📞

Virus SARS-CoV-2 và cuộc chiến không hồi kết

11:42 | 05/08/2021
SARS-CoV-2 sẽ không biến mất, nhưng bài học từ cuộc chiến với virus này sẽ giúp loài người sẵn sàng hơn trước dịch bệnh tương tự trong tương lai.
Virus SARS-CoV-2 sẽ không biến mất ngay cả khi dịch Covid-19 được dập tắt - Ảnh minh họa. (Nguồn: Bruker)

Cuộc đối đầu dai dẳng

Đầu tiên, đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tính đến ngày 3/8, thế giới đã ghi nhận 200 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2, với 4,3 triệu người chết.

Các điểm nóng tại Indonesia, Thái Lan, Malaysia, hay Peru, Brazil, Colombia vẫn tiếp tục ghi nhận nhiều ca mắc mới. Tại Đông Nam Á, Indonesia hiện là vùng dịch lớn nhất khu vực với 3.496.700 ca nhiễm, tăng 33.900, trong đó 98.889 người không qua khỏi.

Dù đã đẩy mạnh tiêm chủng, một số quốc gia đang chứng kiến sự gia tăng trở lại của các ca lây nhiễm, trong đó có Mỹ. Theo số liệu ngày 31/7 của NBC News tại 38 bang, 125.682 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 dù đã tiêm vaccine Covid-19; 1.400 người đã tử vong. Tuy nhiên, số ca tử vong vì Covid-19 của nước này vẫn chủ yếu nằm ở các bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp như Florida và Texas: tỷ lệ cứ ba ca nhiễm mới thì lại có một ca xảy ra tại hai nơi này.

Thêm vào đó, ngay cả khi toàn thế giới được tiêm vaccine Covid-19, virus SARS-CoV-2 sẽ không bị tiêu diệt mà tiếp tục tồn tại trên nhiều loài động vật như khỉ, mèo và hươu.

Tại Đan Mạch, hơn 200 người đã mắc Covid-19 sau khi tiếp xúc với chồn. Dù chưa có bằng chứng rõ ràng về lây nhiễm liên tục SARS-CoV-2 từ người sang động vật và ngược lại, sự tồn tại của virus trong nhiều cá thể động vật cho thấy giả định trên là hoàn toàn có thể xảy ra.

Giấc mơ về miễn dịch cộng đồng cũng đang trở nên mơ hồ hơn bao giờ hết. Hơn một năm trước, có ý kiến cho rằng, nên để virus tiếp tục lây lan để đạt miễn dịch cộng đồng càng sớm càng tốt. Thụy Điển đã theo đuổi cách tiếp cận trên, song kết quả là quốc gia Bắc Âu này có tỷ lệ lây nhiễm và tử vong cao hơn hẳn so với láng giềng, với thiệt hại tương đương về kinh tế. Chỉ đến khi chiến lược chờ đợi miễn dịch cộng đồng khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng, nó mới bị gạch bỏ.

Gần đây, một số nhà dịch tễ học đã thảo luận về tỷ lệ dân số được tiêm chủng cần thiết để đạt miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, có lẽ thế giới không thể chờ đợi miễn dịch cộng đồng để khống chế đại dịch. Quá trình sản xuất, phân phối và tiêm chủng vaccine chưa đủ nhanh, nhất là trước lực cản từ phong trào chống vaccine toàn cầu.

Đáng ngại hơn, các biến thể nguy hiểm hơn của SARS-CoV-2 đang đặt ra bài toán nan giải với y tế toàn cầu. Với tốc độ bùng phát của đại dịch, sự xuất hiện của chúng là khó tránh khỏi.

Trong số đó, biến thể Delta đang gieo rắc nỗi kinh hoàng tại nhiều nơi trên thế giới khi có ít triệu chứng và dễ dàng lây lan cho cả những ai đã tiêm vaccine. Tuy nhiên, với diễn biến hiện nay, các nhà khoa học lo ngại rằng Delta sẽ không phải cái tên cuối cùng trong danh sách “biến thể đáng quan tâm”.

Trận chiến với SARS-CoV-2 rõ ràng là một hành trình dai dẳng và không hề dễ dàng.

Với diễn biến hiện nay, các nhà khoa học lo ngại rằng Delta sẽ không phải cái tên cuối cùng trong danh sách “biến thể đáng quan tâm”.

Tiềm lực và trách nhiệm

Trong cuộc đối đầu ấy, Mỹ cùng các nước phát triển, với tiềm lực về con người, khoa học kĩ thuật và vị thế quốc tế, sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Tuy nhiên, để thực hiện điều này, Washington cần xây dựng lại vị thế dẫn dắt về y tế công cộng toàn cầu. Mỹ cần vượt lên trên bất đồng để kêu gọi thế giới chung tay đối mặt với thách thức y tế chưa từng có trong lịch sử loài người.

Nhưng trước hết, chính quyền của Tổng thống Joe Biden cần kiểm soát được đại dịch Covid-19 tại quê nhà. Trong giai đoạn trước, sự hiệu quả của vaccine cùng chiến dịch tiêm chủng ấn tượng tại nhiều bang đã giảm đáng kể số ca lây nhiễm trên toàn nước Mỹ.

“Bóng đen của dịch bệnh” không còn bao phủ xứ cờ hoa. Song còn đó nhiều chuỗi “điểm đen” về lây nhiễm, đặc biệt là tại các bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp, trong bối cảnh phong trào phản đối vaccine đang dâng cao.

Có lẽ, đã đến lúc Mỹ cân nhắc một chiến lược khác. Những năm 1970, nhằm tiêu diệt bệnh đậu mùa, các nhà dịch tễ học nước này đã kêu gọi cơ quan y tế triển khai hệ thống theo dõi các ca có triệu chứng nơi công cộng, thậm chí thưởng tiền cho ai phát hiện ra các trường hợp này. Bệnh nhân và người tiếp xúc nhanh chóng được cách ly, điều trị và tiêm chủng.

Nhờ có chiến lược tiêm chủng kịp thời, các nhà dịch tễ học đã ngăn ngừa thành công các chùm lây nhiễm mới, nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh và tiết kiệm 3/4 số liều vaccine so với biện pháp tiêm chủng phổ thông.

Giờ đây, thời thế đã khác. Dễ lây lan trong không khí và để lại ít triệu chứng bệnh, SARS-CoV-2 rõ ràng là một đối thủ đáng gờm hơn.

Song với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các nhà dịch tễ học đang nắm trong tay nhiều công cụ hiện đại để đối đầu với virus. Một trong số đó có thể là xây dựng hệ thống theo dõi và kiểm soát dịch bệnh với công nghệ của thế kỷ XXI. Thêm vào đó, Mỹ và các quốc gia với tỷ lệ lây nhiễm trung bình cần tiêm chủng cho những ai đã phơi nhiễm và người tiếp xúc.

Nếu giải thành công bài toán về kiểm soát dịch từ bên trong và bên ngoài nước, xứ cờ hoa có thể trở thành hình mẫu về công tác phòng, chống Covid-19. Cấp bách hơn, Washington cần đẩy mạnh hỗ trợ các điểm nóng, ủng hộ mở rộng, nâng cao năng lực sản xuất vaccine Covid-19 toàn cầu.

Phát biểu ngày 3/8, Tổng thống Joe Biden thông báo Mỹ đã gửi 110 triệu liều vaccine Covid-19 cho 65 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch và sẽ tiếp tục với 500 triệu liều vaccine Pfizer/bioNTech thời gian tới. Ông chủ Nhà Trắng khẳng định tất cả đều miễn phí, vô điều kiện, với mục tiêu cuối cùng là cứu người và dập dịch.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 3/8 một lần nữa khẳng định cam kết viện trợ vaccine Covid-19 tới các điểm nóng về dịch trên thế giới. (Nguồn: Getty Images)

Thay đổi vì tương lai chung

Tuy nhiên, chỉ từng đó là chưa đủ nếu thiếu vắng thay đổi trong hệ thống phản ứng với đại dịch toàn cầu. Các cơ chế này đã không còn hiệu quả thời gian qua. Thực tế cho thấy, dịch Covid-19 hoàn toàn có thể được kiểm soát khi quy mô của nó mới chỉ ở mức trung bình.

Tuy nhiên, báo cáo Ủy ban điều tra độc lập về quy trình chuẩn bị và ứng phó với đại dịch Covid-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (IPPR) không gán tội hay đổ lỗi cho bất kỳ cá nhân hay quốc gia nào. Thay vào đó, báo cáo đã đề xuất thay đổi để dịch bệnh tương tự không xảy ra một lần nữa.

Một khuyến nghị hàng đầu là nâng cao cảnh giác, phối hợp phản ứng trước đại dịch ở cấp cao nhất của Liên hợp quốc thông qua một “Hội đồng nguy cơ y tế toàn cầu”. Tách biệt với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cơ quan này sẽ có sự góp mặt bởi lãnh đạo quốc gia và được kỳ vọng sẽ khiến các nước có trách nhiệm hơn trong kiểm soát dịch. Đặc biệt, “Hội đồng” sẽ xác định xem các bài kiểm tra, thuốc hay vaccine nào cần thiết để dồn nguồn lực sản xuất, phòng chống dịch.

Một sáng kiến khác là xây dựng hệ thống cảnh báo virus hiệu quả hơn. Các nhà khoa học tại Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) và Mạng lưới cảnh báo và phản ứng trước các đợt bùng phát của WHO (GOARN) đã có bước tiến đáng kể trong thu thập, xử lý thông tin. 20 năm trước, họ cần tới sáu tháng để xác định virus có thể gây bùng phát dịch bệnh.

Con số này giờ chỉ còn vài tuần. Song hệ thống cảnh báo virus toàn cầu hoàn toàn có thể trở nên hiệu quả hơn nếu các công nghệ mới như phát hiện dịch bệnh số, hệ thống giám sát từ cộng đồng hay cơ chế cảnh báo phơi nhiễm được phủ sóng toàn cầu.

Tương tự là quá trình nghiên cứu virus. Trước đây, mẫu bệnh phẩm thường được gửi từ các nước kém phát triển tới những nước phát triển để tìm hiểu, phát triển bộ xét nghiệm, vaccine và phương pháp điều trị. Giờ đây, đã đến lúc thế giới suy nghĩ về cách hỗ trợ các quốc gia bùng phát dịch bệnh tìm hiểu, nghiên cứu và giải quyết dịch bệnh tại chỗ, tiết kiệm thời gian và công sức.

Hệ thống cảnh báo virus toàn cầu hoàn toàn có thể trở nên hiệu quả hơn nếu các công nghệ mới như phát hiện dịch bệnh số, hệ thống giám sát từ cộng đồng hay cơ chế cảnh báo phơi nhiễm được phủ sóng toàn cầu.

Cuối cùng, cộng đồng quốc tế có thể kiểm soát dịch bệnh ngay cả khi nó đã vươn ra ngoài lãnh thổ quốc gia bằng cách phối hợp, hành động kịp thời. Cơ quan điều phối các hành vi như vậy là Liên hiệp các tổ chức theo dõi dịch bệnh khu vực (CORDS), với sự tham dự của các quốc gia và một vài bộ phận khác của Liên hợp quốc cùng các quỹ, nhằm cảnh báo về dịch bệnh và phản ứng kịp thời.

Đây là nền tảng quan trọng để thế giới đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến tưởng chừng như không hồi kết trước SARS-CoV-2 và chuẩn bị đối phó các dịch bệnh khác trong tương lai.