Đại sứ Charlotte Laursen phát biểu tại họp báo ở Đại sứ quán Đan Mạch ngày 28/9. Ảnh: D.H/TG&VN |
Đối với nhà ngoại giao 52 tuổi này, nhiệm kỳ "đi sứ" ở Hà Nội lần này không phải là sự khởi đầu mà thực ra là sự tiếp nối. Trong những năm 2004-2007, bà Charlotte Laursen đã đảm nhiệm thành công cương vị Phó Trưởng cơ quan đại diện Đan Mạch tại Việt Nam.
Những thay đổi tích cực
Trở lại Việt Nam sau gần mười năm, Đại sứ Charlotte Laursen không khỏi bất ngờ trước sự thay đổi nhanh chóng của đất nước hình chữ S. Sự phát triển ấn tượng của Việt Nam thể hiện qua số lượng ô tô lưu thông trên đường phố cũng như sự xuất hiện của rất nhiều công trình xây dựng, tòa nhà cao tầng, đường cao tốc…
Một phát hiện thú vị đối với bà là xe đạp không hẳn là phương tiện của người có thu nhập thấp. "Trước đây, đa số người Việt Nam đi xe đạp, sau đấy là xe máy và giờ ô tô khá phổ biến. Song tôi lại thấy nhiều người Việt Nam có xu hướng quay trở lại sử dụng xe đạp như một phương tiện đi lại ở cự ly gần", bà chia sẻ.
Tất nhiên, có những thứ không thay đổi ở Việt Nam là con người và văn hóa nơi đây. "Tôi vẫn cảm nhận được sự thân thiện, hiếu khách, rất quan tâm đến nhau của người Việt Nam. Họ chăm chỉ làm việc nhằm đem lại sự phát triển cho đất nước cũng như cho chính gia đình mình".
Câu chuyện hợp tác thành công
Có một "chuyển động" khác mà Đại sứ Charlotte Laursen rất tự hào, đó là sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ Việt Nam và Đan Mạch theo dòng chảy thời gian. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1971, hai nước đã trải qua mối quan hệ lâu dài trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau và hợp tác chặt chẽ. Từ năm 1994 đến nay, Đan Mạch đã cung cấp cho Việt Nam 1,3 tỷ USD hỗ trợ phát triển chính thức và là một trong những quốc gia EU tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam.
Đất nước Bắc Âu đã hỗ trợ Việt Nam giảm nghèo, đặc biệt trong các lĩnh vực thủy sản, năng lượng, nước sạch, quản trị, luật pháp, hành chính công và khu vực tư nhân. Đại sứ Charlotte Laursen khẳng định "sự hỗ trợ mấy thập kỷ qua với Việt Nam được đánh giá là một trong những câu chuyện hợp tác thành công nhất của Đan Mạch".
Sự thành công này, theo bà, bắt nguồn từ việc hai nước đặt ra các nội dung hợp tác cụ thể và trọng tâm. Việt Nam đã được đánh giá là một nước thu nhập trung bình, sự hợp tác giữa hai bên đang trở nên bình đẳng và cân bằng hơn. "Chúng tôi đang làm việc để duy trì một sự chuyển đổi chiến lược từ hỗ trợ phát triển sang hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực", bà nói.
Ưu tiên thúc đẩy kinh tế
Với Đan Mạch, Việt Nam là nền kinh tế có sức hút lớn. Tính riêng trong lĩnh vực thương mại, giao thương hai chiều đã tăng gần 100% kể từ năm 2010 và hơn 130 công ty Đan Mạch đang hiện diện tại Việt Nam. Theo Đại sứ Charlotte Laursen, con số này rất lớn so với một quốc gia nhỏ bé như Đan Mạch (hơn 43.000 km2) với dân số thậm chí còn ít hơn Hà Nội.
"Ưu tiên hàng đầu của tôi trong nhiệm kỳ này chính là thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa hai nước", bà khẳng định. Các công ty Đan Mạch đứng đầu thế giới về những lĩnh vực như tăng trưởng xanh, an toàn thực phẩm, nước sạch, dược phẩm… rất phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU dự kiến vào cuối năm nay sẽ được tận dụng một cách tối đa để mang lại cơ hội cho cả Việt Nam và EU, trong đó có Đan Mạch về đầu tư và thương mại.
Theo nhà ngoại giao Đan Mạch, Việt Nam cần tiếp tục có nhiều thay đổi tích cực trong các lĩnh vực cải cách hành chính, tư pháp, giáo dục… Tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng cần được duy trì vì đó là một trong những điều kiện tiên quyết dẫn tới những thay đổi khác.
Không chỉ có Andersen
Tất nhiên, sự hợp tác giữa Việt Nam và Đan Mạch không dừng lại ở kinh tế. Một ưu tiên khác của Đại sứ Charlotte Laursen là trao đổi văn hóa và bà đang trông đợi đến Liên hoan âm nhạc Gió mùa, vốn lấy cảm hứng từ những liên hoan âm nhạc của Đan Mạch, vào ngày 8/10 tới. Bà cũng hy vọng kết nối nhiều hơn các cơ sở giáo dục của hai bên, đồng thời chú trọng cung cấp đủ nhân sự chất lượng, đáp ứng nhu cầu của khu vực tư nhân.
Nói về sự giao lưu giữa người dân, bà cho rằng: "Tôi không phải người Đan Mạch duy nhất yêu mến Việt Nam. Năm 2014 có 27.000 du khách Đan Mạch tới Việt Nam và con số này tăng 10% mỗi năm".
Theo Đại sứ, nhiều người dân Việt Nam mới biết tới Đan Mạch qua các câu chuyện cổ Andersen hay bức tượng nàng tiên cá huyền thoại. Bà hy vọng người Việt Nam sẽ nhận ra quê hương của đồ chơi lắp ráp lego còn là một xã hội hiện đại, có những công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực năng lượng gió, vận tải biển, chú trọng công nghệ xanh với nền nông nghiệp tiên tiến.
Đan Mạch còn là một trong những đất nước hạnh phúc nhất thế giới. "Tôi không biết vì sao lại được xếp hạng như thế, phải chăng vì người dân Đan Mạch thích mua sắm", bà nói vui.
Hạnh Diễm