📞

Việt Nam trên bàn cờ quốc tế

19:00 | 01/05/2016
Trong cuốn sách “Cách mạng Việt Nam trên bàn cờ quốc tế - Lịch sử và vấn đề”, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Vũ Dương Ninh nêu bật quá trình hội nhập quốc tế và mối liên hệ giữa Việt Nam với thế giới trong lịch sử.

Nội dung cuốn sách phân tích các cuộc đàm phán ngoại giao ở Hà Nội, Geneva và Paris; các mối quan hệ tam giác Việt-Pháp -Hoa năm 1946, Việt-Trung-Xô năm 1950-1975 và vị thế của Việt Nam trong cục diện. 

Cuốn sách cũng dành nhiều trang viết về đường lối hội nhập quốc tế của Việt Nam, đặc biệt là quan hệ Việt-Mỹ, Việt Nam - ASEAN. Phần cuối nêu lên một số kinh nghiệm đối ngoại, những chặng đường hội nhập quốc tế và sự hội nhập của Việt Nam nhìn từ góc độ lịch sử.

Điều gì đã khiến Giáo sư quyết định biên soạn cuốn sách này?

Trong suốt 5 thập kỷ giảng dạy và nghiên cứu tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, tôi nghiên cứu về lịch sử thế giới nói chung. Từ năm 1986, tôi đi sâu nghiên cứu về lịch sử quan hệ quốc tế rồi tập trung vào lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam và đã viết 3 cuốn sách (Thế giới, Việt Nam và những vấn đề hội nhập; Lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam; và Cách mạng Việt Nam trên bàn cờ quốc tế - Lịch sử và vấn đề). 

Riêng cuốn Cách mạng Việt Nam trên bàn cờ quốc tế đưa ra một số bài viết mang tính khảo cứu thể hiện quan điểm nghiên cứu của tôi về những vấn đề cốt yếu trong lịch sử đấu tranh giải phóng đất nước. 

Tại sao Giáo sư lại lựa chọn phân tích khía cạnh “lịch sử và vấn đề”? 

Đặt vấn đề lịch sử ở đây vì tôi là nhà nghiên cứu lịch sử, nhìn hoạt động đối ngoại Việt Nam theo quan điểm lịch sử. Nhưng từ lịch sử ấy có thể rút ra vấn đề gì trong thời đại hiện nay? Thực tiễn hiện nay đặt ra nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tiến trình hội nhập quốc tế. Từ lịch sử 70 năm qua, ta rút được những gì cần chú ý. Ví như trong mọi trường hợp chúng ta phải giữ được đường lối độc lập tự chủ trong đối ngoại, phát triển kinh tế và bảo vệ lãnh thổ; hay từ những kinh nghiệm quan hệ với đồng minh và đối thủ, trong hội nhập ngày nay, chúng ta nên xử lý như thế nào với các đối tác và đối tượng để đi tới mục đích cuối cùng của mình là xây dựng và bảo vệ đất nước theo kịp sự phát triển của thế giới.

Trong quá trình biên soạn, Giáo sư có gặp khó khăn nào không?

Khó khăn đầu tiên là việc sưu tầm tài liệu, đặc biệt là nguồn tài liệu nước ngoài. May mắn tôi có nhiều bạn bè đồng nghiệp tìm giúp, đồng thời tôi khai thác tài liệu trên mạng. Tìm được tài liệu rồi, nhưng xử lý tài liệu ra sao còn khó hơn. Quan điểm của tôi khi viết cuốn sách là tôn trọng khách quan lịch sử, nhưng cũng phải viết như thế nào để tránh gây phức tạp trong quan hệ đối ngoại. 

Chẳng hạn như vấn đề Khmer Đỏ, năm 1982, tôi đã đến Phnom Penh thăm nhà tù Toul Sleng mà Khmer Đỏ giam giữ và tàn sát tù nhân. Tôi đã gặp Chủ nhiệm khoa Lịch sử (Đại học Phnom Penh), người đã chứng kiến tội ác diệt chủng kinh khủng này và nghe ông kể chuyện về chính cuộc đời mình, về việc quân đội Việt Nam đã vào giải phóng Campuchia, hồi sinh đất nước này ra sao... Nhưng, do một số toan tính chính trị mà việc làm nhân đạo của Việt Nam bị lên án thành hành vi xâm lược và trong những năm 1970 và 1980, nhiều nước tìm cách bao vây cô lập chúng ta. Bài học rút ra là những hoạt động nhân đạo phải đi cùng với hoạt động ngoại giao, có sự giải thích vận động để tranh thủ được sự đồng tình của dư luận. 

Theo Giáo sư, những bài học đối ngoại trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước là gì?

Đó là phần 2 của cuốn sách. Trong phần này, cũng như cả cuốn sách, tôi khai thác mảng bối cảnh lịch sử khá phức tạp của các sự kiện quan trọng. Tôi đi sâu phân tích tam giác quan hệ Trung - Mỹ - Xô. Trong đó có nêu vấn đề Việt Nam là nước nhỏ, tiềm lực kinh tế yếu chống lại một nước kinh tế mạnh, quân sự mạnh. Tôi không chỉ nêu sự chênh lệch tương quan về khía cạnh quân sự và kinh tế mà ngay trong lĩnh vực quan hệ quốc tế cũng rất chênh lệch. Họ có bộ máy khổng lồ với những nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm, có phương tiện truyền thông rộng khắp, hơn hẳn ta. Vậy mà với tinh thần lấy yếu đánh mạnh, ta đã buộc họ phải ngồi vào bàn đàm phán, họ phải lùi từng bước để cuối cùng đi đến ký Hiệp định Paris.

Điểm nữa là tôi phân tích Việt Nam đã xử lý mối quan hệ với đồng minh (Trung Quốc và Liên Xô) và với đối thủ (Mỹ) như thế nào, nhất là khi hai đồng minh mâu thuẫn với nhau và đều muốn lôi kéo đối thủ. Với nhãn quan của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo Đảng, chúng ta đã thấy chỗ yếu của họ và thế mạnh của ta cho dù bất đồng, mâu thuẫn với nhau, cả Liên Xô và Trung Quốc đều ủng hộ ta đánh Mỹ.

Trong nội dung đàm phán Paris, tôi đã nghiên cứu tài liệu của phía bên kia để hiểu được những bước đi của họ thế nào? Tôi đi sâu phân tích bối cảnh hết sức nguy hiểm khi hai đồng minh quay sang bắt tay với đối thủ… Nhưng Hiệp định Paris được ký kết cho thấy sự thành công của tính độc lập tự chủ, kiên định mục tiêu giải phóng dân tộc của ngoại giao Việt Nam. Cho nên thắng lợi 30/4/1975 trên các mặt chính trị, quân sự, đồng thời cũng là thắng lợi của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

(thực hiện)