Theo báo cáo trên, vốn đầu tư trực tiếp của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này vào Việt Nam tăng 2 lần trong 4 năm qua, từ mức 1,15 tỷ USD trong năm 2013 lên 2,27 tỷ USD trong năm 2016. Cũng trong khoảng thời gian này, vốn đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc đổ vào Mỹ tăng mạnh 123,6% lên 12,9 tỷ USD trong năm 2016, trong khi con số này đối với thị trường Trung Quốc lại giảm 36,5% xuống còn 3,3 tỷ USD.
Tháng 11/2016, Samsung Electronics Co. của Hàn Quốc đã tiếp quản Harman International Industries Inc. của Mỹ. (Nguồn: techgenie) |
Việc vốn đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc vào Mỹ gia tăng diễn ra trong bối cảnh các công ty và doanh nghiệp Hàn Quốc quyết định mở rộng sự hiện diện tại đây thông qua các hoạt động sáp nhập và mua cổ phần doanh nghiệp, cũng như thành lập chi nhánh nhằm tiếp cận các kỹ năng và công nghệ tiên tiến.
Hồi tháng 11/2016, Samsung Electronics Co. của Hàn Quốc đã tiếp quản Harman International Industries Inc. của Mỹ trong một nỗ lực nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh. Trong khi đó, nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Hàn Quốc là Hyundai Motor Co. cũng đã công bố một kế hoạch đầu tư 5 năm có giá trị lên tới 3,1 tỷ USD tại thị trường Mỹ vào đầu năm nay. Doanh nghiệp sản xuất đồ gia dụng LG Electronics Inc. của Hàn Quốc cũng đang chuẩn bị xây dựng một dây chuyền sản xuất máy giặt lớn tại Mỹ.
Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc vào Trung Quốc sụt giảm được cho là do việc Samsung Electronics đã hoàn tất nhà máy sản xuất chip điện tử trị giá 7 tỷ USD tại Tây An. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm dòng đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc đang có xu hướng giảm do nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu phát triển chậm lại.
IBK nhận định, dòng vốn đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc ít có khả năng đảo chiều trong thời gian tới trước bối cảnh căng thẳng ngoại giao giữa hai nước liên quan đến việc Hàn Quốc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).