📞

Vĩnh Phúc khơi thông vốn đầu tư công phục vụ phát triển

Tống Thoan 22:41 | 11/12/2023
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, năm 2023, Vĩnh Phúc trở thành một trong những điểm sáng của cả nước về giải ngân vốn đầu tư công.
Lễ khánh thành cầu Vĩnh Phú ngày 30/8, công trình xây dựng bằng nguồn vốn đầu tư công. (Nguồn: TTXVN)

Báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho hay, năm 2023, tổng nguồn vốn đầu tư công Trung ương giao là 7.688,404 tỷ VND. Đến hết 30/11, toàn tỉnh đã giải ngân được 7.938 tỷ VND, tăng 3,2% so với kế hoạch vốn Trung ương giao, đứng thứ 7/63 tỉnh, thành trong cả nước. Đây cũng là năm có tỷ lệ, khối lượng giải ngân vốn đầu tư công cao nhất từ trước đến nay của tỉnh.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, nhận thức việc giải ngân vốn đầu tư công không thể chậm trễ và là nội dung thuộc 3 định hướng lớn tạo đột phát phát triển, tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung đôn đốc, nỗ lực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Ngay từ cuối năm 2022, UBND tỉnh đã thực hiện phân khai Kế hoạch đầu tư công năm 2023 cho các chương trình, dự án, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án trong những tháng đầu năm. Cùng với đó, tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; hằng tháng tổ chức họp chuyên đề nghe báo cáo tình hình thực hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức họp giao ban, giải quyết cụ thể các khó khăn, vướng mắc về thủ tục, trình tự, giá nguyên vật liệu xây dựng, giá đất,… Đồng thời, lãnh đạo tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành tăng cường tập huấn, hướng dẫn Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách Nhà nước cho các địa phương, chủ đầu tư; UBND cấp huyện tăng cường thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các dự án…

Những nỗ lực đã thu về trái ngọt khi tỉnh đã hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng nhiều công trình, dự án quan trọng tới an sinh xã hội như: Cầu Vĩnh Phú; đường Vành đai 2, đoạn từ QL.2B đến QL.2C; Dự án Cải tạo, nâng cấp và mở rộng mặt đê hữu sông Phó Đáy, huyện Lập Thạch; Dự án Nâng cấp, cải tạo Trung tâm Y tế Lập Thạch; Dự án Trung tâm Y tế thành phố Phúc Yên, giai đoạn 2; Dự án Cải tạo, nâng cấp QL.2B, đoạn từ cầu Chân Suối đến Khu du lịch Tam Đảo I…

Đồng thời, nhiều công trình, dự án cũng được khởi công mới, đem lại diện mạo mới cho toàn tỉnh như: Dự án Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh; Dự án Trụ sở làm việc Sở Giao thông Vận tải và Ban Quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng các công trình giao thông; Dự án Đường song song đường sắt Hà Nội - Lào Cai, tuyến phía Bắc, đoạn từ Khu công nghiệp Khai Quang đến Khu công nghiệp Bình Xuyên; Dự án Trường THPT Trần Phú…

Điều kiện thời tiết thuận lợi cùng với năng lực thi công của các nhà thầu và nguồn vốn đầu tư công được giải ngân kịp thời, dự kiến trong tháng 12 này, Vĩnh Phúc sẽ có thêm một số công trình, dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng như: Dự án Mở cầu Bến Gạo qua sông Phó Đáy trên ĐT. 305; Dự án Tu bổ, tôn tạo đình Thổ Tang, thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường; Dự án đường Vành đai 2 thành phố Vĩnh Yên, đoạn từ Tôn Đức Thắng đến QL.2B…

Năm 2024, Vĩnh Phúc dự kiến tổng vốn đầu tư công là 7.701,818 tỷ VND. Từ nguồn vốn này, tỉnh sẽ bố trí đủ vốn cho các công trình, dự án đã quyết toán, hoàn thành bàn giao đưa và sử dụng trước 31/12/2023; dự án chuyển tiếp phải hoàn thành trong năm 2024 theo quy định. Dự kiến, tỉnh sẽ bố trí vốn cho các nhiệm vụ, dự án thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh như: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; Nghị quyết số 06/2023/NQ - HĐND, ngày 5/5/2023 của HĐND tỉnh ban hành về Quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023 – 2030; Nghị quyết số 71/2019/NQ - HĐND, ngày 23/10/2019, quy định cơ chế hỗ trợ đầu tư, tu bổ hệ thống di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2019 - 2025…

Những thành tích đạt được trong năm 2023 về giải ngân vốn đầu tư công là bàn đạp vững chắc để kỳ vọng trong tương lai Vĩnh Phúc sẽ có thêm nhiều công trình, dự án được đầu tư xây dựng phục vụ phát triển kinh tế - xã và nâng cao mọi mặt đời sống nhân dân.

3 định hướng lớn tạo đột phát phát triển

Nghị quyết của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc nêu 3 định hướng lớn tạo đột phá phát triển được tỉnh Vĩnh Phúc:

- Hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

- Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài; đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số.

- Huy động và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm mọi nguồn lực, tạo đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội đồng bộ, hiện đại. Ưu tiên tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, thực hiện các dự án trọng điểm, có sức lan tỏa, có khả năng kết nối liên vùng.