📞

Việt Nam - Sri Lanka tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại

19:02 | 18/04/2017
Trong khi Sri Lanka là lựa chọn hoàn hảo thì Việt Nam là điểm đến tin cậy của doanh nghiệp hai nước. 

Điều đó đã được các đại biểu nhận định tại Diễn đàn đầu tư Việt Nam - Sri Lanka diễn ra tại Hà Nội, chiều 18/4, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ Sri Lanka Ranil Wickremesinghe và Phu nhân. Diễn đàn có sự tham gia của đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành và đông đảo doanh nghiệp hai nước.

Thiên đường đầu tư

Tại Diễn đàn, bà Hasanthi Urugodawatte Dissanayake, Đại sứ Sri Lanka tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam - Sri-Lanka có mối quan hệ truyền thống, là hai nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh. Chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Sri Lanka nhằm tăng cường hiểu biết, thúc đẩy hợp tác chặt chẽ, đặc biệt là đầu tư giữa hai nước.

Phát biểu tại Diễn đàn, vui mừng nhận thấy sự phát triển tốt đẹp của nền kinh tế và mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Sri Lanka trong thời gian qua, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe mong muốn thiết lập quan hệ kinh tế với nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là tại khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Khẳng định Việt Nam và Sri Lanka có mối quan hệ lâu bền, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe mong muốn hai nước cùng phát triển, góp phần vào sự thịnh vượng chung trong châu Á và trên thế giới.

Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe phát biển tại diễn đàn. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe cho rằng, để thúc đẩy hợp tác thương mại hai chiều từ gần 300 triệu USD lên 1 tỷ USD trong thời gian tới, hai bên cần nỗ lực nghiêm túc, tăng cường trao đổi thương mại và hàng hóa. Hàng hóa hai nước có thể cạnh tranh tại thị trường của nhau. Sri Lanka luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư tại thị trường trong nước. Doanh nghiệp Sri Lanka cũng muốn mở rộng thị trường tới nhiều nước trong ASEAN, tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.  Bên cạnh đó, Sri Lanka có nền kinh tế du lịch phát triển, vì vậy, Thủ tướng Sri Lanka mong muốn hai bên thúc đẩy hợp tác du lịch nhiều hơn, nhằm phục vụ du khách du lịch ở mọi tầng lớp.

Để hướng tới trở thành nền kinh tế dựa trên xuất khẩu, đảm bảo phúc lợi và đời sống của người dân, Thủ tướng Sri Lanka kêu gọi doanh nghiệp Việt đến đầu tư ở Ấn Độ Dương và Sri Lanka vì hai nước có nhiều điểm tương đồng. Thủ tướng Sri Lanka khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Sri Lanka trong lĩnh vực giao thông, công nghiệp, đóng tàu, logistics, ô tô... “Sri Lanka và Việt Nam có thể bổ trợ cho nhau, tăng cường hợp tác về kinh tế và thương mại. Đây là một lựa chọn hoàn hảo của các bạn, chúng tôi có thể cam kết điều này”, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe nói.

Nhân dịp này, đại diện một số Bộ, ngành của hai nước đã giới thiệu về những thế mạnh, tiềm năng hợp tác đầu tư giữa hai nước; những giải pháp thúc đẩy hợp tác; trao đổi về những lĩnh vực hợp tác cụ thể…

Điểm đến tin cậy

Đại diện phía Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, quy mô quan hệ kinh tế Việt Nam - Sri Lanka chưa xứng với quan hệ hai nước bởi chỉ chiếm 1/1000 trong quy mô xuất nhập khẩu của Việt Nam. Vì vậy, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, đạt được con số 1 tỷ USD kim ngạch thương mại trong thời gian tới là một mục tiêu khiêm tốn.

Ông Vũ Tiến Lộc phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Bên cạnh đó, Chủ tịch VCCI cũng đánh giá cao tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam – Sri Lanka. Theo ông, Sri Lanka có ba thế mạnh lớn, đó là người dân có trình độ tiếng Anh rất tốt, hệ thống pháp luật trong thương mại của châu Âu và cũng áp dụng các tiêu chuẩn của châu Âu. Đây là ba yếu tố vô cùng quan trọng để Sri Lanka hiện thực hóa mục tiêu của mình là trở thành trung tâm trung chuyển, cửa ngõ vào khu vực Ấn Độ Dương. "Các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ làm việc với các doanh nghiệp Sri Lanka trên tinh thần đó. Chúng ta hoàn toàn có thể làm ăn với nhau", ông Lộc nhấn mạnh.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam chính là cửa ngõ để Sri Lanka tới thị trường Đông Nam Á và Trung Quốc. Việt Nam là nước đang phát triển, có các hiệp định thương mại tự do với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới. Việt Nam cũng là một thị trường rất hấp dẫn với quy mô GDP hàng năm trên 200 tỷ USD, thuộc một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh thế giới, khoảng 6,5-6,7%. Việt Nam còn có dân số trẻ, đông, lực lượng lao động dồi dào với giá nhân công cạnh tranh.

Bên cạnh đó, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới và hướng tới trở thành môi trường kinh doanh thuận lợi thứ 3 trong ASEAN. Việt Nam cũng nỗ lực phát huy tinh thần khởi nghiệp và là một trong 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp cao nhất. Với những điều ấn tượng đó, theo ông Lộc, Việt Nam sẽ là các đối tác tiềm năng với các đối tác Sri Lanka.

Nhân dịp này, ông Lộc chia sẻ, nông nghiệp là lĩnh vực mà hai nước có thể hợp tác mạnh mẽ. Với điều kiện khí hậu thời tiết đa dạng, Việt Nam có một nền nông nghiệp mạnh. Các vị giáo sư nông nghiệp hàng đầu của thế giới đều đặt ra câu hỏi tại sao Việt Nam không trở thành “bếp ăn của thế giới”. "66% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ở Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh. Đây là chỉ số quan trọng cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường Việt Nam. Vì vậy, các bạn có thể an tâm đầu tư vào đất nước chúng tôi. Trong thế giới đầy biến động thì tình bạn, tình hữu nghị Việt Nam - Sri Lanka là "cái neo" quan trọng để chúng ta làm ăn với nhau", ông Lộc nhấn mạnh.