Ông Masahiro Yoshimura, Giám đốc điều hành, Tổng trưởng Quản lý Đầu tư, Ngân hàng SMBC và ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank, tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa VPBank và SMBC, ngày 27/3/2023. |
Hỗ trợ toàn diện
Khách hàng FDI của VPBank có thể tận hưởng nhiều hơn các dịch vụ tài chính doanh nghiệp, khi cùng lúc được ngân hàng gián tiếp hậu thuẫn giữ chân nhân tài thông qua các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp tài chính chuyên biệt – được thiết kế nhằm mang tới sự hài lòng và trải nghiệm dịch vụ tài chính tốt nhất cho đội ngũ CBNV, qua đó tăng thêm sự gắn kết đối với các doanh nghiệp FDI.
Chia sẻ tại hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng” do Báo Đầu tư tổ chức, Giám đốc Trung tâm FDI của VPBank Mochizuki Masashi cho biết, trong nỗ lực mở rộng phân khúc khách hàng FDI, ngân hàng không chỉ cung cấp vốn hay các dịch vụ quản lý dòng tiền, quản lý thu chi… cho các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam, mà còn đáp ứng nhu cầu tài chính của nhân viên thuộc nhiều cấp khác nhau tại chính doanh nghiệp đó. Các nhu cầu này đa dạng từ việc lập tài khoản, mở thẻ tín dụng, sử dụng dịch vụ thấu chi, vay tín chấp với lãi suất ưu đãi, vay mua nhà, mua xe… cho tới ký các hợp đồng lao động bảo vệ quyền lợi cho nhân viên...
Theo đại diện của VPBank, việc chăm sóc chuyên sâu tới nhu cầu tài chính của các CBNV trong doanh nghiệp sẽ tạo ra giá trị cộng hưởng giúp những đơn vị này giữ chân nhân tài, tiếp tục cống hiến trong dài hạn, khi ngân hàng trở thành người bạn đồng hành giúp loại bỏ các nỗi lo liên quan tới tài chính và quản lý tài chính của mỗi cá nhân.
Với các doanh nghiệp FDI, VPBank đã và đang đáp ứng đa dạng các nhu cầu tài chính từ cấp tín dụng, quản lý dòng tiền, quản trị các hoạt động kinh doanh thường xuyên tới tài trợ thương mại, giao dịch ngoại hối…
Lấy gói dịch vụ tài chính chuỗi cung ứng dành cho doanh nghiệp FDI làm ví dụ, các doanh nghiệp hoạt động trong chuỗi cung ứng được tiếp cận hệ thống tài chính chuỗi cung ứng của VPBank (VPBank SCF System), qua đó thực hiện nhiều tác vụ chuyên biệt như yêu cầu giải ngân dành cho nhà cung cấp, yêu cầu giải ngân tự động dành cho doanh nghiệp FDI hay tìm kiếm thông tin doanh số bán hàng cập nhật trên hệ thống…
Thông qua hệ thống này, các doanh nghiệp FDI có thể cải thiện doanh số bán hàng, kiểm tra trạng thái thanh toán của các đơn hàng và giảm thiểu các rủi ro như bỏ sót các khoản phải thu từ khách hàng. Cùng với đó, các doanh nghiệp trong hệ sinh thái cung ứng có thể cải thiện thực trạng dòng tiền cũng như cắt giảm chi phí vay khi được ngân hàng cung ứng các khoản vay với lãi suất ưu đãi dành riêng cho các khách hàng hoạt động trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI.
Bên cạnh đó, đối với dịch vụ trả lương, VPBank có thể hỗ trợ doanh nghiệp thông qua rút ngắn thời gian chuyển khoản lương, qua đó giảm các chi phí liên quan. Với các khách hàng ở khu công nghiệp, VPBank có thể xem xét lắp đặt các máy ATM tại cơ sở hoạt động của khách hàng, nhằm mang tới sự tiện lợi cho CBNV của doanh nghiệp khi cần rút tiền.
Trụ sở VPBank treo băng rôn chào mừng sự kiện SMBC trở thành cổ đông chiến lược. |
Thực lực sẵn sàng
Để có thể mang tới các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp tài chính chuyên sâu, toàn diện cho hệ sinh thái bao trùm của các doanh nghiệp FDI, VPBank và SMBC đã và đang xây dựng một mối quan hệ bền chặt nhằm phát huy các thế mạnh của nhau, hướng tới mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp FDI tại Việt Nam trong tương lai.
SMBC và VPBank, thông qua thỏa thuận bán vốn ký kết hồi tháng 3 vừa qua, đã chính thức trở thành đối tác chiến lược, qua đó bổ sung các mảnh ghép còn thiếu của đối tác nhằm tối ưu hóa các cơ hội mà thị trường mang lại - trong đó có tiềm năng tăng trưởng rộng mở của khối FDI tại Việt Nam đặt trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đối tác Nhật Bản mang tới cho mối quan hệ song phương các kinh nghiệm và chuyên môn hoạt động lâu năm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng tại Nhật Bản và thế giới, cùng các lợi thế cạnh tranh về mạng lưới hoạt động và tệp khách hàng rộng khắp - với hơn 200.000 khách hàng là các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn trên thế giới.
Ngoài ra, thông qua VPBank, SMBC sẽ tăng cường sự hiện diện và mở ra cơ hội cung cấp vốn cho các dự án đầu tư lớn trong nước, đặc biệt ở những lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng, các dự án kinh doanh tăng trưởng xanh, thân thiện môi trường, phát triển bền vững mà tập đoàn đang có sự quan tâm.
VPBank vốn có thế mạnh về mảng ngân hàng bán lẻ cùng sự am hiểu sâu sắc thị trường nội địa. Với bộ sản phẩm, dịch vụ và giải pháp tài chính toàn diện dành cho nhiều phân khúc khách hàng khác nhau, ngân hàng hoàn toàn có thể đáp ứng các nhu cầu đa dạng của nhóm khách hàng cá nhân – trong đó bao gồm các CBNV của nhiều doanh nghiệp FDI hiện hữu và tiềm năng – được khai thác từ tệp khách hàng của SMBC.
Sự kết hợp của VPBank và SMBC, theo đó, sẽ bao phủ khá trọn vẹn hai mảng khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp thông qua các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp tài chính được thiết kế phù hợp với nhu cầu và hành vi của người dùng, từ đó mang tới sự hài lòng của khách hàng
“FDI là một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam và chúng tôi có trách nhiệm phục vụ các khách hàng là nhà đầu tư nước ngoài nhằm xây dựng một mối quan hệ lâu bền giữa hai đối tác để tạo ra cục diện hai bên đều có lợi thông qua các sản phẩm và giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp quốc tế hoạt động tại Việt Nam”, ông Mochizuki Masashi nhấn mạnh tại hội thảo.