Phát biểu tại cuộc họp báo “Kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Thụy Điển, hướng đến tương lai” sáng 11/1, diễn ra ở chính nơi đặt văn phòng Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam lần đầu tiên - khách sạn Metropole Hà Nội, Đại sứ Pereric Högberg mở đầu bằng câu thành ngữ: “Lúc khó khăn mới biết ai là người bạn thực sự” và nhấn mạnh, hơn nửa thế kỷ qua, “Thụy Điển đã luôn là người bạn và là đối tác của Việt Nam, ngay cả ở những thời điểm khó khăn nhất”.
Đại sứ Pereric Högberg nhấn mạnh, hơn nửa thế kỷ qua, “Thụy Điển đã luôn là người bạn và là đối tác của Việt Nam, ngay cả ở những thời điểm khó khăn nhất”. |
Đại sứ chia sẻ, “chính xác là 50 năm trước, vào ngày 11/1/1969, ở đỉnh điểm của cuộc chiến tranh chống Mỹ tại Việt Nam, Thụy Điển đã trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Chính phủ Thụy Điển và nhân dân Thụy Điển đã bày tỏ sự ủng hộ và tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam”.
Nói về những sự ủng hộ của Chính phủ và nhân dân Thụy Điển trong những năm kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam cũng như sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật cho Việt Nam trong công cuộc cải cách kinh tế “đổi mới”, xóa đói giảm nghèo, Đại sứ khẳng định: “Chúng tôi rất tự hào về điều đó!”.
Theo Đại sứ Pereric Högberg, dù hợp tác phát triển song phương đã kết thúc vào năm 2013 nhưng Thụy Điển vẫn hỗ trợ đáng kể cho người dân Việt Nam thông qua các chương trình viện trợ khác nhau. “Thụy Điển đã và đang là một đối tác tin cậy và tiếp tục duy trì một mối quan hệ có một không hai với Việt Nam” – Đại sứ nhấn mạnh.
Đại sứ Pereric Högberg và Vụ trưởng Vụ châu Âu (Bộ Ngoại giao) Đinh Toàn Thắng trả lời các câu hỏi của phóng viên. |
Đại sứ nêu rõ, “Cũng giống như trong bất kỳ một mối quan hệ bạn bè tốt nào, đôi khi chúng ta khác nhau về quan điểm, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không còn là bạn bè với nhau. Đây chính là điểm mạnh của mối quan hệ Việt Nam - Thụy Điển. Một người bạn thật sự cũng là một người bạn thẳng thắn!”.
Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cho rằng, hiện nay, nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và công cuộc cải cách thành công, Việt Nam đã là một quốc gia có thu nhập trung bình. “Vì thế, hai nước chúng ta đã tiến tới một mối quan hệ đối tác bình đẳng hơn. Mối quan hệ song phương đã chuyển dịch và tập trung trước hết vào kinh doanh và thương mại, các linh vực ngày càng trở nên quan trọng đối với cả hai quốc gia trong một nền kinh tế toàn cầu hóa” – ông nói.
Trong những năm qua, mối quan hệ giữa Việt Nam và Thụy Điển đã có những thay đổi, nhưng Thụy Điển vẫn tiếp tục cam kết đồng hành trên con đường hướng tới tương lai phía trước của Việt Nam. Đại sứ tin tưởng tình hữu nghị giữa hai nước “sẽ lớn mạnh hơn và phát triển hơn. Mối quan hệ thương mại, khoa học, văn hóa và xã hội dân sự của chúng ta cũng sẽ tiếp tục nở rộ”.
Cuối phát biểu, Đại sứ Pereric Högberg dẫn câu ca dao Việt Nam: "Yêu nhau vạn sự chẳng nề/ Một trăm chỗ lệch cũng kê cho vừa” và khẳng định: “Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục câu chuyện thành công về phát triển kinh tế và xã hội của mình. Đất nước và nhân dân Thụy Điển sẽ luôn là người bạn thân thiết của đất nước và nhân dân Việt Nam - hôm qua, hôm nay và trong tương lai chung của chúng ta!”.
Đại diện Bộ Ngoại giao, Vụ trưởng Vụ châu Âu Đinh Toàn Thắng phát biểu lại buổi lễ. |
Tại sự kiện, đại diện Bộ Ngoại giao, Vụ trưởng Vụ châu Âu, Vụ trưởng Đinh Toàn Thắng cho rằng, nửa thế kỷ đồng hành của Việt Nam – Thụy Điển là “chặng đường dài và có nhiều dấu ấn mà không phải mối quan hệ nào cũng có” và “đối với chúng tôi Thụy Điển là đất nước không hề xa xôi mà rất đỗi gần gũi và quen thuộc”.
Ông Đinh Toàn Thắng nói, “Việt Nam luôn ghi nhớ và biết ơn sự ủng hộ chân thành và to lớn về tinh thần cũng như vật chất của chính phủ và nhân dân Thụy Điển trong thời kỳ đầu giành độc lập dân tộc cũng như trong các giai đoạn phát triển sau này”.
Sau 50 năm, Việt Nam – Thụy Điển đều có những bước tiến dài trên con đường phát triển. Vụ trưởng Vụ châu Âu cho rằng, “Việt Nam và Thụy Điển vẫn giữ những sợi dây gắn bó giữa hai nước, tiếp tục đồng hành hướng tới những mối quan hệ mang tính đối tác chặt chẽ trên cơ sở chia sẻ các mục tiêu chung về phát triển bền vững và về một thế giới hòa bình, hợp tác”.