Ngành dược là lĩnh vực có thể ít bị tác động thâm chí là "sống khỏe" trong đại dịch (Ảnh: ĐV) |
Bên cạnh đó, có 10 ngành trung lập và 9 ngành sẽ bị tác động tiêu cực. Song với các chuyên gia phân tích tại SSI, hiện vẫn còn quá sớm để đưa ra những đánh giá cụ thể về diễn biến của thị trường chứng khoán cũng như dự báo kết quả kinh doanh và lợi nhuận của các công ty đại chúng.
4 nhóm ngành ít bị tác động, thậm chí là “sống khỏe”
Báo cáo của SSI chỉ ra 4 nhóm ngành được tâm lý thị trường kỳ vọng sẽ tích cực. Trong số đó, lĩnh vực được kỳ vọng nhiều nhất dễ thấy nhất là các cổ phiếu trong ngành dược.
Tuy nhiên, những chuyên gia của SSI lại cho rằng, đây chỉ là xu hướng tâm lý trong ngắn hạn và họ chưa thấy có dấu hiệu thay đổi đáng kể về yếu tố cơ bản đối với các công ty dược niêm yết trong bối cảnh dịch virus corona, vì vậy báo cáo nhấn mạnh tiếp tục duy trì quan điểm trung lập với lĩnh vực này trong năm 2020.
Bên cạnh đó, nhóm ngành công nghệ thông tin, điện và nước sạch được đánh giá cao về triển vọng.
Các chuyên gia của SSI dự báo “ngay cả khi tăng trưởng kinh tế bị chững lại, chi tiêu cho các dự án công nghệ thông tin vẫn là điều cần thiết để duy trì khả năng cạnh tranh cũng như giúp cắt giảm chi phí trong sản xuất, kinh doanh tại các công ty.
Với ngành điện, các nhà máy nhiệt điện khí sẽ được hưởng lợi từ giá dầu thô sụt giảm công thêm việc giá khí thấp hơn (cơ chế giá mua khí NT2 là 46% MFO) trong quý I. Cụ thể, giá MFO đang bình quân ở mức 7,82 USD/mbtu so với 8,93 USD/mbtu của tháng 1/2019, dẫn đến giá khí đầu vào của NT2 chỉ ở mức xấp xỉ 5,9 USD/mbtu và giảm 11,4% so với mức 6,66 USD/mbtu tại tháng 1/2019.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, dịch virus corona không ảnh hưởng đến ngành nước sạch. Trên thị trường, nhu cầu nước sạch vân tăng trưởng ổn định ở mức 7%/năm với giá bán lẻ bình quân tăng 3%-5%/năm.
9 ngành có thể chịu tác động tiêu cực
Trái lại với tình hình tươi sáng của 4 ngành trên, theo báo cáo, dịch virus corona có thể tác động tiêu cực đến 9 ngành khác bao gồm may mặc, bán lẻ, thủy sản, bia, dầu khí, chứng khoán, cảng biển và vận chuyển, dịch vụ sân bay, hàng không.
Theo phân tích từ báo cáo, dịch bệnh sẽ không có tác động trực tiếp đến nhu cầu các sản phẩm may mặc, vì hầu hết công ty may mặc của Việt Nam không xuất khẩu sang Trung Quốc. Song, do GDP của Trung Quốc tăng trưởng chậm lại nhiều khả năng sẽ gây tác động tiêu cực đến tiêu dùng trong dài hạn.
Một điểm đáng lưu ý, Trung Quốc là thị trường cung cấp vải nguyên liệu lớn nhất cho Việt Nam. Do đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực khi nhiều nhà máy dệt tại Trung Quốc đóng cửa trong tháng Một và Hai.
Riêng với ngành bán lẻ sẽ bị tác động trực tiếp, nhóm phân tích chỉ ra lượt khách mua sắm tại các cửa hàng sẽ giảm do phải hạn chế đến những nơi công cộng nhằm tránh khả năng lây nhiễm virus corona. Có thể, người tiêu dùng sẽ chuyển hướng sang các sản phẩm bảo vệ sức khỏe cần thiết (như dược phẩm) thay vì các mặt hàng công nghệ như trước đây.
Thêm vào đó, các chuyên gia này nhấn mạnh: “Thói quen tiêu dùng của người dân có thể sẽ chuyển từ thương mại truyền thống sang hình thức thương mại hiện đại, mua sắm trực tuyến để đảm bảo an toàn vệ sinh.”
Việc người tiêu dùng tránh đi tới những nơi công cộng là lý do khiến các nhóm phân tích cho rằng nhu cầu tiêu dùng bia sẽ giảm và ngành này theo đó sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ virus corona.
Đặc biệt với nhóm ngành thủy sản, hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc có thể giảm sút. Trước đó, trong năm 2019, thị trường Trung Quốc chiếm 16,5% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, trong đó mặt hàng tôm 16,1% và cá tra 33%.
Ngoài ra, các nhóm ngành cảng biển và vận chuyển, dịch vụ sân bay, hàng không sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực từ sự cố dịch bệnh. Khi mà hành khách từ Trung Quốc chiếm khoảng 40% tổng số lượt khách tới Việt Nam trong năm 2019. Bên cạnh đó, các hoạt động vận chuyển hàng hóa liên quan đến Trung Quốc cũng sẽ giảm do nhu cầu từ tiêu dùng của Trung Quốc thấp hơn và hoạt động sản xuất bị hạn chế.
Với các doanh nghiệp trong ngành dầu khí, báo cáo này dự báo giá dầu có thể tiếp tục giảm do nhà đầu tư lo ngại về nhu cầu dầu mỏ sẽ yếu đi tại Trung Quốc, nơi mà nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi virus corona.
Và cuối cùng là nhóm chứng khoán, phân tích chỉ ra tâm lý thị trường sẽ bị ảnh hưởng xấu trong ngắn hạn, nhưng khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường sẽ ngay lập tức phục hồi mạnh mẽ như đã từng xảy ra trong quá khứ.
“Chúng tôi duy trì quan điểm trung lập đối với ngành chứng khoán trong năm 2020”, nhóm phân tích đánh giá.
10 nhóm ngành "bình chân như vại"
Nhóm phân tích cho rằng, ngành ôtô có thể sẽ không chịu ảnh hưởng bởi virus corona, do đó họ giữ nguyên quan điểm tích cực về ngành và kỳ vọng mức tăng trưởng khoảng 10%-11% số lượng xe bán ra trong năm 2020.
Bất động sản thương mại, khu công nghiệp và các ngành liên quan (như xây dựng, thép, xi măng) được cho là không bị ảnh hưởng bởi virus corona. Báo cáo chỉ ra hoạt động mua nhà chung cư dựa trên nhu cầu và kế hoạch để sinh sống trong dài hạn, do đó không liên quan đến sự kiện như bệnh dịch. Thêm vào đó, nhu cầu thuê đất khu công nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục tăng trước làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh cộng thêm sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc.
Với nhóm ngân hàng, mặc dù có thể chịu ảnh hưởng từ dịch virus corona song chỉ trong ngắn hạn song nhóm phân tích giữ quan điểm tích cực về triển vọng của ngành này trong năm 2020 và khuyến nghị mua tại vùng giá thấp.
Về nhóm các công ty bảo hiểm nói chung, dịch virus corona tại Việt Nam sẽ khiến chi phí bồi thường tăng lên ở mức vừa phải, do hầu hết các chi phí y tế sẽ được bảo hiểm xã hội chi trả. Bên cạnh đó, việc thanh toán chi phí bồi thường thực tế có thể chỉ xảy ra 1 đến 2 tháng sau sự cố, do đó kết quả kinh doanh của ngành trong quý 1 sẽ ít bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, nhóm các công ty kinh doanh trong lĩnh vực sữa cũng có thể không chịu ảnh hưởng từ virus corona, thậm chí các chuyên gia của SSI còn cho rằng các sản phẩm từ sữa được coi là nguồn cung cấp protein và thuận tiện để tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh người tiêu dùng sẽ hạn chế đến những nơi công cộng và giảm các hoạt động ăn uống bên ngoài.
Và, cuối cùng là nhóm ngành phân bón nhờ vào việc giá dầu giảm sẽ tiết kiệm được chi phí khí đầu vào. Tuy nhiên, trong trường hợp Việt Nam hạn chế thương mại qua biên giới sẽ làm giảm xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc cũng như tiêu thụ phân bón.