📞

Việt Nam trúng cử Tổng Thư ký thứ 7 của Kế hoạch Colombo

19:00 | 13/12/2017
Ngày 12/12, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Sri Lanka, kiêm nhiệm Maldives, Phan Kiều Thu đã trúng cử chức danh Tổng Thư ký thứ 7 của Kế hoạch Colombo.

Kế hoạch Colombo là gì?

Kế hoạch Colombo - tên gọi đầy đủ là “Kế hoạch Colombo vì sự hợp tác phát triển kinh tế và xã hội ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương” là sáng kiến của Anh tại Hội nghị Ngoại trưởng các nước Khối Thịnh vượng chung tại Colombo, Sri Lanka tháng 1/1950 và chính thức đi vào hoạt động từ 1951.

Các thành viên sáng lập gồm Australia, New Zealand, Ấn Độ, Pakistan, Anh, Canada; mục đích như một "Kế hoạch Marshall" thứ hai ở châu Á.

Đại sứ Phan Kiều Thu phát biểu tại buổi lễ chúc mừng năm mới. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Sri Lanca)

Trong những năm 50, 60 và 70, thông qua hai hình thức viện trợ vốn và trợ giúp kỹ thuật, các nước Phương Tây đã tài trợ cho các dự án phát triển, cung cấp thiết bị và hàng hóa, và dành hàng vạn học bổng ngắn hạn và dài hạn và cung cấp chuyên gia cho các nước đang phát triển trong khu vực.

Kể từ Hội nghị Ủy ban Tư vấn lần thứ 35 tại Seoul năm 1994, Kế hoạch Colombo đã có những thay đổi cơ bản, ít mang màu sắc chính trị hơn và thực sự tập trung vào các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực, với những trọng tâm mới phù hợp hơn, đó là: tăng cường hợp tác Nam-Nam, hợp tác khu vực, đối phó với những vấn đề toàn cầu thông qua đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và hợp tác kỹ thuật giữa các nước thành viên.

Kế hoạch Colombo trở thành diễn đàn để nước các nước thành viên thảo luận về các nhu cầu phát triển, chia sẻ kinh nghiệm và thực hiện các chương trình nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội và giúp đỡ các nước kém phát triển trong khu vực.

Phương thức hoạt động chủ yếu là tổ chức các khóa đào tạo, giúp các nước thành viên phát triển nguồn nhân lực. Tuy nhiên Kế hoạch Colombo vẫn tiếp tục tranh thủ sự tài trợ của các nước phát triển.

Hiện nay, Colombo Plan gồm 27 thành viên chính thức: Afghanistan, Australia, Bangladesh, Bhutan, Brunei, Fiji, Ấn Độ, Indonesia, Iran, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Maldives, Myanmar, Mông Cổ, Nepal, New Zealand, Pakistan, Papua New Guinea, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan, Mỹ và Việt Nam.

Một số quan sát viên gồm Trung Quốc, Nga, Pháp, Đức, Hà Lan, Na Uy, Thuỵ Điển, Canada và Anh; các tổ chức khu vực và quốc tế như ADB, APO, APEC, ASEAN, ESCAP, SAARC, SEAFDEC, ECO, SPF, Ban Thư ký Khối thịnh vượng chung, EU, Quỹ OPEC vì sự Phát triển Quốc tế, UNDCP, UNDP, UNESCO, WB...

Bốn chương trình lớn của Kế hoạch Colombo

1. Chương trình Tư vấn Chống ma tuý (DAP)

Chương trình này chủ yếu do Mỹ tài trợ, nhằm tổ chức các khóa đào tạo và các dịch vụ hướng dẫn cai nghiện ma túy, giúp các nước thành viên phòng và chống ma tuý ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Đây là chương trình hợp tác lâu đời và sâu sắc nhất của Kế hoạch. Kể từ khi được triển khai năm 1995 đến nay đã có khoảng 12.000 chuyên gia tham gia các khoá đào tạo của chương trình.

Nguồn tài chính của Quỹ này được sử dụng nhiều nhất ở Afghanistan.

2. Chương trình Hành chính công và Môi trường (PPA&ENV)

Chương trình tập trung đào tạo trong các lĩnh vực như xóa đói giảm nghèo, phát triển khả năng lãnh đạo, quản lý kinh tế, quản lý chiến lược, an ninh lương thực, công nghệ thông tin và truyền thông và các vấn đề môi trường cho các đối tượng là cán bộ nhà nước cấp trung-cao trong lĩnh vực quản lý hành chính, kinh tế, chiến lược và môi trường.

Kể từ năm 2005 đến 2015, đã có 2.000 cán bộ tham gia vào các khóa đào tạo ngắn hạn của chương trình.

3. Chương trình Hỗ trợ thành phần Kinh tế Tư nhân (PPSD)

Chương trình này chủ yếu do Hàn Quốc, Malaysia, Ấn Độ và Singapore tài trợ, nhằm đào tạo kỹ năng cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các lĩnh vực cụ thể như chuyển giao công nghệ, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, quản trị kinh doanh và chia sẻ kinh nghiệm thành công.

PPSD cũng góp phần thúc đẩy việc xây dựng một môi trường kinh doanh thân thiện bằng cách xây dựng năng lực của các nhân viên nhà nước có thẩm quyền trong việc đưa ra những thể chế, luật lệ và chính sách có ảnh hưởng đến khu vực tư nhân.

Kể từ năm 2005 đến 2015, đã có khoảng 2000 cán bộ tham gia vào các khoá đào tạo ngắn hạn của chương trình.

4. Chương trình Đào tạo dài hạn (LTSP)

Chương trình này đã từng là một trong những trọng tâm của Kế hoạch Colombo, tạm dừng năm 1989 do những khó khăn về kinh tế, khôi phục lại năm 2005, tập trung vào các khóa đào tạo thạc sỹ về các lĩnh vực như phát triển nông nghiệp, kỹ sư dân dụng, y học nhiệt đới, phát triển và quản lý nông thôn, phát triển bền vững, quản trị kinh doanh, y tế cộng đồng, quản lý tài nguyên... tại các trường đại học hàng đầu ở Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan và Singapore.

Đến nay có khoảng gần 1000 cán bộ các nước tham dự chương trình.

Gần đây Kế hoạch Colombo xây dựng thêm Chương trình về Bình đẳng giới.

Sự tham gia của Việt Nam vào Kế hoạch Colombo

Ngày 27/8/2001, Thủ tướng Chính phủ quyết định Việt Nam tham gia Kế hoạch Colombo với tư cách thành viên tạm thời và giao Bộ Ngoại giao làm cơ quan đầu mối phối hợp với các cơ quan hữu quan để triển khai việc tham gia Kế hoạch trên.

Ngày 30/8/2001, Việt Nam chính thức gửi công hàm cho Ban Thư ký xin gia nhập Kế hoạch Colombo với tư cách thành viên tạm thời và đã cử đoàn tham dự Kỳ họp thứ 237 Hội đồng kế hoạch tại Colombo tháng 11/2001.

Ngày 3/7/2002, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý Việt Nam tham gia là thành viên chính thức của Kế hoạch Colombo.

Tại Phiên họp Đặc biệt của Hội đồng Kế hoạch Colombo từ 18-19/11/2003, các nước thành viên đã thông qua việc này và Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Kế hoạch.

Năm 2009, thông qua kênh ngoại giao, Việt Nam đã tiến hành vận động thành công để ứng cử viên Nguyễn Cửu Đức, Văn phòng Thường trực Phòng, Chống Ma túy, Bộ Công an Việt Nam, được tuyển chọn làm Giám đốc Chương trình Tư vấn Chống Ma túy (DAP) của Kế hoạch Colombo với nhiệm kỳ 2 năm, bắt đầu từ ngày 2/6/2009.

Việc đại diện Việt Nam đắc cử vào cương vị Giám đốc DAP cho thấy Kế hoạch Colombo đánh giá cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong các hoạt động của tổ chức này, đồng thời cũng tạo điều kiện cho Việt Nam tham gia sâu rộng hơn nữa vào các hoạt động của Kế hoạch Colombo, phục vụ thiết thực cho lợi ích của Việt Nam.

Từ 12-13/8/2009, lần đầu tiên Ban thư ký Kế hoạch Colombo đã tổ chức cuộc họp các cán bộ đầu mối các quốc gia thành viên Kế hoạch Colombo nhằm liên kết các cán bộ xử lý trực tiếp, Việt Nam cũng đã cử chuyên viên tham dự.

Kể từ khi tham gia Kế hoạch Colombo, Việt Nam đã cử được khoảng gần 400 cán bộ tham gia các khóa đào tạo thuộc các chương trình hợp tác của Kế hoạch Colombo như chương trình Tư vấn Phòng chống Ma túy, đào tạo hành chính công, tập huấn phát triển năng lực thành phần kinh tế tư nhân, sức khỏe sinh sản, môi trường.