📞

Việt Nam-Thái Lan: Xem xét, hạn chế áp dụng các rào cản thương mại đối với hàng hóa của nhau

Minh Nhật 18:20 | 13/06/2023
Thực hiện thỏa thuận giữa hai Bộ Ngoại giao, ngày 13/6, tại Hà Nội, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt và Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Sarun Charoensuwan đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 9 Tham khảo Chính trị Việt Nam-Thái Lan.
Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt và Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Sarun Charoensuwan. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đánh giá cao ý nghĩa quan trọng của cơ chế Tham khảo Chính trị trong việc rà soát, thúc đẩy triển khai các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao; tăng cường hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao và trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Tham khảo Chính trị lần này cũng là hoạt động có ý nghĩa thiết thực kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước.

Hai bên đánh giá hợp tác chính trị - ngoại giao, an ninh, quốc phòng tiếp tục là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương; tái khẳng định cam kết không cho phép bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào sử dụng lãnh thổ nước này để chống lại nước kia.

Hai Thứ trưởng nhất trí tăng cường hợp tác giữa các đơn vị chức năng của Bộ Ngoại giao hai nước; phối hợp chặt chẽ thúc đẩy triển khai hiệu quả Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường giai đoạn 2022-2027, trong đó có các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, các cơ chế hợp tác song phương; thúc đẩy ký kết văn kiện quan trọng trên các lĩnh vực, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường giữa hai nước.

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt và Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Sarun Charoensuwan đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 9 Tham khảo Chính trị Việt Nam-Thái Lan. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Hai bên đánh giá cao hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư tiếp tục phát triển mạnh mẽ; nhất trí phối hợp thúc đẩy triển khai hiệu quả chiến lược “Ba kết nối” (kết nối chuỗi cung ứng; kết nối các ngành kinh tế, doanh nghiệp, địa phương; kết nối các chiến lược tăng trưởng xanh, bền vững giữa hai nước), góp phần đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt mục tiêu 25 tỷ USD.

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đề nghị hai bên tận dụng hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương để trao đổi các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi và mở cửa hơn nữa thị trường hàng hóa.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị Thái Lan xem xét hạn chế áp dụng các rào cản thương mại, giúp giảm nhập siêu cho Việt Nam, tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực hai bên có thế mạnh và tiềm năng như du lịch, năng lượng tái tạo, chế biến thực phẩm, nông nghiệp thông minh, cơ sở hạ tầng… đồng thời, mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới kinh tế số, kinh tế xanh, công nghệ cao…

Hai bên nhất trí cần thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng khác như nông nghiệp, giao thông vận tải, hợp tác biển, du lịch, văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân, hợp tác kết nghĩa giữa các địa phương…

Thứ trưởng Thường trực Sarun Charoensuwan khẳng định, Việt Nam là đối tác chiến lược quan trọng của Thái Lan trong khu vực; chính sách đối ngoại nhất quán của Thái Lan là luôn mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực với Việt Nam.

Nhất trí hai bên cần xem xét, hạn chế áp dụng các rào cản thương mại đối với hàng hóa của nhau; Thứ trưởng Thường trực Sarun Charoensuwan cho biết, hầu hết các doanh nghiệp hàng đầu của Thái Lan đang đầu tư hiệu quả tại Việt Nam; nhiều doanh nghiệp mong muốn mở rộng đầu tư, mong được Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan cũng đánh giá cao vai trò và đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội của cộng đồng người Việt tại Thái Lan, khẳng định cộng đồng là cầu nối quan trọng tăng cường hiểu biết và quan hệ hai nước.

Trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực cùng quan tâm, hai bên nhất trí rằng, việc gia tăng tin cậy và quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường Việt Nam và Thái Lan trên cả bình diện song phương cũng như tại các cơ chế quốc tế và khu vực, đặc biệt là tại Liên hợp quốc, ASEAN, hợp tác Tiểu vùng Mekong sẽ giúp hai nước cùng ứng phó hiệu quả hơn với các thách thức, hướng tới phát triển bền vững, góp phần mang lại hòa bình, ổn định trong khu vực.

Hai bên khẳng định mong muốn xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển; cùng các nước ASEAN thực hiện nghiêm túc, đầy đủ DOC, phấn đấu sớm đạt COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.