📞

Việt Nam tham gia bỏ phiếu bầu thẩm phán Tòa án quốc tế tại Đại hội đồng LHQ và Hội đồng Bảo an

Chu Văn 08:35 | 12/11/2020
TGVN. Chiều ngày 11/11, Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) đã đồng thời tổ chức bỏ phiếu kín để bầu 5 thẩm phán Tòa án quốc tế nhiệm kỳ 2021-2030.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ đã trực tiếp bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an.

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ đã trực tiếp bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an và Đại sứ Phạm Hải Anh, Phó Trưởng Phái đoàn, đã bỏ phiếu tại Đại hội đồng.

Đây là lần thứ hai Việt Nam tham gia bầu các thẩm phán Tòa án quốc tế trên cương vị ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an và thành viên LHQ. Năm 2008, Việt Nam cũng đã từng tham gia bỏ phiếu tại cuộc bầu cử tương tự ngày 6/11/2008.

Theo quy định, cuộc bầu cử này được tiến hành song song tại Đại hội đồng LHQ và Đại hội đồng LHQ. Bầu cử sẽ chỉ kết thúc khi có đúng 5 ứng cử viên, không hơn không kém, đạt đủ số phiếu tuyệt đối tại cả hai cơ quan này. Số phiếu tối thiểu cần có ở Hội đồng Bảo an là 8 và ở Đại hội đồng Liên hợp quốc là 97.

Sau vòng bỏ phiếu đầu tiên, chưa có ứng cử viên trúng cử do tại Đại hội đồng LHQ có nhiều hơn 5 ứng cử viên đạt số phiếu tối thiểu. Cụ thể, có 6 ứng cử viên đạt từ 97 phiếu trở lên là ông Yuri Iwasawa (người Nhật) được 161 phiếu, ông Georg Nolte (Đức) được 150 phiếu, bà Xue Hanqin (Trung Quốc) được 144 phiếu, ông Peter Tomka (Slovakia) được 141 phiếu, bà Julia Sebutine (Uganda) được 124 phiếu và ông Emmanuel Ugirashebuja (Rwanda) được 97 phiếu. Hai ứng cử viên khác vẫn sẽ tham gia vòng bỏ phiếu tiếp theo dù không đạt số phiếu tối thiểu là bà Sersic Maja (Croatia) với 71 phiếu và ông Taoheed Olufemi Elias (Nigeria) với 56 phiếu.

Tại Hội đồng Bảo an, có 5 ứng cử viên đạt số phiếu tối thiểu song chưa được công bố do phải chờ công bố kết quả đồng thời với Đại hội đồng LHQ.

Dự kiến ngày 12/11, Đại hội đồng LHQ sẽ tiếp tục tiến hành các vòng bỏ phiếu tiếp theo đối với cả 8 ứng cử viên nêu trên.

Tương tự các cuộc bầu cử trong các tháng vừa qua, việc bỏ phiếu đã diễn ra trong các quy định nghiêm ngặt nhằm bảo vệ sức khỏe của các đại biểu. Mỗi nước chỉ cử 1 đại diện đến bỏ phiếu, các đại diện được yêu cầu tuân thủ quy định giãn cách xã hội, đeo khẩu trang tại phòng họp và rời khỏi phòng họp ngay sau khi bỏ phiếu.

Tòa án quốc tế là một trong 6 cơ quan chính của LHQ và là cơ quan xét xử cao nhất, có chức năng xét xử tranh chấp giữa các quốc gia trên tất cả các lĩnh vực pháp lý quốc tế và cung cấp ý kiến tư vấn về một vấn đề pháp lý cho Đại hội đồng Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an và một số cơ quan chuyên môn của LHQ, tổ chức quốc tế. Tòa án quốc tế gồm 15 thẩm phán, có nhiệm kỳ 9 năm và hoạt động trên tư cách cá nhân.

Thẩm phán của Tòa án quốc tế phải đáp ứng các tiêu chí về đạo đức, trình độ tư pháp cao tại quốc gia mình hoặc được thừa nhận rộng rãi trên quốc tế. Ứng cử viên vào vị trí thẩm phán do các nhóm quốc gia tại Tòa trọng tài thường trực (PCA) đề cử. Ví dụ, ứng cử viên của Nhật Bản được 40 nhóm quốc gia đề cử, ứng cử viên của Đức được 34 nhóm quốc gia, ứng cử viên của Trung Quốc được 27 nhóm quốc gia, ứng cử viên của Slovakia được 20 nhóm quốc gia đề cử.

Quá trình bầu cử thẩm phán Tòa án quốc tế diễn ra song song tại Đại hội đồng LHQ và Hội đồng Bảo an. Theo Quy chế của Tòa án quốc tế, để trúng cử, ứng cử viên phải đạt đa số phiếu tuyệt đối tại cả hai cơ quan, tức là tối thiểu 97 phiếu tại Đại hội đồng và 8 phiếu tại Hội đồng Bảo an.

Trường hợp có nhiều hơn hoặc ít hơn 5 ứng cử viên đạt đa số phiếu tuyệt đối, Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng LHQ sẽ tiến hành bỏ phiếu lại cho đến khi có đúng đủ 5 ứng cử viên.

Thực tiễn, tại hai cuộc bầu cử Tòa án quốc tế gần đây vào năm 2014 và năm 2017, Đại hội đồng LHQ và Hội đồng Bảo an phải tổ chức rất nhiều vòng do có nhiều hơn hoặc ít hơn 5 ứng cử viên đạt đa số phiếu tuyệt đối hoặc do kết quả bầu cử tại Đại hội đồng LHQ và Hội đồng Bảo an khác nhau.

(theo Phái đoàn Việt Nam tại LHQ)