Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác José Manuel García-Margallo. (Ảnh: Minh Châu) |
Ông đánh giá như thế nào về quan hệ Việt Nam - Tây Ban Nha trong gần bốn thập kỷ qua, đặc biệt là từ khi hai nước quyết định nâng tầm quan hệ trở thành Đối tác chiến lược vào năm 2009?
Trước tiên, cho phép tôi được gửi lời cám ơn tới Chính phủ Việt Nam và đặc biệt tới Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã mời tôi thăm đất nước các bạn.
Tôi nghĩ có rất nhiều lý do để lạc quan về mối quan hệ giữa hai nước chúng ta. Mối quan hệ song phương bắt đầu bằng việc thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1977, được tăng cường khi mở Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Việt Nam năm 1997 và đã tìm được khuôn khổ phù hợp khi trở thành Đối tác chiến lược vào năm 2009.
Quan hệ chính trị luôn thân thiện và hai nước có nhiều chuyến thăm cấp cao nhất: Nhà Vua và Hoàng Hậu Tây Ban Nha thăm Việt Nam năm 2006 và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm Tây Ban Nha năm 2009.
Mặt khác, thương mại song phương tăng trưởng hàng năm, với giá trị vượt con số 2.100 triệu Euro trong năm 2013 và lượng khách du lịch giữa hai nước cũng tăng (hơn 33.000 khách Tây Ban Nha đã thăm Việt Nam trong năm qua). Đặc biệt, phải kể đến nỗ lực của Tây Ban Nha trong hợp tác phát triển, không chỉ về phương diện vật chất (trao tặng gần 250 triệu Euro trong vòng 16 năm qua) mà còn cả về chất lượng, khi nhiều chương trình về xóa đói - giảm nghèo, về giới và về môi trường bền vững đã đạt hiệu quả cao nhờ vào công tác chuẩn bị tốt từ cả hai phía Tây Ban Nha và Việt Nam.
Theo Bộ trưởng, trong thời gian tới, Việt Nam và Tây Ban Nha nên tập trung hợp tác trên những lĩnh vực chủ yếu nào?
Có thể, lĩnh vực chưa được đẩy mạnh trong phát triển mối quan hệ Đối tác chiến lược của chúng ta là đầu tư, vì mức độ của những hợp tác đầu tư hiện tại chưa phù hợp với năng lực của Tây Ban Nha và các doanh nghiệp Tây Ban Nha trên chính trường quốc tế, cũng như với tiềm năng to lớn của thị trường Việt Nam. Để có thể xử lý yếu điểm này, chúng ta cần phải xúc tiến nhiều hơn nữa các cơ hội đối thoại và gặp gỡ giữa các đơn vị kinh tế của hai nước. Đi cùng tôi trong chuyến thăm này còn có một đoàn các doanh nghiệp quan trọng của Tây Ban Nha, nhằm củng cố và tăng cường mối quan hệ Đối tác chiến lược. Tại Hà Nội, tôi cùng với đoàn doanh nghiệp tháp tùng sẽ có buổi làm việc với Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và tọa đàm với các doanh nghiệp Việt Nam.
Dự định của tôi qua cả hai buổi làm việc là giới thiệu thế mạnh của doanh nghiệp Tây Ban Nha (đặc biệt là các lĩnh vực như xây dựng, năng lượng tái tạo, công nghệ…) và tìm hiểu thông tin hữu ích về các lĩnh vực mà Việt Nam đang chú trọng phát triển để có thể tìm ra cách thức các doanh nghiệp của chúng tôi có thể đóng góp cho Việt Nam trong những năm tới.
Việt Nam và Tây Ban Nha đều là thành viên của ASEM và nhiều tổ chức đa phương khác. Ông nhận xét như thế nào về sự hợp tác giữa hai nước trong các khuôn khổ đa phương?
Hợp tác của chúng ta trên phương diện này vẫn luôn tích cực và tốt đẹp, vì hai nước cùng chia sẻ các mối quan tâm và mục đích chung như những thách thức lớn để hội nhập khu vực. Bởi vậy, cả hai đều ủng hộ tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, hòa bình và an ninh quốc tế, chủ quyền bình đẳng của các quốc gia và giải quyết các tranh chấp theo hướng hòa bình. Các nguyên tắc chung này đã khuyến khích chúng tôi tin rằng Chính phủ Việt Nam ủng hộ ứng cử của Tây Ban Nha vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2015-2016, giống như Tây Ban Nha sẽ ủng hộ của Việt Nam ứng cử vào trọng trách trên trong nhiệm kỳ 2020-2021. Tây Ban Nha vẫn luôn ủng hộ Việt Nam ứng cử làm thành viên vào các diễn đàn đa phương, mà mới đây nhất là lựa chọn Việt Nam vào làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền.
Việc Cộng đồng ASEAN ra đời vào năm 2015 tới đây sẽ có tác động như thế nào đối với quan hệ hai nước và quan hệ giữa ASEAN với EU?
Tôi nghĩ rằng đó sẽ là một đóng góp tích cực được củng cố theo thời gian, cho đến khi Cộng đồng ASEAN có những tiến triển và hợp nhất được cơ cấu như EU đã tiên phong gần 60 năm trước. Sau khi đã hoàn thiện bộ máy, Cộng đồng ASEAN nên hợp tác hơn nữa với EU trên tất cả các phương diện, đặc biệt trong việc thúc đẩy tự do hóa thương mại giữa hai khu vực.
Tây Ban Nha sẽ có những chính sách như thế nào trong phát triển cộng đồng ngôn ngữ và văn hóa Tây Ban Nha tại Việt Nam, thưa Bộ trưởng?
Hiện tại, chúng tôi đang có một giáo viên tiếng Tây Ban Nha tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh và chúng tôi tích cực hỗ trợ cho các hoạt động của Khoa tiếng Tây Ban Nha (Đại học Hà Nội). Chúng tôi hy vọng rằng trong những năm tới có thể tăng số lượng giáo viên và thêm ngân sách dành cho các hoạt động văn hóa, bởi các hoạt động này luôn được công chúng Việt Nam nhiệt liệt hưởng ứng.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
- Việt Nam và Tây Ban Nha thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/5/1977. Tháng 11/1997, Tây Ban Nha mở Đại sứ quán tại Việt Nam và Việt Nam mở Đại sứ quán tại Tây Ban Nha vào tháng 6/2002. - Trong chuyến thăm Tây Ban Nha của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tháng 12/2009, hai bên đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược hướng tới tương lai, khẳng định quyết tâm đẩy mạnh quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trong thời gian tới. - Tháng 1/2014: Tây Ban Nha chính thức phê chuẩn Hiệp định Hợp tác và Đối tác toàn diện (PCA) giữa Việt Nam và EU. |
Khánh Nguyễn (thực hiện)