Phát biểu tại lễ khánh thành, điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, bà Pratibha Mehta cho biết: “Trong những năm tới Ngôi nhà Xanh sẽ giúp Liên hợp quốc thống nhất hành động và Hành động Xanh. Nỗ lực để đạt được kết quả phát triển một cách nhất quán hơn, tiết kiệm chi phí và thân thiện với môi trường hơn”.
Việt Nam là một trong số 8 quốc gia đầu tiên thực hiện sáng kiến Một Liên hợp quốc và Ngôi nhà chung LHQ. Chia sẻ niềm vui cùng với Việt Nam, ông Ban Ki – moon nói: “Chúng ta đã có được ngôi nhà thân thiện với môi trường và sinh thái nhất trong khu vực. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi năm 2015 là thời điểm quan trọng mà LHQ đưa ra mục tiêu phát triển bền vững cho 15 năm tới”.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon. |
Theo ông, với việc khánh thành Ngôi nhà chung, Việt Nam đã chứng minh vai trò tiên phong của mình trong thực hiện sáng kiến Một Liên hợp quốc. Ngôi nhà sẽ sử dụng điện năng từ năng lượng mặt trời, tiết kiệm lượng nước sử dụng và có những thiết kế sinh thái sử dụng năng lượng hiệu quả. Trong 5 năm , Ngôi nhà chung LHQ sẽ là hình mẫu về cắt giảm sử dụng nước, giảm phát thải carbon và đến năm 2020 sẽ là ngôi nhà trung hòa carbon.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. |
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng đây là một sự kiện lịch sử khi lần đầu tiên tất cả các cơ quan của LHQ tại Việt Nam có một ngôi nhà chung. Đồng thời, Ngôi nhà chung thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam khi thamg gia đóng góp vào các hoạt động của LHQ. Ngôi nhà chung được xây dựng trên nền tảng quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và LHQ trong bốn thập kỷ”.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại lễ khánh thành Ngôi nhà Xanh một Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam. |
Cùng ngày, tại cuộc gặp gỡ với báo chí, ông Ban Ki-moon chia sẻ những thách thức mà Việt Nam đang gặp phải trong quá trình phát triển và hội nhập, trong đó có vấn đề Biển Đông. Thay mặt LHQ, ông hối thúc chính phủ Việt Nam và lãnh đạo các nước trong khu vực, nhất là các quốc gia ASEAN thảo luận các vấn đề liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông một cách hòa bình và thông qua đối thoại. Ông mong muốn các bên sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) và khẳng định LHQ luôn theo dõi sát sao những diễn biến liên quan tới Biển Đông.
Sau những hoạt động diễn ra tại 304, Kim Mã, ông Ban Ki-moon đã tới Học viện Ngoại giao để có buổi trò chuyện thân mật với cán bộ và sinh viên Học viện. Tại đây, ông nói rằng sứ mệnh của LHQ là gìn giữ hòa bình, an ninh, phát triển và nhân quyền.
“Sẽ không có hòa bình nếu như không có phát triển và ngược lại không có phát triển nếu như không có hòa bình; hơn nữa, cũng sẽ không có hòa bình và phát triển bền vững nếu như không tôn trọng những quyền con người cơ bản”, ông Ban Ki-moon khẳng định.
Việt Nam đã đạt được phần lớn những mục tiêu thiên niên kỷ, đặc biệt là trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo và giáo dục tiểu học. Việt Nam đang là một thành viên tích cực, có trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế. “Tôi cảm nhận được một Việt Nam tràn đầy năng lượng”, ông nói.
Tại châu Á, mặc dù khu vực có một tốc độ phát triển ấn tượng nhưng phần lớn dân số vẫn còn sống trong những xã hội bất bình đẳng hơn so với 20 năm trước đó. Biến đổi khí hậu cũng là một nguy cơ đe dọa thường trực và điều này ai cũng đã cảm nhận rõ. Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất bởi biến đổi khí hậu, vì vậy, Việt Nam phải nỗ lực phát triển một nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Tổng thư kí nhấn mạnh, vai trò của giới trẻ Việt Nam trong những nhiệm vụ ấy là vô cùng quan trọng và cần phải hành động ngay từ bây giờ.
“Khi các bạn tiếp tục nghiên cứu và chuẩn bị sẵn sàng khẳng định đất nước mình trên trường quốc tế thì các bạn hãy nhớ một điều rằng các bạn không chỉ là công dân của Việt Nam mà còn là công dân toàn cầu. Chúng ta hãy cùng hành động để xây dựng một thế giới tốt hơn cho tất cả chúng ta”, ông Ban Ki-moon kết luận tại buổi trò chuyện.
Hằng Phạm
Ảnh: Quang Hòa