Một mỏ đất hiếm của Trung Quốc. (Nguồn: Bloomberg) |
Đất hiếm sẽ thành một "ngón đòn" của Trung Quốc?
Đất hiếm là tên gọi của 17 nguyên tố hóa học quan trọng được sử dụng nhiều trong các mặt hàng điện tử gắn liền với cuộc sống hàng ngày của con người như điện thoại di động, máy sấy tóc, lò vi sóng, tivi, xe điện... Trên thực tế, quy trình tách các khoáng chất từ đất hiếm để tạo nên những vật liệu hữu ích trên vô cùng phức tạp, tốn kém.
Tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ghé thăm các cơ sở xử lý và khai thác đất hiếm của nước này. Động thái này của ông Tập làm dấy lên suy đoán, nền kinh tế thứ hai thế giới có thể chặn nguồn cung đất hiếm hoặc tăng giá, tăng thuế với Mỹ nếu chiến tranh thương mại tiếp lục leo thang.
Theo các chuyên gia của Bank of America, Trung Quốc hiện đang là quốc gia thống trị thị trường đất hiếm. Nước này cũng xem nó là tài nguyên quý, là “vũ khí chiến lược” trong các tranh chấp với quốc gia khác. Ví dụ điển hình như năm 2010, Trung Quốc từng ngưng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản trong vòng hai tháng để trừng phạt nước này. Động thái này của Trung Quốc từng khiến các nhà đầu cơ tích trữ các kim loại đất hiếm đẩy giá của chúng tăng vọt.
Tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã kéo dài trong một năm, diễn biến phức tạp trong tuần này cho thấy sự căng thẳng đã lên đến đỉnh điểm. Cuộc chiến thương mại dường như đang nhắm đến công nghệ khi Tổng thống Trump đưa “gã khổng lồ” công nghệ Huawei vào “danh sách đen”. Nhiều người cũng cho rằng, Mỹ đang muốn ngăn cản mục tiêu thống trị các ngành công nghệ cao hàng đầu của Trung Quốc.
Trước tình trạng đó, Huawei, “ngôi sao sáng” của ngành công nghệ Trung Quốc, đã bị hàng loạt các nhà cung cấp Washington ngưng hợp tác. Các chuyên gia suy đoán, Trung Quốc sẽ thực hiện những biện pháp trả đũa, mà trong đó, đất hiếm là một trong những phương án mà phía Trung Quốc có thể thực hiện.
Nếu điều này thực sự xảy ra, nhiều khả năng sẽ mang đến sự hỗn loạn đáng kể đối với các công ty công nghệ Mỹ. Trung Quốc có thể ngừng xuất khẩu đất hiếm để gây rối loạn chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến hoạt động sản xuất của các công ty công nghệ Mỹ bị tê liệt.
Năm 2018, Trung Quốc sản xuất 70% đất hiếm được tiêu thụ trên toàn cầu và là nguồn cung ứng 80 % đất hiếm cho Mỹ. Đất hiếm là mặt hàng quan trọng như vậy, điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc dừng cung cấp hoặc hạn chế cung cấp đất hiếm cho phía Mỹ?
Mỹ vẫn có thể chuyển hướng nếu Trung Quốc đưa ra lệnh cấm đất hiếm. (Nguồn: Reuters) |
Mỹ vẫn còn “đường lui”
Theo nhận định của các chuyên gia, nếu biện pháp trả đũa kể trên của Trung Quốc có hiệu lực, thì điều may mắn cho Mỹ là biện pháp đó không phải là không có tiền lệ. Ông Trump hoàn toàn có thể hình dung được các tác động và tìm cách đối phó với nó. Trong đó, cách đối phó đầu tiên là chuyển hướng sang các quốc gia cung cấp đất hiếm khác. Dưới đây là các quốc gia có thể thay Trung Quốc vận chuyển đất hiếm đến Mỹ.
Australia: Đây là nơi khai thác lớn nhất của Mỹ về đất hiếm, sau Trung Quốc. Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), Australia đã tăng sản lượng đất hiếm vào năm 2018 lên 20.000 tấn, từ mức 19.000 tấn một năm trước đó. Bên cạnh đó, Australia là quê hương của Lynas, nhà sản xuất đất hiếm quan trọng.
Nhà sản xuất Lynas cho biết, tuần trước họ có kế hoạch tăng gần gấp đôi sản lượng của đất hiếm neodymium và praseodymium vào năm 2025. Lynas cũng có kế hoạch giúp “lấp đầy” sự thiếu hụt đất hiếm ở Mỹ thông qua liên doanh với Blue Line, công ty sẽ xây dựng một nhà máy để chế biến đất hiếm ở Texas (Mỹ). Thỏa thuận của Blue Line sẽ đảm bảo các công ty Mỹ tiếp tục tiếp cận lượng đất hiếm thông qua một cơ sở ngay trên đất nước mình, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc.
Estonia: Quốc gia châu Âu này là nhà cung cấp đất hiếm lớn thứ hai cho Mỹ, chiếm 6% lượng nhập khẩu khoáng sản, theo USGS. Hãng Silmet ở Estonia có khả năng sản xuất 2.500 tấn sản phẩm đất hiếm, theo một hồ sơ của công ty. Scott Fromson, nhà phân tích vốn cổ phần tại Ngân hàng CIBC cho biết, Silmet có thể sẽ chuyển nhiều khoáng sản hơn từ các hoạt động tại Estonia cho khách hàng ở Mỹ, nếu Trung Quốc quyết định hạn chế xuất khẩu sang nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Myanmar: Theo USGS, Quốc gia Đông Nam Á là nhà sản xuất đất hiếm lớn sau Trung Quốc, Estonia và Australia. Myanmar đã sản xuất 5.000 tấn đất hiếm vào năm 2018.
Ấn Độ: Quốc gia Nam Á này có trữ lượng khoáng sản đất hiếm lớn thứ năm. Khi Trung Quốc hạn chế các lô hàng bắt đầu từ năm 2007, Ấn Độ là một trong những quốc gia tham gia vào "cuộc đua" tăng cường đầu tư và sản xuất đất hiếm trong nước. Bên cạnh đó, quốc gia này cũng vận hành một nhà máy chế biến monazite vào năm 2010. Ở thời điểm hiện tại, Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ ba thế giới cũng là một khách hàng quen thuộc về đất hiếm của Ấn Độ.