Hội nghị thường niên lần thứ 60 của Tổ chức Tham vấn pháp luật Á-Phi. (Nguồn: BNG) |
Đến dự khai mạc Hội nghị có đại diện 47 nước thành viên AALCO, 14 nước và tổ chức quốc tế là quan sát viên, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ.
Tại phiên họp toàn thể, các quốc gia đều khẳng định tôn trọng và đề cao các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được ghi nhận tại Hiến chương Liên hợp quốc, coi đây là nền tảng để xử lý các thách thức mới phát sinh và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, trật tự thế giới dựa trên luật lệ, đồng thời đánh giá cao nỗ lực của AALCO trong việc duy trì diễn đàn, tạo điều kiện để các quốc gia Á-Phi phát biểu, thảo luận sâu sát về các vấn đề pháp lý quốc tế, theo tinh thần của Hội nghị Bandung năm 1955.
Phát biểu tại phiên họp toàn thể, Đại sứ Nguyễn Thanh Hải khẳng định tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương với vai trò trung tâm của Liên hợp quốc, cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế đã được các quốc gia ghi nhận tại Hiến chương Liên hợp quốc, trong việc giải quyết các vấn đề, thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống hiện nay trên toàn thế giới, như xung đột vũ trang, dịch bệnh, biến đổi khí hậu…
Đại sứ Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh Việt Nam đề cao trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế, các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế được ghi nhận tại Hiến chương Liên hợp quốc, như bình đẳng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, đồng thời Việt Nam không ngừng phấn đấu trở thành thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đóng góp ngày càng tích cực, có thực chất vào tiến trình pháp điển hóa, phát triển tiến bộ luật quốc tế.
Đại sứ Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại phiên họp toàn thể. (Nguồn: BNG) |
Nhân kỷ niệm 40 năm ra đời Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc (UNCLOS), Đại sứ Nguyễn Thanh Hải tái khẳng định giá trị toàn vẹn của UNCLOS như “hiến pháp về biển và đại dương” và vai trò của UNCLOS trong giải quyết các tranh chấp về biển, kêu gọi các quốc gia thực thi đầy đủ, hiệu quả văn kiện pháp lý quan trọng này.
Trong 2 ngày tới, Hội nghị sẽ tiếp tục các phiên thảo luận 5 chủ đề pháp lý quốc tế được quan tâm hàng đầu hiện nay, bao gồm: các chủ đề trong chương trình nghị sự của Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc (ILC); quy chế và đối xử với người tị nạn; vi phạm luật quốc tế tại Palestine và các lãnh thổ do Israel chiếm đóng, và các vấn đề pháp lý quốc tế khác liên quan đến Palestine; môi trường và phát triển bền vững; luật Thương mại và Đầu tư quốc tế.
Các nội dung này sẽ được các nước thành viên, các nước quan sát viên, các chuyên gia và học giả trao đổi, đề xuất các nhằm đưa các khuyến nghị cụ thể để đóng góp thiết thực vào việc phát triển và pháp điển hóa luật quốc tế trong nhiều nội dung đang được thảo luận tại các ủy ban liên quan của Liên hợp quốc.
Tổ chức Tham vấn pháp luật Á-Phi (AALCO) được thành lập năm 1956 tại Bandung, Indonesia với tên gọi ban đầu là Hội đồng tham vấn pháp luật châu Á. Tổ chức này chính thức được đổi tên năm 2001, với sự tham gia của các quốc gia châu Phi. Hiện AALCO gồm 47 thành viên và một số quan sát viên (gồm các quốc gia như Đức, Australia, New Zealand… và một số tổ chức quốc tế). Sau thời gian làm quan sát viên, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của AALCO năm 2017. Hội nghị thứ 59 của AALCO được tổ chức tại Hong Kong (Trung Quốc) sau một năm gián đoạn vì dịch bệnh Covid-19 theo hình thức hỗn hợp; Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn là Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị này. |