Từ quá khứ đến hiện tại
Ngay từ thế kỷ 16, nhiều nhà hàng hải và truyền đạo Tây Ban Nha đã đến Việt Nam và năm 1863 Vua Tự Đức đã gửi một Phái đoàn ngoại giao đến yết kiến Hoàng hậu TBN Isabel II tại Hoàng Cung ở Madrid. Tuy nhiên, mãi tới ngày 23/5/1977, hai nước mới chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao và từ tháng 12/2009 nhân chuyến thăm Tây Ban Nha của Chủ tịch nước ta, hai bên đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược hướng tới tương lai, đánh dấu bước tiến mới sâu sắc và toàn diện trong quan hệ song phương.
Việt Nam và Tây Ban Nha của năm 2018 đã thay đổi rất nhiều so với 41 năm trước. Năm 1977, Việt Nam vẫn đang từng bước cố gắng khôi phục và xây dựng lại sau nhiều năm chiến tranh, còn Tây Ban Nha mới thức dậy sau khi đắm chìm kéo dài dưới chế độ độc tài và phải đối diện với những hoài nghi về tương lai. Hướng đi đúng đắn, khả năng tái tạo, sự năng động và biết tận dụng môi trường quốc tế thuận lợi đã giúp cho hai dân tộc có sự phát triển thăng hoa, phồn thịnh trên nhiều lĩnh vực, nhất là về kinh tế và hội nhập quốc tế. Tây Ban Nha ngày nay là nước dân chủ, công nghiệp phát triển, nền kinh tế thứ 4 trong EU và thứ 12 -13 trên thế giới, có nền văn hóa đặc sắc và là cường quốc du lịch, đón khoảng 80 triệu khách quốc tế năm 2017…
Nhà Vua Tây Ban Nha Felipe VI (trái) tiếp Đại sứ Ngô Tiến Dũng sau Lễ trình Thư ủy nhiệm tại Thủ đô Madrid, tháng 1/2017. (Nguồn: ĐSQ) |
Trong hơn 40 năm qua, nhân dân hai nước đã chứng kiến nhiều bước phát triển mạnh mẽ và quan trọng. Lãnh đạo cấp cao hai nước đã tiến hành các chuyến viếng thăm lẫn nhau, nổi bật là chuyến thăm Việt Nam của Nhà Vua Tây Ban Nha Juan Carlos và Hoàng hậu năm 2006 và chuyến thăm Tây Ban Nha của Thủ tướng Phan Văn Khải năm 2001 và Chủ tịch Nguyễn Minh Triết năm 2009. Hai bên đã ký Hiệp định khung hợp tác và nhiều thỏa thuận hợp tác trong hầu hết các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục và quốc phòng…
Việt Nam là đối tác thương mại chính của Tây Ban Nha trong các nước ASEAN. Trao đổi thương mại hai chiều 10 năm qua tăng bình quân khoảng 15%/năm, đạt hơn 3 tỉ USD năm 2017. Hai bên đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại lên 5 tỷ USD vào năm 2020. Tây Ban Nha ưu tiên quan hệ với Việt Nam và dành hơn 300 triệu USD vốn ODA cho các dự án hợp tác song và đa phương trong hơn 10 năm qua. Hiện nay, bạn vẫn tiếp tục dành khoảng 350 triệu USD cho các dự án phát triển hạ tầng tại Việt Nam, như dự án đường Metro số 5 tại TP. Hồ Chí Minh...
Đến nay, FDI của Tây Ban Nha vào Việt Nam đứng thứ 14/19 nước EU và đứng thứ 57/101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Tuy lĩnh vực này hiện còn hạn chế về số lượng dự án nhưng có triển vọng lớn về tiềm năng vốn và chất lượng. Trong đó, phải kể đến đầu tư của REPSOL, một tập đoàn hàng đầu thế giới về lĩnh vực năng lượng. Việc mở nhà máy sản xuất linh kiện điện tử áp dụng công nghệ cao của Tập đoàn PREMO tại Đà Nẵng, hay tư vấn xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai của GETINSA, là những minh chứng cho khẳng định trên.
Mối quan tâm của các nhà đầu tư Tây Ban Nha vào Việt Nam ngày càng tăng. Những kinh nghiệm của họ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, du lịch, công nghệ cao, xây dựng và kiến trúc sẽ là những đóng góp quý báu cho Việt Nam. Việc cải cách khung pháp lý và thông qua Hiệp định tự do thương mại với EU vào cuối năm 2018 chắc chắn sẽ củng cố niềm tin của các công ty Tây Ban Nha đối với thị trường Việt Nam.
Sự thu hút của Tây Ban Nha với Việt Nam và ngược lại, không còn bó hẹp trong chỉ lĩnh vực kinh tế. Lượng khách du lịch Tây Ban Nha đến Việt Nam tăng hàng năm cho thấy sự hấp dẫn từ Việt Nam của các yếu tố lịch sử, văn hóa, ẩm thực… đối với người dân Tây Ban Nha. Năm 2017, Việt Nam đã đón gần 70 nghìn lượt khách du lịch Tây Ban Nha và du khách Việt Nam cũng bắt đầu lựa chọn “xứ sở bò tót” là điểm đến yêu thích.
Thanh niên Việt Nam đang có nhiều cơ hội học tập tại Tây Ban Nha khi hệ thống đại học ở đây đào tạo bằng hai ngoại ngữ: tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh. Hiện có khoảng 600 sinh viên Việt Nam theo học tại Tây Ban Nha với nhu cầu ngày một tăng. Bởi vậy, giáo dục cũng là lĩnh vực mà hai nước đặt trọng tâm phát triển để bảo đảm tất cả sinh viên được đào tạo trong môi trường giáo dục chất lượng cao nhất, góp phần nhân rộng cơ hội cho tương lai của các sinh viên trẻ.
Về hợp tác đa phương, hai nước luôn ủng hộ lẫn nhau, phối hợp lập trường của nhau trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Trên cơ sở, đó hai bên đã tái khẳng định mong muốn thúc đẩy, đưa hợp tác tại các diễn đàn kinh tế, đa phương, nhất là ở Liên hợp quốc, tại ASEM, ASEAN - EU… lên một tầm cao mới.
Và những bước phát triển mới
Tháng 5/2017, nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã thăm chính thức Tây Ban Nha. Nhà Vua và các lãnh đạo cấp cao Tây Ban Nha tái khẳng định coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam. Hai bên ký hai văn kiện quan trọng là Chương trình tài chính lần thứ 5, mở đường cho các dự án hợp tác tới năm 2020 và Thỏa thuận về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, chuẩn bị cho sự ra đời của Ủy ban liên Chính phủ, củng cố khuôn khổ pháp lý cho hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên là hạ tầng, năng lượng tái tạo, môi trường, nông nghiệp công nghệ cao…
Có thể nói, về tổng thể, mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Tây Ban Nha ngày càng phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Tuy nhiên, quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư cũng như văn hóa - giáo dục, quốc phòng… giữa hai nước còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của hai nước. Mặt khác, nhiều cơ chế hợp tác giữa hai bên cũng chưa phù hợp, cần phải tiếp tục được hoàn thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho hai nước giao lưu phát triển kinh tế - thương mại. Bên cạnh đó, ngoài những yếu tố khách quan, như tình hình khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, tác động của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, yếu tố chủ quan như thiếu hụt thông tin chuyên sâu về thị trường, sự cách trở về địa lý, sự khác biệt về văn hóa… cũng khiến mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai bên chưa đạt được những bước tiến như mong muốn.
Nhìn lại quan hệ Việt Nam - Tây Ban Nha hơn 41 năm qua có thể thấy, với sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, với nhu cầu hợp tác để cùng phát triển trong bối cảnh tiến trình hội nhập đầy năng động, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện song phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển hơn nữa trong tương lai.
Một là, hợp tác Việt Nam - Tây Ban Nha phù hợp với bối cảnh quốc tế và tình hình mới của thế giới, với xu thế toàn cầu hóa và xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là xu hướng chuyển dịch kinh tế sang phía Đông cùng với sự phát triển năng động của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hai là, Tây Ban Nha có thể chia sẻ những kinh nghiệm phát triển hàng trăm năm với Việt Nam, nước đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Ba là, hai nước đều có chung lợi ích trong các tổ chức quốc tế và khu vực, như LHQ, WTO, ASEM, ASEAN - EU, IPU...
Bốn là, Tây Ban Nha đang tập trung tạo nhiều cơ hội kinh doanh hơn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương thông qua việc củng cố và mở rộng thêm nhiều mối quan hệ với các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore…; bước phát triển trong quan hệ thương mại và đầu tư sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên cũng như đóng góp vào hòa bình và ổn định khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Năm là, cộng đồng và Đại sứ quán Việt Nam ở Tây Ban Nha là cầu nối góp phần thúc đẩy việc mở rộng và phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước.
Năm 2019, Việt Nam và Tây Ban Nha sẽ hướng tới kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược hướng tới tương lai. Do đó, chỉ có việc tiếp tục mở rộng quan hệ, tăng cường tiếp xúc, trao đổi ở các cấp, các ngành và doanh nghiệp hai nước sẽ là những hướng đi thiết thực, hiệu quả để tận dụng và phát huy hơn nữa cơ hội và tiềm năng hợp tác to lớn, nhiều mặt mà hai bên có thể huy động và bổ sung cho nhau, góp phần vào sự phát triển và lợi ích chung của hai dân tộc, như mong muốn của lãnh đạo và nhân dân hai nước.
Ngô Tiến Dũng
Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Tây Ban Nha