Back to E-magazine
e magazine
08:00 | 05/05/2021
Việt Nam và Hội đồng Bảo an: Từ những thời khắc ‘cân não’ trong hành trình gian khó đến vị thế đáng tự hào

08:00 | 05/05/2021

Việc Việt Nam hai lần trúng cử vào HĐBA LHQ với số phiếu cao kỷ lục là minh chứng rõ ràng, hùng hồn nhất, phản ánh tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng tăng cao.

Việt Nam và Hội đồng Bảo an: Từ những thời khắc ‘cân não’ trong hành trình gian khó đến vị thế đáng tự hào

Việc Việt Nam hai lần trúng cử vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) với số phiếu cao kỷ lục là minh chứng rõ ràng, hùng hồn nhất, phản ánh tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng tăng cao.

*****

Nhắc đến nhà ngoại giao kỳ cựu Lê Lương Minh, người ta thường nghĩ ngay đến việc ông là người Việt Nam đầu tiên đảm nhiệm chức vụ Tổng thư ký ASEAN nhiệm kỳ 2013-2017 hay là người Việt Nam duy nhất vào danh sách 500 người quyền lực nhất hành tinh do tạp chí Foreign Policy của Mỹ bầu chọn.

Đại sứ Lê Lương Minh còn được biết đến với vai trò Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ khi Việt Nam lần đầu tiên là Ủy viên không thường trực (UVKTT) Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009.

Việt Nam và Hội đồng Bảo an: Từ những thời khắc ‘cân não’ trong hành trình gian khó đến vị thế đáng tự hào

Tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết: “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta”.

Theo Đại sứ Lê Lương Minh, để có được vị thế quốc tế như hiện nay, Việt Nam đã trải qua một hành trình dài đầy gian nan, thử thách. Từ một đất nước kém phát triển, đói nghèo, lạc hậu, và bị bao vây cấm vận sau chiến tranh, Việt Nam đã tích cực hội nhập quốc tế, vươn lên trở thành hình mẫu phát triển kinh tế - xã hội, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao.

Việc Việt Nam hai lần trúng cử vào HĐBA LHQ với số phiếu cao kỷ lục là minh chứng rõ ràng, hùng hồn nhất, phản ánh tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng tăng cao.

Hồi tưởng thời gian khi còn là Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ (nhiệm kỳ 2004-2011), Đại sứ Lê Lương Minh vẫn không thể quên những phút giây lịch sử và niềm tự hào, hạnh phúc tột cùng khi biết kết quả Việt Nam được 183 phiếu ủng hộ trong tổng số 192 thành viên Đại hội đồng tham gia bỏ phiếu, chiếm tới 96% (theo quy định, Việt Nam chỉ cần 127 phiếu thuận là chính thức trở thành UVKTT HĐBA).

“Những phút giây đó trong tôi vẫn sống động, nguyên vẹn và không thể nào quên”.

Ông vẫn nhớ như in hình ảnh đại diện các nước lưu lại hội trường sau cuộc họp bỏ phiếu xếp hàng dài chờ ôm, bắt tay chúc mừng Việt Nam, trong đó có cả đại diện của Mỹ - nước cựu thù, nay là đối tác toàn diện, những năm đầu đã từng dùng quyền phủ quyết tại chính HĐBA để ngăn cản Việt Nam vào LHQ.

Việt Nam và Hội đồng Bảo an: Từ những thời khắc ‘cân não’ trong hành trình gian khó đến vị thế đáng tự hào

Việt Nam đảm nhận cương vị UVKTT HĐBA nhiệm kỳ đầu tiên trong bối cảnh thế giới đang trải qua những thay đổi sâu sắc và liên tục.

Trong hai năm 2008 và 2009 khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò này, bao gồm hai tháng là Chủ tịch HĐBA, hầu như những vấn đề nhạy cảm nhất liên quan đến những điểm nóng của thế giới đều nằm trong chương trình nghị sự.

Đó là các vấn đề hạt nhân Iran, Triều Tiên, xung đột Trung Đông, các xung đột chính trị, sắc tộc tôn giáo ở Sudan, việc Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập, chiến sự ở Gruzia, vấn đề Myanmar… Để xử lý các điểm nóng đó đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực, khéo léo dung hòa, kiềm chế sự cạnh tranh, ganh đua giữa các cường quốc.

Đại sứ Lê Lương Minh đã chia sẻ lại tình huống phức tạp trong những giờ cuối cùng của kỳ Chủ tịch HĐBA tháng 7/2008 khi Việt Nam phải chủ trì tham vấn về nội dung dự thảo nghị quyết gia hạn phái bộ gìn giữ hòa bình tại một địa bàn nhạy cảm.

Sau nhiều vòng tham vấn, các bên đã nhất trí về nội dung cơ bản dự thảo cuối cùng. Tuy nhiên, đến 10h đêm (giờ Mỹ), đại diện một cường quốc vẫn không thể cam kết được thái độ bỏ phiếu với lý do còn một điều khoản phải chờ ý kiến cấp trên nhưng Ngoại trưởng của họ đang trên máy bay nên không xin được chỉ thị.

Ngặt ở chỗ, đến 12h đêm nếu không thông qua được nghị quyết thì LHQ sẽ không còn thẩm quyền và trách nhiệm quản lý phái bộ với hàng chục nghìn binh sỹ và những kho vũ khí, thiết bị khổng lồ chịu sự chỉ huy của các tư lệnh quốc gia khác nhau, tạo tình hình và tiền lệ rất nguy hiểm.

Thậm chí, các nước đã phải tính đến khả năng quay ngược kim đồng hồ cho phép Việt Nam tiếp tục chủ trì tham vấn để bất cứ khi nào tham vấn kết thúc và Hội đồng họp chính thức thông qua nghị quyết vẫn được coi là trước 12h đêm ngày 31/7.

Trên cơ sở kinh nghiệm làm việc với đại diện các cường quốc và thực tế cũng đã tham khảo đầy đủ biểu hiện thái độ khách quan và tôn trọng các ý kiến khác biệt, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, Đại sứ Lê Lương Minh đánh giá không thể có tình huống không xin được chỉ thị như vậy đối với các cường quốc, mà đó chỉ là hành động câu giờ gây áp lực đòi thay đổi nội dung dự thảo phù hợp quan điểm của họ.

Đúng 11h, Đại sứ Lê Lương Minh tuyên bố kết thúc tham vấn và triệu tập Hội đồng họp chính thức bỏ phiếu dự thảo nghị quyết. Đại sứ của cường quốc đó viết một mảnh giấy gửi riêng cho Đại sứ Lê Lương Minh.

Ban đầu, các trợ lý của đoàn Việt Nam tỏ lo lắng nghĩ rằng đây chắc là một hành động phản ứng. Tuy nhiên, khi mở ra mảnh giấy đó viết rằng: “Tôi cám ơn ngài Đại sứ về một phép xử thế rất đẹp”.

Và nghị quyết đó được thông qua bằng đồng thuận trước 12h đêm ngày 31/7/2008, hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ cuối cùng của kỳ Chủ tịch HĐBA LHQ đầu tiên của Việt Nam.

“Đó chỉ là một câu chuyện nhỏ trong hàng ngàn vấn đề, tình huống trở ngại khác nhau khó có thể lường trước khi Việt Nam tham gia HĐBA”, Đại sứ Lê Lương Minh chia sẻ.

Việt Nam và Hội đồng Bảo an: Từ những thời khắc ‘cân não’ trong hành trình gian khó đến vị thế đáng tự hào

Tới nay, việc Việt Nam trúng cử lần thứ hai UVKTT HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu gần như tuyệt đối 192/193 phiếu bầu lại tiếp tục nâng vị thế quốc tế Việt Nam lên một tầm cao mới.

Theo Đại sứ Lê Lương Minh, việc Viêt Nam hai lần trúng cử vào HĐBA với số phiếu cao kỷ lục một mặt phản ánh sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế, của gần 200 quốc gia thành viên LHQ đối với chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, yêu chuộng hòa bình, chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước ta, mặt khác thông qua những đóng góp tích cực và hiệu quả vào việc tìm kiếm giải pháp hoà bình cho các cuộc xung đột và tranh chấp quốc tế đã góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Viêt Nam.

Đồng thời, việc Việt Nam trở thành UVKTT HĐBA còn thúc đẩy nâng tầm quan hệ với các quốc gia, với LHQ và các tổ chức quốc tế khác, tạo cục diện thuận lợi cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.

Thực tế thập kỷ qua, từ sau khi Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò UVKTT HĐBA nhiệm kỳ đầu tiên, gần 30 nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược hay đối tác toàn diện với Việt Nam.

Hầu hết các hiệp định quan trọng thiết lập quan hệ đối tác kinh tế và hiệp định thương mại tự do Việt Nam ký với các nước cũng là trong thời gian này. Song song với đó, GDP của Việt Nam tăng gần 5 lần so với 13 năm trước.

Đại sứ Lê Lương Minh đánh giá những thành tựu đó có được trước hết là nhờ đường lối, chính sách vĩ mô đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhưng có phần đóng góp không nhỏ của cục diện mới.

Việt Nam và Hội đồng Bảo an: Từ những thời khắc ‘cân não’ trong hành trình gian khó đến vị thế đáng tự hào
Việt Nam và Hội đồng Bảo an: Từ những thời khắc ‘cân não’ trong hành trình gian khó đến vị thế đáng tự hào

Theo đánh giá của Đại sứ Lê Lương Minh, trong lần thứ hai Việt Nam đảm đương cương vị UVKTT HĐBA, tình hình thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong khi nhiều tình hình căng thẳng, xung đột cũ chưa được giải quyết thì lại xuất hiện những căng thẳng, xung đột mới liên quan đến tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển đảo…

Các mối đe dọa an ninh truyền thống như chạy đua vũ trang, phổ biến vũ khí giết người hàng loạt cũng như những mối đe dọa an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, khủng bố và đặc biệt dịch bệnh ngày càng trầm trọng.

Đặc biệt vấn đề Biển Đông, chiến tranh thương mại, tranh chấp Nga-Ukraine, các cáo buộc về can thiệp bầu cử cũng như mâu thuẫn trong việc ứng phó dịch bệnh Covid-19, khác biệt về quan điểm xử lý vấn đề Myanmar hiện nay cũng gián tiếp làm gia tăng đối đầu giữa Trung Quốc và Nga với Mỹ và các cường quốc phương Tây, đều là Ủy viên thường trực HĐBA, gây ra những khó khăn mà Việt Nam phải chia sẻ trong việc tìm đồng thuận của HĐBA ở nhiều vấn đề quan trọng.

Bên cạnh đó, trong khi các cuộc thương lượng thực chất của HĐBA chủ yếu diễn ra dưới hình thức các cuộc tham vấn kín, phương thức họp trực tuyến gần hai năm qua do hậu quả của đại dịch Covid-19 hạn chế việc tiếp xúc, trao đổi trực tiếp vốn rất quan trọng và cần thiết.

Tuy nhiên, tham gia HĐBA lần này, kể cả khi đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐBA, Việt Nam có thuận lợi với tâm thế là một nước thành viên có vai trò, uy tín cao trên trường quốc tế nhờ những thành tựu của công cuộc đổi mới toàn diện, hội nhập sâu rộng và đường lối đối ngoại ưu việt, được nhìn nhận là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, thành viên có trách nhiệm của LHQ thể hiện trong quá trình Việt Nam tham gia LHQ nhiều thập kỷ qua, đặc biệt quá trình tham gia công việc của HĐBA nhiệm kỳ đầu 2008-2009.

Đại sứ Lê Lương Minh tin tưởng, kinh nghiệm thực tiễn thu được qua nhiệm kỳ đầu 2008-2009, cơ chế phối hợp hiệu quả đã được minh chứng và đội ngũ cán bộ ngoại giao đa phương được đào tạo bài bản và đã có thời gian chuẩn bị kỹ càng, là những yếu tố thuận lợi bảo đảm cho thành công của nhiệm kỳ này.

Việt Nam và Hội đồng Bảo an: Từ những thời khắc ‘cân não’ trong hành trình gian khó đến vị thế đáng tự hào

Hợp tác ASEAN - LHQ bắt đầu từ những năm 1970 chủ yếu trong lĩnh vực hoạt động phát triển đã liên tục được tăng cường. Đến 2011, hai bên ký tuyên bố nâng cấp lên quan hệ đối tác toàn diện và từ đó ngoài các cuộc họp thường niên bên lề Đại hội đồng LHQ giữa các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với Chủ tịch Đại hội đồng và Tổng Thư ký LHQ.

Trong 5 năm trở lại đây, hai bên có thêm các cuộc họp tham vấn định kỳ giữa hai Ban Thư ký, đồng thời thường xuyên tổ chức họp cấp cao giữa lãnh đạo của ASEAN và Tổng thư ký LHQ.

Bên cạnh đó, ASEAN và LHQ còn thiết lập các Kế hoạch hành động thực hiện Tuyên bố về Quan hệ đối tác toàn diện. Trong khi ASEAN ủng hộ Chương trình Nghị sự về Phát triển bền vững của LHQ thì LHQ cũng ủng hộ xây dựng Cộng đồng ASEAN và việc hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN.

Việc Việt Nam trong tháng Chủ tịch HĐBA lần thứ nhất (tháng 1/2020) tổ chức Phiên họp lần đầu tiên của HĐBA với chủ đề “Hợp tác giữa LHQ và ASEAN” và trong tháng Chủ tịch thứ hai (tháng 4/2021) tổ chức Phiên thảo luận Cấp cao trực tuyến với chủ đề “Vai trò của các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa xung đột”, đã góp phần nâng cao nhận thức vai trò, đóng góp của ASEAN, đồng thời nâng tầm hợp tác hai bên.

Theo Đại sứ Lê Lương Minh, phiên họp vừa qua trong tháng 4 với nội dung tiếp nối ưu tiên của Việt Nam về vấn đề tăng cường vai trò của các tổ chức khu vực, đã khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong duy trì hòa bình, an ninh, ổn định khu vực, đồng thời tạo cơ hội để ASEAN chia sẻ với cộng đồng quốc tế định hướng trong việc giải quyết các vấn đề khu vực.

Đại sứ Lê Lương Minh, người từng có duyên với cả hai tổ chức khu vực và tổ chức quốc tế quan trọng bậc nhất với Việt Nam, nhấn mạnh: “Đây chính là thành công của Việt Nam khi đảm nhiệm vai trò kép là Chủ tịch ASEAN năm 2020, đồng thời là UVKTT HĐBA năm 2020-2021, qua đó góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trong ASEAN và tại LHQ”.

Việt Nam và Hội đồng Bảo an: Từ những thời khắc ‘cân não’ trong hành trình gian khó đến vị thế đáng tự hào

Bài: Thu Trang

Ảnh: NVCC, TTXVN

Thiết kế: Anh Tuấn

Đọc thêm

Việt Nam - Brazil: Bện chặt thêm sợi dây liên kết từ rất sớm giữa hai dân tộc

Việt Nam - Brazil: Bện chặt thêm sợi dây liên kết từ rất sớm giữa hai dân tộc

"Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Brazil 112 năm trước chính là biểu tượng cho sợi dây liên kết từ rất sớm giữa hai dân tộc. Dù cách xa nửa vòng trái đất, nhưng nhân dân hai nước đã có những điểm chung..." Đại sứ Việt Nam tại Brazil Bùi Văn Nghị trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam trước thềm chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Những ‘cú twist’ đối ngoại sẽ tái định hình ‘phong cách Donald Trump’

Những ‘cú twist’ đối ngoại sẽ tái định hình ‘phong cách Donald Trump’

‘Nước Mỹ trên hết’, ‘chia sẻ trách nhiệm’, ‘áp lực tối đa’, ‘cây gậy và củ cà rốt’… sẽ là những cách tiếp cận mới trong chính sách đối ngoại mang ‘thương hiệu’ riêng của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Chuyến công tác nhiều lần 'đầu tiên' đặc biệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Chuyến công tác nhiều lần 'đầu tiên' đặc biệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Chuyến công tác 8 ngày với gần 80 hoạt động của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đạt được kết quả tốt đẹp trên cả bình diện song phương và đa phương.
Trung Quốc dành nhiều biệt lệ đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân

Trung Quốc dành nhiều biệt lệ đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm từ ngày 18-20/8, Đảng, Nhà nước Trung Quốc thu xếp đón tiếp đặc biệt trọng thị, bố trí các biện pháp lễ tân, an ninh cao nhất theo nghi thức chuyến thăm cấp Nhà nước với nhiều biệt lệ, thể hiện sự coi trọng quan hệ với Đảng, Nhà nước, Nhân dân Việt Nam và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa đối ngoại Việt Nam lên tầm cao mới

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa đối ngoại Việt Nam lên tầm cao mới

"Những thành tựu đối ngoại của Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua có những dấu ấn to lớn, quan trọng, có ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng", Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác đối ngoại.
'Việt Nam thực chất đã vận hành như một nền kinh tế thị trường'

'Việt Nam thực chất đã vận hành như một nền kinh tế thị trường'

Việc Mỹ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ nhất quán, phù hợp với việc tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, cụ thể hóa các cam kết để mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người tiêu dùng của cả hai nước. Chính việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ giúp đẩy nhanh việc chuyển dịch chuỗi cung ứng, phù hợp với chiến lược friend-shoring của Mỹ để sắp xếp lại chuỗi cung ứng đến các quốc gia an toàn và đáng tin cậy.