trong an ninh phi truyền thống, cứu nạn, cứu hộ…
Với tầm nhìn đó, cùng đà phát triển chung của quan hệ, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn tin rằng, trong thời gian tới hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ tiếp tục có những bước phát triển mới.