Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 23/2. (Nguồn: TTXVN) |
Nhiều vấn đề nóng
Tháng qua, đại dịch Covid-19 tiếp tục tác động nặng nề đến tình hình kinh tế-xã hội thế giới, nhiều nước triển khai tiêm phòng vaccine, đem lại những hy vọng mới về công cuộc phòng chống dịch bệnh, phục hồi kinh tế. Tại Mỹ, Chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden tiếp tục có những điều chỉnh chính sách tích cực tham gia trở lại các cơ chế đa phương. Bên cạnh đó, các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu (BĐKH), khủng bố, an ninh lương thực vẫn ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống quốc tế, thu hút ưu tiên thảo luận tại nhiều diễn đàn đa phương.
Trong khi đó, tình hình an ninh - chính trị ở nhiều khu vực diễn biến phức tạp. Đặc biệt, Myanmar lâm vào tình trạng chính trị- an ninh bất ổn nghiêm trọng sau sự kiện quân đội ngày 1/2 bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và một số lãnh đạo Nhà nước, gây nên làn sóng biểu tình rộng khắp và dẫn đến thương vong của dân thường khi quân đội sử dụng vũ lực trấn áp, trở thành vấn đề nóng tại các diễn đàn LHQ.
Trong khi đó, cuộc xung đột vũ trang tại vùng Tigray (ở phía bắc Ethiopia, giáp ranh với Eritrea và Sudan) bắt đầu từ tháng 11/2020 đến nay đã khiến khoảng 2,2 triệu người phải sơ tán và 4,5 triệu người rơi vào tình trạng cần viện trợ khẩn cấp. Tình hình Haiti vốn đảo chính liên tục đã trở nên căng thẳng hơn khi ngày 7/2, những người phản đối lên kế hoạch ám sát Tổng thống và lật đổ Chính phủ. Còn ở Syria, ngày 27/2, Mỹ tiến hành không kích vào các lực lượng được cho là do Iran hậu thuẫn tại Syria với lý do các lực lượng này đã tấn công tên lửa vào căn cứ của Mỹ tại Iraq…
Thống nhất nhiều nội dung quan trọng
Trong bối cảnh đó, HĐBA tiến hành tổng cộng 28 cuộc họp cấp Đại sứ với 13 phiên họp công khai, 10 phiên họp kín, 5 phiên họp thông báo kết quả bỏ phiếu các Nghị quyết và Tuyên bố Chủ tịch; 01 cuộc họp không chính thức về việc thực hiện các thỏa thuận Minsk về Ukraine; và thảo luận nhiều vấn đề chủ đề.
HĐBA đã thông qua 09 văn kiện bao gồm 04 Nghị quyết về: Gia hạn các biện pháp trừng phạt với Sudan; Gia hạn kỹ thuật đối với Phái bộ của Liên minh châu Phi (AU) tại Somalia (AMISOM); Gia hạn cơ chế trừng phạt Yemen; Kêu gọi tiếp cận công bằng vaccine Covid-19 trong bối cảnh xung đột và bất ổn; 02 Tuyên bố Chủ tịch về tình hình khu vực Tây Phi và Sahel và tình hình tại Libya; 03 Tuyên bố báo chí về tình hình chính biến ở Myanmar và về các vụ tấn công Phái bộ LHQ tại Mali và CHDC Congo.
HĐBA đã tổ chức nhiều phiên thảo luận thu hút đông đảo các lãnh đạo cấp cao các nước thành viên tham gia. Tại phiên thảo luận mở cấp cao với chủ đề “Giải quyết các nguy cơ liên quan đến khí hậu đối với hòa bình và an ninh quốc tế”, đa số các nước khẳng định BĐKH là thách thức đối với hòa bình và an ninh quốc tế; kêu gọi lồng ghép các nội dung về BĐKH vào các văn kiện và cơ chế của HĐBA.
Tại phiên thảo luận về: “Tình hình thực hiện Nghị quyết 2532 với trọng tâm là việc bảo đảm tiếp cận vaccine Covid-19 một cách công bằng trong bối cảnh xung đột và bất ổn”, các nước nhấn mạnh việc phổ cập vaccine an toàn và hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong hạn chế sự lây lan của đại dịch và những tổn thất về kinh tế-xã hội; ủng hộ hoạt động của cơ chế COVAX; cho rằng HĐBA cần phát huy vai trò để đối phó với đại dịch, nhất là thúc đẩy thực hiện đầy đủ lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu của Tổng Thư ký LHQ và Nghị quyết 2532, bảo đảm tiếp cận nhân đạo không bị cản trở.
Tại cuộc họp về chủ đề “Thúc đẩy hệ thống an ninh tập thể theo Hiến chương LHQ; vấn đề sử dụng vũ lực trong luật pháp quốc tế, chủ thể phi quốc gia và quyền tự vệ chính đáng”, các nước khẳng định nguyên tắc không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực được quy định tại Hiến chương LHQ trừ các trường hợp ngoại lệ bao gồm trường hợp được HĐBA cho phép, hoặc thực hiện quyền tự vệ.
Những đóng góp thiết thực của Việt Nam
Trong tháng qua, Việt Nam tiếp tục tham gia HĐBA trên tinh thần độc lập, tự chủ, tích cực, trách nhiệm và cân bằng, thể hiện rõ lập trường tuân thủ Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, ủng hộ tìm kiếm giải pháp cho các cuộc xung đột khu vực và quốc tế thông qua đàm phán, thương lượng hòa bình, đồng thời đề cao các nỗ lực, kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình tái thiết và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế và khu vực. Ta cũng tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác tích cực với các nước thành viên HĐBA, đặc biệt với Anh, nước Chủ tịch HĐBA tháng 2.
Lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ ta tham gia một sự kiện trong khuôn khổ HĐBA LHQ. Tại phiên thảo luận mở về An ninh khí hậu ngày 23/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kêu gọi cần có cách tiếp cận toàn diện, cân bằng khi xử lý mối liên hệ giữa các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống trên toàn cầu, nhất là loại bỏ các nguyên nhân gốc rễ của xung đột như nghèo đói, bất bình đẳng, hành động chính trị cường quyền và can thiệp, áp đặt đơn phương; tuân thủ nghiêm túc Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế; tăng cường nguồn lực để hỗ trợ các nước chịu tác động nặng nề của BĐKH; bảo đảm tôn trọng chủ quyền, quyền tự chủ và trách nhiệm chủ đạo của quốc gia; đặt lợi ích chung của cộng đồng và mọi người dân ở vị trí trung tâm trong các chiến lược, kế hoạch ứng phó với BĐKH...
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự và phát biểu tại phiên thảo luận mở về chủ đề “Duy trì hòa bình và an ninh quốc tế: Tình hình thực hiện Nghị quyết 2532 và việc bảo đảm sự tiếp cận vaccine Covid-19 một cách công bằng trong bối cảnh xung đột và mất an ninh” ngày 17/2. Trong phát biểu, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế cần hợp tác triển khai một chiến lược ứng phó đại dịch và tiêm chủng hiệu quả; khẳng định cần coi vaccine là tài sản chung của cộng đồng quốc tế và phải bảo đảm tiếp cận vaccine với giá cả phù hợp cho tất cả các nước; kêu gọi các nước tăng cường đóng góp cho Cơ chế COVAX...
Về một số vấn đề quốc tế và khu vực phức tạp, tại tham vấn về chính biến ở Myanmar, ta bày tỏ quan ngại trước các diễn biến phức tạp gần đây; kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh các hành động làm gia tăng căng thẳng, tiến hành đối thoại tìm giải pháp thỏa đáng, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và nguyện vọng của người dân Myanmar, tạo điều kiện cho tiến trình dân chủ diễn ra thuận lợi, bảo đảm an toàn cho người dân; mong Myanmar sớm ổn định tình hình để xây dựng và phát triển đất nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và tiếp tục đóng góp cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN; kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi đối với Myanmar trong quá trình này trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia; cập nhật các nỗ lực hỗ trợ của ASEAN đối với Myanmar thời gian qua.
Về vấn đề Israel - Palestine, ta tiếp tục khẳng định ủng hộ mạnh mẽ giải pháp hai Nhà nước phù hợp với luật pháp quốc tế và các Nghị quyết của LHQ. Về Yemen, ta kêu gọi các bên liên quan thực hiện lời kêu gọi ngừng bắn của Tổng Thư ký LHQ, tuân thủ luật nhân đạo quốc tế. Về Libya, ta kêu gọi sớm thành lập Chính phủ lâm thời để hướng tới hòa bình, ổn định, lâu dài. Về tình hình bất ổn, xung đột tại Haiti, Sahel, Sudan, Somalia và CH Trung Phi... ta tiếp tục kêu gọi đàm phán, đối thoại, giải quyết khác biệt bằng các biện pháp hòa bình và nhấn mạnh vai trò hỗ trợ quan trọng của LHQ, các tổ chức khu vực và cộng đồng quốc tế.
Trong quá trình thương lượng Nghị quyết về kêu gọi tiếp cận công bằng vaccine Covid-19, ta tham gia đóng góp nhiều nội dung thiết thực được các nước ghi nhận tích cực như nhấn mạnh tác động của đại dịch làm gia tăng bất bình đẳng, khẳng định vaccine Covid-19 là tài sản chung của toàn cầu và cần được phân phối bình đẳng, với giá thành phù hợp, kêu gọi bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu cho việc vận chuyển vaccine và nhấn mạnh đoàn kết quốc tế.
Bên cạnh đó, ta tiếp tục hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch Ủy ban theo dõi thực hiện các Nghị quyết của HĐBA về Nam Sudan, tổ chức cuộc họp của Ủy ban với sự tham dự của Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ về vấn đề bạo lực tình dục.