📞

Việt Nam với Chiến lược Du lịch ASEAN giai đoạn 2016 - 2025

10:22 | 30/03/2016
Phần lớn doanh nghiệp Việt chưa nhận thức đầy đủ, thậm chí chủ quan, thiếu sự chuẩn bị, chưa sẵn sàng năng lực để hội nhập...
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: MH)

Nhằm nâng cao nhận thức về cơ hội và thách thức đối với ngành Du lịch Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Tổng cục Du lịch tổ chức “Hội nghị Phổ biến Chiến lược Du lịch ASEAN giai đoạn 2016-2025 và các nội dung liên quan đến hội nhập” với sự hỗ trợ kỹ thuật của Dự án “Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với Môi trường và Xã hội” (Dự án EU-ESRT do liên minh châu Âu tài trợ).

Tham dự hội thảo có lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Tổng cục Du lịch, đại diện Ban Quản lý Dự án EU-ESRT, đại diện các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các công ty lữ hành, các cơ sở đào tạo du lịch và đại diện các bộ ngành liên quan.

Hội nghị là diễn đàn để các nhà quản lý - hoạch định chính sách, các chuyên gia trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp cũng như người lao động chia sẻ thông tin kinh nghiệm, đánh giá cơ hội, khó khăn và thách thức trong quá trình Việt Nam hội nhập. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp có nhận thức đầy đủ về con đường hội nhập, từ đó chủ động xây dựng kế hoạch, chiến lược hoạt động phù hợp và hiệu quả nhằm tận dụng cơ hội và vượt qua những khó khăn, thách thức trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập du lịch trong Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Nói về những hỗ trợ của Dự án EU-ESRT trong tiến trình hội nhập ASEAN của Du lịch Việt Nam, ông Vũ Quốc Trí, Giám đốc Dự án EU-ESRT cho biết, để tăng cường năng lực cạnh tranh du lịch marketing và quảng bá xúc tiến, Dự án đã triển khai các hoạt động bao gồm phát triển sản phẩm, quản lý điểm đến, phát triển nguồn nhân lực, sửa đổi luật du lịch, hình thành Hội đồng Tư vấn Du lịch và các đóng góp của hội đồng, triển khai Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề Du lịch (MRA) và hội nhập ASEAN. Để giúp ngành Du lịch phát triển bền vững và toàn diện, Dự án cũng đã triển khai các hoạt động thực hành nguyên tắc du lịch có trách nhiệm tại Việt Nam, nâng cao sự tham gia của cộng đồng trong việc thay đổi môi trường và khí hậu.

 Ông Vũ Quốc Trí, Giám đốc Dự án EU-ESRT  phát biểu tại hội nghị (Ảnh: MH)

Theo các chuyên gia Dự án EU-ESRT, thách thức đối với việc hội nhập ASEAN của Du lịch Việt Nam là phần lớn doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ, thậm chí còn chủ quan, thiếu sự chuẩn bị và chưa sẵn sàng về năng lực để hội nhập. Bên cạnh đó, sự chậm trễ do chuyển đổi cơ chế quản lý nhà nước về đào tạo nghề theo Luật việc làm cũng như hạn chế trong việc tìm được sự đồng thuận giữa các Bộ, ngành liên quan đã gây cản trở đáng kể đối với ngành Du lịch.

Để khắc phục những hạn chế trên, Dự án EU-ESRT đề xuất tiếp tục phổ biến và sử dụng tài liệu “Hướng dẫn xây dựng chính sách du lịch có trách nhiệm” như một nền tảng cơ bản để biến Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn, thú vị, từ đó thu hút thêm nhiều du khách. Mặt khác, cần đẩy mạnh thực hiện thỏa thuận Thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN (MRA-TP) và Tiêu chuẩn Nghề Du lịch Việt Nam (VTOS), đảm bảo nhân lực du lịch Việt Nam chuyên nghiệp, có kỹ năng để cung cấp dịch vụ có tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng được nhu cầu của du khách.