📞

Việt Nam sở hữu 'bảo bối' nào khiến doanh nghiệp Nhật Bản chọn làm bến đỗ?

Việt An 17:36 | 22/09/2022
Đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội Nakajima Takeo nhận định, Việt Nam được giới kinh doanh Nhật Bản đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn thứ hai, sau Mỹ. Nhiều doanh nghiệp nước này đang có kế hoạch mở rộng hoạt động tại quốc gia Đông Nam Á.
Ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Hà Nội. (Nguồn: VGP News)

Nhận định trên được đưa ra Hội nghị có chủ đề “Vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, hợp tác để phát triển”, diễn ra ngày 17/9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính.

Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư Nhật Bản

Theo ông Nakajima Takeo, mặc dù đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản giảm trong nửa đầu năm 2022, nhưng trong số các đối tác đầu tư lớn nhất của Nhật Bản, Việt Nam đã có mức tăng ấn tượng vào năm 2021 với hơn 59% và hơn 45% trong năm 2022 này. Đây là con số cao nhất trong số các nước ASEAN.

Kết quả khảo sát của JETRO năm 2021 cho thấy, 55% số doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh và quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm giá trị gia tăng.

Một cuộc khảo sát khác của JETRO với hơn 1.700 công ty tại Nhật Bản cũng cho hay, Việt Nam chỉ đứng sau Mỹ về mức độ hấp dẫn đầu tư.

Trước đó, đầu tháng 5, trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo Thế giới & Việt Nam, Giám đốc điều hành JETRO Sasaki Nobuhiko cho biết, số lượng các công ty Nhật Bản tại Việt Nam đang tăng, với khoảng 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản hiện đang hoạt động tại Việt Nam.

Tổng vốn đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam là 64,5 tỷ USD, với 4.935 dự án. Giám đốc Sasaki Nobuhiko nhấn mạnh: “Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Nhật Bản và Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam”.

Tích cực hội nhập vào chuỗi sản xuất toàn cầu

Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Thống đốc Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) Hayashi Nobumitsu đã ca ngợi những nỗ lực của Việt Nam trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và gọi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư Nhật Bản, đồng thời thông báo về sự sẵn sàng hợp tác của ngân hàng với Việt Nam.

Theo Giám đốc Viện Hồ Chí Minh tại Đại học Tổng hợp quốc gia St.Petersburg GS. Vladimir Kolotov, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam là sự tăng trưởng năng động của nền kinh tế và khu vực tiêu dùng, chi phí lao động tương đối thấp, số lượng lớn dân số trong độ tuổi thanh niên, sự hình thành của tầng lớp trung lưu, sự chuyển đổi dần từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường, việc dỡ bỏ các rào cản đối với các nhà đầu tư nước ngoài và sự ổn định của hệ thống chính trị.

Sự ổn định của chế độ chính trị, tính minh bạch và khả năng dự đoán của môi trường đầu tư, việc mở cửa dần dần một số lĩnh vực của nền kinh tế cho sự gia nhập của vốn nước ngoài, hoàn thiện cơ sở pháp lý. Tất cả những điều này đều rất có lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Thêm vào đó, Việt Nam là một quốc gia trẻ, công dân trong độ tuổi từ 25 - 54 chiếm gần 45% dân số, 17,8% khác là người từ 15-24 tuổi. Mức tăng dân số vốn đang ở mức gần 100 triệu dân của Việt Nam là hơn 1 triệu người/năm. Việt Nam cũng gửi những sinh viên xuất sắc nhất sang học tập tại Nhật Bản, Mỹ, Australia, Nga và các nước khác.

Dây chuyền sản xuất thiết bị ly hợp điện từ cho máy in và các thiết bị chính xác khác của Nhà máy NMS (Nhật Bản) tại Hà Nam. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Đặc biệt, GS. Vladimir Kolotov nhận thấy: "Nhật Bản đã tiếp nhận hàng chục nghìn du học sinh và thực tập sinh kỹ thuật của Việt Nam. Trở về quê hương, họ trở thành những người dẫn dắt trải nghiệm Nhật Bản và thường xuyên đến làm việc tại các công ty Nhật Bản.

Ở Nhật Bản, chi phí lao động rất cao. Còn Việt Nam thì đang kết hợp thành công việc sử dụng kinh nghiệm kinh doanh của nước ngoài với tinh thần yêu nước lành mạnh, không có tư tưởng bài ngoại.

Việt Nam đang tích cực hội nhập vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Điều này được tạo điều kiện thuận lợi bởi sự hiện diện của các công ty đa quốc gia lớn trong nước, cụ thể là các đại gia ô tô Nhật Bản...”.

Theo GS. Vladimir Kolotov, đã xuất hiện một yếu tố quan trọng khác góp phần thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Mỹ đang thúc đẩy các doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc và đã có những ví dụ khi các tập đoàn lớn như Samsung, Intel, Apple và những công ty khác đã chọn Việt Nam vì những lý do trên.

Một ngôi sao đang lên

Giới quan sát quốc tế gọi Việt Nam là “ngôi sao đang lên” và không loại trừ khả năng Việt Nam sẽ vượt qua tốc độ tăng trưởng của một số nước châu Á trong tương lai, khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Việt Nam trung bình 5% GDP/năm, chỉ số cao nhất trong khu vực.

Việt Nam đã trở thành một trong số ít quốc gia duy trì được hoạt động kinh tế đối ngoại và động lực tăng trưởng tích cực ngay cả khi đối mặt với đại dịch toàn cầu và các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt.

Tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu hàng hóa 8 tháng đầu năm 2022 của Việt Nam đạt 497,64 tỷ USD, xuất khẩu tăng 17,3% và nhập khẩu tăng 13,6%. Sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu trong nước, đặc biệt là đối với dịch vụ, cũng đang thúc đẩy tăng trưởng.

Theo nhiều dự báo khác nhau, năm 2022, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể dao động từ 5,5-6,7%. Điều này cho thấy sự ổn định của mô hình phát triển Việt Nam.

(theo Sputnik)