Hội nghị “Vĩnh Phúc trong kết nối hợp tác và phát triển Việt Nam-Nhật Bản” năm 2022. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Với vị trí địa lý thuận lợi nằm ở vùng đồng bằng sông Hồng, thuộc quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh có nền kinh tế phát triển nhất miền Bắc. Hòa chung xu hướng phục hồi tích cực của tăng trưởng kinh tế sau đại dịch, cùng với sự khởi sắc của các khu vực doanh nghiệp trên cả nước, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc trong những năm qua đạt được nhiều tín hiệu tích cực.
Lựa chọn hàng đầu của doanh nghiệp
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 20 khu công nghiệp được phê duyệt quy hoạch. Trong đó, 9 khu công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 80% tổng diện tích. Tỉnh hiện đã thu hút gần 1.300 dự án đầu tư, bao gồm hơn 450 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 7,8 tỷ USD từ 20 quốc gia/vùng lãnh thổ; gần 830 dự án DDI với tổng vốn đầu tư hơn 130 nghìn tỷ VND; tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động trong và ngoài tỉnh.
Đáng chú ý là sự có mặt của các dự án đầu tư lớn, các tập đoàn đa quốc gia như Honda, Toyota, Piaggio…, đóng góp chủ lực cho tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, đồng thời tạo ra làn sóng đầu tư mới cho tỉnh Vĩnh Phúc. Các dự án, doanh nghiệp đầu tư đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng, quy mô, cơ cấu và chất lượng.
Những thành quả này có được là nhờ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng bộ các khu công nghiệp, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư thông qua các cơ chế, chính sách thông thoáng mà tỉnh Vĩnh Phúc đang triển khai quyết liệt.
Cụ thể, tỉnh luôn chú trọng công tác xúc tiến đầu tư, nâng cao chất lượng thu hút đầu tư; khuyến khích, hỗ trợ và tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động đầu tư, kinh doanh hiệu quả trong các khu công nghiệp. Đồng thời, tỉnh cũng quán triệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện phương châm đồng hành cùng doanh nghiệp; quan tâm, hỗ trợ giải quyết khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp; tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển; coi sự phát triển, sức sống của doanh nghiệp chính là sự phát triển, sức sống của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh cũng ưu tiên dành quỹ đất để thu hút các nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án đầu tư có quy mô lớn, lĩnh vực đặc thù, phát triển các khu công nghiệp theo các lĩnh vực thu hút đầu tư của tỉnh…
Hiện nay, 100% thủ tục đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc được kê khai trực tuyến trên hệ thống thông tin quốc gia; 100% thủ tục hành chính về lao động được thực hiện 4 tại chỗ, thời gian giải quyết được rút gọn, nhanh chóng, thuận lợi cho doanh nghiệp. UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng kịp thời có văn bản kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo thẩm quyền ban hành; xây dựng các giải pháp đồng bộ để xử lý thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; xây dựng quy trình về theo dõi, giải quyết và phản hồi vướng mắc của nhà đầu tư; đổi mới nội dung các hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp để nghe phản ánh và kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Chủ động tìm kiếm và nắm bắt các cơ hội, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức thành công nhiều chuyến xúc tiến đầu tư ở nước ngoài (Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…); trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp, quỹ đầu tư và một số tổ chức xúc tiến thương mại nhằm tìm hướng phát triển du lịch và xây dựng đô thị, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh như điện tử, ô tô, xe máy, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ... Bên cạnh đó, tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến thu hút các nhà đầu tư chiến lược; tiếp đón và làm việc với nhiều đoàn các nhà đầu tư từ các nước đến thăm, tìm hiểu môi trường kinh doanh của tỉnh…
Nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn Vĩnh Phúc để đầu tư bởi các chính sách, cơ chế thuận lợi trong thu hút đầu tư của tỉnh. Cùng với đó, Vĩnh Phúc là địa phương giáp Thủ đô Hà Nội, hệ thống giao thông kết nối thuận tiện; sự đa dạng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước tại đây sẽ là bàn đạp thuận lợi giúp doanh nghiệp mở rộng quan hệ hợp tác sản xuất, kinh doanh và cung ứng sản phẩm ra thị trường.
Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh có nền kinh tế phát triển nhất miền Bắc. (Anhr: KL) |
Đẩy mạnh du lịch, dịch vụ
Chỉ cách Hà Nội 60km, Vĩnh Phúc còn thuận lợi thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế với nhiều địa điểm du lịch sinh thái, du lịch tâm linh thú vị. Với tiềm năng về văn hóa, vùng đất, con người, trong những năm qua ngành du lịch Vĩnh Phúc đã có bước phát triển đột phá. Trên địa bàn tỉnh có hơn 1300 di tích lịch sử, văn hóa. Trong đó có 514 di tích được xếp hạng các cấp, 3 di tích được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt gồm: Danh thắng Tây Thiên, Tháp Bình Sơn, Đình Thổ Tang.
Vĩnh Phúc còn là địa phương nổi danh về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, và cả du lịch mạo hiểm. Trong đó có thể kể đến Thị trấn Tam Đảo từ lâu là địa điểm du lịch được du khách trong và ngoài nước yêu mến, lựa chọn. Đáng chú ý, năm 2022 thị trấn Tam Đảo đã được công nhận là điểm đến du lịch hàng đầu thế giới. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng công nhận Tam Đảo là Khu du lịch Quốc gia. Trong khi đó, hệ thống sân golf Vĩnh Phúc lọt top 5 sân golf được yêu thích nhất.
Nhằm thu hút du lịch và quảng bá hình ảnh đẹp của Vĩnh Phúc - vùng đất có nhiều danh lam thắng cảnh, giàu truyền thống văn hóa, đến bạn bè thế giới, tỉnh luôn chú trọng công tác bảo tồn, quản lý di sản; phát triển du lịch, dịch vụ gắn liền với bảo vệ sinh thái, môi trường; phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ mới trên cơ sở phát huy thế mạnh của địa phương; tăng cường kết nối điểm đến và chuỗi cung ứng dịch vụ của các địa phương trở thành các sản phẩm du lịch an toàn, có chất lượng…
Trong những năm qua, công tác quản lý di sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã được đẩy mạnh triển khai. UBND tỉnh đã ban hành 18 văn bản chỉ đạo các địa phương thực hiện bảo tồn, giữ gìn, phát huy các di sản văn hóa; chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ chuẩn bị đầu tư tu bổ, sửa chữa 24 di tích trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Vĩnh Phúc cũng phê duyệt đề cương đề án bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Đồng Đậu giai đoạn 2023 - 2025.
Công tác chỉ đạo, tổ chức xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”, được triển khai đồng bộ. Đến nay đã có nhiều khu thiết chế văn hóa, thể thao “làng văn hóa kiểu mẫu” được khánh thành.
Với mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, những năm gần đây, Vĩnh Phúc đã có nhiều chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch với các chủ đề phong phú, hấp dẫn nhằm xây dựng một tầm nhìn phát triển xa hơn cho du lịch Vĩnh Phúc. Đặc biệt là các chương trình liên kết phát triển du lịch Vĩnh Phúc với Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc với Phú Quốc - Kiên Giang để cùng cải thiện chất lượng du lịch, dịch vụ, kết nối lữ hành, giới thiệu về điểm đến du lịch Vĩnh Phúc an toàn, thân thiện với các doanh nghiệp các tỉnh phía Nam.
Nhờ có những quyết sách đúng đắn, cơ chế tạo điều kiện thuận lợi, ngành du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đã có bước tăng trưởng vượt bậc cả về quy mô, chất lượng và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, cùng với các khu công nghiệp đóng góp vào sự phát triển của toàn tỉnh.
| Vĩnh Phúc đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó Với tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó ... |
| Đảng ủy Bộ Ngoại giao tổ chức lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về nghiệp vụ công tác đảng tại tỉnh Vĩnh Phúc Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức nghiệp vụ công tác đảng cho bí thư cấp ủy, cấp ủy viên các cấp trực thuộc Đảng ... |
| Vĩnh Phúc: Chuyển đổi số là ‘mắt xích’ phát triển thương mại, dịch vụ theo hướng hiện đại Nhằm thay đổi diện mạo đô thị, nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân, thời gian qua tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai ... |
| Vĩnh Phúc đề cao vai trò phụ nữ trong quá trình hội nhập, phát triển Trong những năm qua, vai trò, vị thế của phụ nữ Vĩnh Phúc trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ngày ... |
| Vĩnh Phúc hướng đến phát triển toàn diện nhờ mô hình làng văn hóa kiểu mẫu Những làng văn hóa kiểu mẫu được xây dựng ở Vĩnh Phúc đang góp phần thay đổi diện mạo toàn tỉnh, biến mảnh đất này ... |