Hoạt động trao đổi kinh nghiệm được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại chỗ kết hợp trực tuyến dưới sự chủ trì của Đại tá Nguyễn Như Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình (GGHB) Việt Nam và bà Peita Spence, Bí thư thứ nhất về chính sách quốc phòng, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam.
Tham dự trao đổi về phía Việt Nam có đại diện Tổng cục II, Cục Đối ngoại, Cục Bảo vệ anh ninh Quân đội, Học viện Quân y, Cục GGHB Việt Nam, Ban Phụ nữ Quân đội, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng), Bộ Công an, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Đại tá Nguyễn Như Cảnh, Phó Cục trưởng Cục GGHB Việt Nam phát biểu tại sự kiện. (Nguồn: TTXVN) |
Về phía quốc tế có đại diện Phòng Tùy viên Quốc phòng - Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, UN Women, UNDP, Bộ Quốc phòng Australia, Trung tâm Huấn luyện GGHB Australia, đại diện Cảnh sát Liên bang Australia.
Phát biểu tại sự kiện, Đại tá Nguyễn Như Cảnh, Phó Cục trưởng Cục GGHB Việt Nam nhấn mạnh, vấn đề về phụ nữ, hòa bình và an ninh luôn là một trong những nội dung trọng tâm trong chương trình Nghị sự của Liên hợp quốc (LHQ), nhất là trong lĩnh vực GGHB.
Bên cạnh đó, Sáng kiến Hành động vì GGHB, Nghị quyết 1325 và các Nghị quyết khác có liên quan đã giúp các quốc gia thành viên nâng cao nhân thức và tầm quan trọng của việc thúc đẩy số lượng và hiệu quả của lực lượng phụ nữ trong hoạt động GGHB LHQ.
Theo Đại tá Nguyễn Như Cảnh, các biện pháp quyết liệt hơn của LHQ, sự thay đổi về nhận thức và hành động của các thành viên đã dẫn đến những thống kê gia tăng đáng khích lệ về tỷ lệ nữ quân nhân và cảnh sát trong lực lượng GGHB LHQ thời gian qua.
Trong bối cảnh các quốc gia đang nỗ lực gia tăng một cách bền vững sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng GGHB LHQ, Việt Nam, dù là thành viên mới tham gia hoạt động GGHB LHQ từ năm 2014, song đã có những nỗ lực và cam kết mạnh mẽ về vấn đề này. Đến nay, hơn 70 trong tổng số 512 quân nhân đã được triển khai đến Phái bộ GGHB LHQ là nữ. Đây có thể được xem là tỷ lệ đáng khích lệ.
Đại tá Nguyễn Như Cảnh nhấn mạnh: "Việt Nam nhận thức rằng, để có sự tham gia bền vững của phụ nữ trong lực lượng GGHB của mình, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của LHQ, chúng tôi sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn. Đây không chỉ là khó khăn đối với riêng Việt Nam mà còn đối với tất cả các nước cử quân khác trên thế giới".
Tại sự kiện, hai bên đã tập trung trao đổi, thảo luận, thuyết trình và hỏi đáp về các nội dung về thách thức đối với phụ nữ tại các Phái bộ GGHB LHQ, làm thế nào để phụ nữ chuẩn bị tốt hơn cho lần triển khai đầu tiên tới Phái bộ GGHB LHQ, những nhân tố nào góp phần tạo ra môi trường tiềm năng cho phụ nữ, những tư vấn dành cho phụ nữ lần đầu tiên được triển khai tới Phái bộ GGHB LHQ…
Thời gian qua, quan hệ hợp tác quốc phòng nói chung và hợp tác về GGHB LHQ giữa Việt Nam và Australia đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Australia luôn là một đối tác quan trọng hàng đầu, tích cực hỗ trợ và đồng hành trong quá trình tham gia GGHB LHQ của Việt Nam.
Australia đã hỗ trợ Việt Nam vận chuyển đường không trong triển khai và thay quân BVDC2 đến Phái bộ LHQ ở Nam Sudan, huấn luyện nâng cao năng lực cho các lực lượng tham gia hoạt động GGHB LHQ thông qua phối hợp tổ chức các khóa đào tạo tiếng Anh cho cán bộ Công binh, Quân y của Việt Nam, tổ chức các khóa tập huấn ngắn hạn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi chuyên môn GGHB LHQ, viện trợ các trang thiết bị huấn luyện và triển khai lực lượng GGHB.
Hai bên đều khẳng định trao đổi kinh nghiệm lần này là một hoạt động hợp tác thiết thực, có ý nghĩa giữa Việt Nam và Australia, đặc biệt trong bối cảnh hai nước hướng đến 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và nâng cấp “Thỏa thuận thực thi Bản ghi nhớ trong lĩnh vực GGHB’’ lên “Đối tác GGHB’’.
Bên cạnh đó, đây là cơ hội để hai bên trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về phụ nữ, hòa bình và an ninh – một chủ đề quan trọng hiện nay được LHQ và các quốc gia thành viên LHQ đặc biệt quan tâm, chú trọng triển khai, thúc đẩy, nhằm nâng cao nhận thức về giới và vai trò của phụ nữ đối với việc duy trì hòa bình, an ninh, đồng thời thể hiện cam kết đối với chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an LHQ về chủ đề này.
Năm 2016, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng về GGHB LHQ đưa ra mục tiêu 15% phụ nữ trong lực lượng quân sự vào cuối năm 2017 và 20% phụ nữ trong lực lượng cảnh sát GGHB LHQ vào năm 2020. Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, tài liệu về Chiến lược Bình đẳng giới trong lực lượng quân sự và cảnh sát GGHB LHQ giai đoạn 2018 – 2028, đã xác định các yêu cầu mới. Theo đó, đến 2028, tỷ lệ nữ trong đơn vị quân sự cần đạt 15%, trong lực lượng quan sát viên quân sự là 25%, trong khi con số này đối với đơn vị cảnh sát và lực lượng cảnh sát cá nhân lần lượt là 20% và 30%. |