Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh (hàng sau, thứ tư, từ trái sang) và các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh chung. (Nguồn: TTXVN) |
Các Bộ trưởng nhấn mạnh thương mại vẫn là một công cụ hiệu quả trong việc taọ việc làm và thu nhập, thúc đẩy năng suất và công nghệ cũng như tăng trưởng bền vững và bao trùm. Là khu vực chiếm 47,4% dân số toàn cầu, 29,1% thương mại cũng như 32,5% dòng đầu tư toàn cầu, khu vực RCEP chiếm vai trò to lớn trong thương mại khu vực, ủng hộ hệ thống thương mại mở, bao trùm và dựa trên nguyên tắc.
Các Bộ trưởng hoan nghênh nỗ lực của các trưởng đoàn đàm phán, nhất là trong ba phiên đàm phán gần đây, nhằm thu hẹp khoảng cách đàm phán về mở cửa thị trường cũng như đàm phán trong lĩnh vực quy tắc. Các Bộ trưởng cũng hoan nghênh việc kết thúc đàm phán các Phụ lục Dịch vụ viễn thông, Dịch vụ Tài chính và Dịch vụ Chuyên môn, cũng như ghi nhận tiến độ đàm phán tích cực trong các vấn đề còn tồn tại.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh dẫn đầu đoàn Việt Nam gồm đại diện các Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông tham dự hội nghị lần này. Việt Nam đã đóng góp tích cực vào việc đưa ra các giải pháp thực tiễn để tháo gỡ những vướng mắc tồn tại trong đàm phán, thúc đẩy việc hoàn thành mục tiêu kết thúc đàm phán Hiệp định RCEP vào cuối năm nay. Để đạt được mục tiêu trên, hội nghị đã nhất trí kết thúc 100% đàm phán mở cửa thị trường và toàn bộ các vấn đề quan trọng nhất của phần lời văn Hiệp định vào cuối năm 2019, đồng thời tăng cường nỗ lực để hướng đến việc ký kết Hiệp định RCEP trong năm 2020 tại Việt Nam khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN.
Bên lề hội nghị, đoàn Việt Nam đã có các buổi tiếp xúc song phương với các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia nhằm trao đổi hướng xử lý các vấn đề còn vướng trong đàm phán Hiệp định RCEP cũng như thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương.
RCEP là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực, bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và sáu quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do. Hiệp định này từng được kỳ vọng sẽ hoàn tất việc ký kết trước năm 2015, hướng tới mục tiêu hình thành Hiệp định Thương mại tự do Đông Á (EAFTA) và khởi đầu cho Đối tác Kinh tế toàn diện Đông Á (CEPEA).
Đến nay đàm phán đã bước sang năm thứ 6 và trải qua 25 vòng thương thảo. Tuy nhiên, các thành viên vẫn chưa thể hoàn tất về số lượng hàng hóa được xóa bỏ thuế quan. Ngoài ra, vẫn còn một số vấn đề tồn tại trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, giữa lúc Ấn Độ đang mong muốn các nước linh hoạt hơn để thúc đẩy lĩnh vực này. Nếu được ký kết, hiệp định này dự kiến sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với khoảng 3,5 tỷ dân và chiếm 30% tổng GDP toàn cầu.