Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ Thủ tướng các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu, lãnh đạo Ban thường trực Liên minh Kinh tế Á-Âu. |
Trong khuôn khổ cuộc gặp, các Nhà Lãnh đạo đã giới thiệu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại mỗi nước, những chính sách, ưu đãi sẽ dành cho nhau trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do và cùng thảo luận về các biện pháp triển khai Hiệp định sau khi được ký kết.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng được gặp Thủ tướng các nước thành viên Liên minh, coi đây không chỉ là cuộc tiếp xúc đơn thuần mà là cuộc gặp giữa những người bạn tin cậy, gắn bó, bởi giữa Việt Nam và các nước thành viên Liên minh có quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống từ hàng chục năm qua.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến từ Liên minh Kinh tế Á – Âu trong những lĩnh vực tiềm năng, như khai khoáng và chế biến khoáng sản, năng lượng, khai thác và chế biến dầu khí, chế tạo máy, hoá chất, du lịch. Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam mong muốn đẩy mạnh và mở rộng đầu tư sang các nước thành viên Liên minh trong các lĩnh vực có thế mạnh như công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến, khai thác dầu khí… và sẽ tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm thuộc các nhóm hàng ưu thế của Việt Nam như nông sản, thuỷ sản, hàng dệt, may, da giày và đồ gỗ, để đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng của Liên minh.
Thủ tướng các nước thành viên Liên minh đều bày tỏ mong muốn tăng cường và củng cố quan hệ với Việt Nam, qua đó mở rộng hợp tác với các nước ASEAN nói riêng và hướng đến khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói chung; tin tưởng rằng với vai trò và vị thế ngày càng được nâng cao ở khu vực, Việt Nam sẽ tiếp tục làm cầu nối hỗ trợ Liên minh Kinh tế Á – Âu kết nối hiệu quả với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Các vị đứng đầu chính phủ Liên minh cho biết trên cơ sở của mối quan hệ chính trị tốt đẹp, Lãnh đạo các nước luôn ủng hộ và khuyến khích doanh nghiệp nước mình mở rộng và củng cố quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu với Việt Nam, đặc biệt sau khi Hiệp định Thương mại tự do chính thức có hiệu lực, và tin tưởng rằng sẽ có nhiều nhà đầu tư từ Liên minh tìm đến thị trường Việt Nam.
Minh Nguyệt (từ Burabay, Kazahkstan)