Từ câu chuyện cô giáo tố bị trù dập, nghĩ về văn hóa học đường cũng như sự tôn kính người thầy đang bị đánh cắp. (Ảnh: Cắt ra từ clip) |
Câu chuyện cô giáo Nguyễn Thị Tuất tố cáo nhà trường trù dập và bao che cho học sinh quậy phá, hành hung cô giáo đang là tâm điểm của dư luận trong những ngày qua.
Sự xác thực của clip ghi hình ảnh các em học sinh quậy trong giờ học, cầm thước đánh cô giáo, bắn đạn giấy vào mắt cô gây thương tích, mang chăn trùm trong lớp, đã ngang nhiên đánh bài trong giờ còn trả lời cô xấc xược vẫn đang được cơ quan chức năng làm rõ.
Tuy nhiên, hình ảnh học sinh viết bậy vào bài kiểm tra, vào vở bài tập với những ngôn từ không thể chấp nhận được lại có bằng chứng vô cùng xác thực.
Cụ thể, câu hỏi số 4: Qua quan sát hình và bài đọc trong sách giáo khoa, em hãy điền vào các cột để biết người Lạc Việt ăn, mặc, ở và sinh hoạt lễ hội như thế nào?
Đọc câu trả lời của học sinh trong bài kiểm tra với ngôn từ: "không biết", "không nói", "cút",... cũng là một nhà giáo, tôi cảm thấy sốc và buồn. Tự khi nào học sinh có thể nói hỗn và coi thường người dạy mình, kể cả khi giáo viên có chuyên môn kém?
Điều đáng nói, ở câu hỏi cuối cùng trong bài kiểm tra nói trên, học sinh này còn thể hiện thái độ coi thường, thách thức giáo viên khi viết: “Tại sao em phải trả lời cô?”.
Điều lạ ở chỗ, sự việc được cô Tuất báo lên nhà trường nhưng Ban giám hiệu vẫn làm ngơ. Trong khi đó, khi trả lời báo chí, Trưởng Phòng giáo dục huyện Quốc Oai, Hà Nội lại khẳng định như đinh đóng cột: Việc học sinh viết bậy, coi thường giáo viên là do cô giáo dạy không “đến nơi đến chốn” nên chỉ có 1, 2 học sinh viết “linh tinh”.
Những ngôn từ bậy bạ như thế người lớn nói ra còn thấy khó chịu huống gì một đứa trẻ đang được giáo viên dạy dỗ lại dám ngang nhiên viết tục vào chính bài kiểm tra của mình mà lãnh đạo chỉ nói đó là viết linh tinh thôi sao?
Học sinh vô lễ với giáo viên, thay vì phải có biện pháp nhắc nhở, giáo dục thì lãnh đạo nơi đây lại đổ trách nhiệm cho mình cô giáo gánh chịu, là “do cô giáo dạy không “đến nơi đến chốn” nên chỉ có 1, 2 học sinh viết “linh tinh”.
Hóa ra, cứ học sinh hỗn hào với thầy cô đều là do giáo viên không biết giáo dục? Học sinh học yếu kém là do giáo viên dạy không đến chốn? Học sinh đánh chửi cô, quậy phá trong giờ học là do cô không bao quát lớp?
Kết luận kiểu này chẳng khác nào khẳng định: Học sinh luôn luôn đúng dù hành vi, lời nói có quá đáng đến đâu, còn giáo viên luôn luôn sai khi để các em hành động như thế?
Cứ cho rằng cô giáo Tuất dạy chưa hay, chưa tốt cũng như không có kỹ năng quản lý lớp như phán xét của một số người thì nhà trường phải nhắc nhở, giúp đỡ và hỗ trợ cô trong việc nâng cao tay nghề chuyên môn cũng như kỹ năng quản lý lớp.
Thế nhưng, chúng ta vẫn chưa thấy cách xử lý của nhà trường trước việc học sinh vô lễ.
Một giáo viên dạy Anh văn của Trường Tiểu học Sài Sơn B còn khẳng định: “Các học sinh đều rất ngoan, lễ phép, lắng nghe và lớp học luôn trong tầm kiểm soát, không ảnh hưởng đến các lớp học bên cạnh.
Tôi không hiểu sao cô Tuất luôn nghĩ xấu cho học sinh trong khi tâm hồn của các con rất non nớt, ngây thơ như một tờ giấy trắng như thế. Tại sao không lắng nghe, chia sẻ việc tại sao các con lại không muốn học cô, không muốn nghe cô giảng.
Học sinh khối 4 và 5 đã có những bước phát triển tâm sinh lý nhất định, tôi nghĩ ngoài việc truyền thụ kiến thức, giáo viên khi lên lớp cần phải lắng nghe, chia sẻ với các em".
Dung túng cho học sinh làm điều sai trái chính là đang hại các em. Những đứa trẻ từng hỗn hào với giáo viên, từng không coi giáo viên ra gì, lớn lên sẽ thế nào đây? Liệu các em có thể trở thành người tử tế, có thể thành những người có ích cho xã hội?
Lẽ ra nhà trường phải chung tay khuyên dạy các em, phải để các em hiểu thầy cô như cha mẹ. Kể cả các em chưa bằng lòng điều gì cũng cần phải cung kính, phải hiểu lễ nghĩa, chỉ ra những cái sai trong thái độ của các em chứ không phải kiểu hành xử chẳng khác giang hồ như các em đã làm với người thầy của mình.
*Giáo viên ở Bình Thuận. Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn.