Hệ thống Tactical Laser System do hãng BAE System của Anh phát triển cho Hải quân Mỹ. |
Sức mạnh của năng lượng
Hệ thống vũ khí laser (Laser Weapon System), theo định nghĩa của các nhà khoa học quân sự, là những chùm tia năng lượng mạnh bay xuyên không khí hoặc không gian theo đường thẳng. Chúng di chuyển với tốc độ ánh sáng và có thể tấn công từ khoảng cách xa hàng nghìn kilomet. Các tấm gương lớn tập trung những chùm laser mạnh vào một điểm nhỏ trên mục tiêu. Sức nóng tạo ra các vết bỏng xuyên qua bề mặt của mục tiêu, phá vỡ chuyến bay, vô hiệu hoá các đầu đạn hoặc đốt cháy nhiên liệu hay vật liệu nổ.
Tuy nhiên, vũ khí laser không phải bây giờ mới được các nhà khoa học nghĩ ra. Theo The Economist, khái niệm sử dụng tia năng lượng như một loại vũ khí trong chiến tranh ít nhất đã có từ thời Hy Lạp cổ đại. Vào thế kỷ thứ ba trước Công nguyên, Archimedes đã sử dụng những tia sáng mặt trời được tập trung bằng những chiếc gương, để đốt cháy các chiến thuyền của đối phương trong trận vây hãm thành Syracuse. Gần hơn nữa là vào giữa thập niên 30, các nhà khoa học Anh đã dùng sóng vô tuyến để phá hủy máy bay đối phương. Họ kết luận rằng sóng vô tuyến là biện pháp tốt nhất để xác định vị trí máy bay, từ đó dẫn tới phát minh radar.
Còn mới nhất, theo tạp chí điện tử Livescience, bằng thiết bị phóng laser trong một thử nghiệm của Mỹ hồi giữa năm ngoái tại căn cứ hải quân Mỹ trên đảo San Nicolas, cách Los Angeles, bang California khoảng 120km về phía Tây, 4 máy bay không người lái trên Thái Bình Dương đã biến thành “tro bụi”. Trong những thử nghiệm vũ khí laser trước đây, quân đội Mỹ chỉ bắn các mục tiêu bất động hoặc di chuyển chậm trên mặt đất. Nhưng với thử nghiệm mới nhất, hải quân Mỹ chứng minh vũ khí laser có thể tiêu diệt mục tiêu di động từ một khoảng cách lớn, song tầm bắn này vẫn còn là một bí mật quốc phòng của Mỹ.
Mỹ có công nghệ laser phát triển nhất thế giới
Có thể nói, Mỹ là nước đặc biệt chú trọng vào việc phát triển vũ khí laser phục vụ an ninh quốc phòng. Đến nay, vũ khí laser của Mỹ rất phong phú, từ các loại laser hóa học, laser thể rắn, laser thể lỏng cho tới laser điện tử tự do, tất cả đều nhằm mục đích theo dõi, kiểm soát và tấn công các mục tiêu ở mọi địa hình.
Mặc dù Mỹ bắt đầu chú ý tới vũ khí laser từ rất sớm - cuối những năm chiến tranh Lạnh, song phải từ năm 2000, Mỹ mới thực sự chú trọng phát triển loại vũ khí này và đã đạt được nhiều thành công đáng kể. Mỹ hiện đang tiến hành thử nghiệm ứng dụng vũ khí laser này trên tất cả các quân binh chủng hải, lục, không quân và trên tất cả các phương tiện tiến công hiện đại hiện có như máy bay, tàu ngầm, tàu chiến, thậm chí là cả xe chiến đấu bộ binh và trong tương lai là cả tàu sân bay.
Với tham vọng xây dựng một hệ thống phòng thủ toàn diện bằng laser, Mỹ đã đầu tư “không tiếc tiền” để nghiên cứu, chế tạo rất nhiều phiên bản vũ khí laser ứng dụng cho các phương tiện, kỹ thuật quân sự cả mặt đất, mặt nước và trên không. Nổi tiếng nhất và tốn kém nhất là chương trình Airborne Laser Test của Mỹ, đã tiêu tốn hết 5 tỉ USD của Ngũ Giác Đài trong 15 năm. Đây là nỗ lực để gài một cỗ súng laser khổng lồ vào chiếc máy bay Boeing 747 nhằm bắn hạ các tên lửa đạn đạo. Trong một chương trình khác, Mỹ cũng đã sử dụng tia laser để chế tạo cảm biến tinh vi chuyên phát hiện và theo dõi các loại máy bay. Dữ liệu từ cảm biến sẽ được đưa vào bộ xử lý của hệ thống bắn laser. Sau đó, hệ thống sẽ phóng đồng loạt 6 tia laser tới các mục tiêu. Khác với tên lửa và đạn, tia laser không gây ra tiếng nổ khi chạm vào máy bay. Thay vào đó, tia laser truyền năng lượng cực lớn vào mục tiêu và biến nó thành khối lửa.
Hiện tại, Cơ quan phát triển quốc phòng DARPA thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đang hoàn thiện hệ thống vũ khí laser mang tên HELLADS trang bị cho máy bay tiêm kích và dự kiến sẽ đưa vào ứng dụng cuối năm nay. Ngoài ra, HELLADS cũng có thể được trang bị cho máy bay không người lái. Với công suất 150 Kw, tia laser do vũ khí này bắn ra đủ sức tiêu diệt máy bay có điều khiển và máy bay không người lái. Trong tương lai, HELLADS còn có thể tiêu diệt các mục tiêu mặt đất, gồm cả bộ binh từ khoảng cách hàng chục kilomet.
Nếu nghiên cứu và ứng dụng thành công trên tất cả các phương tiện tác chiến thì hệ thống vũ khí laser của Mỹ có thể sẽ là loại vũ khí bất khả chiến bại trước các đòn tấn công của đối phương, đồng thời làm thay đổi cơ bản bộ mặt của các trận chiến trong tương lai.
Các nước khác cũng không thể làm ngơ
Với các tính năng vượt trội của vũ khí laser, nên một loạt các nước như Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Israel… cũng không thể làm ngơ.
Nga là nước đầu tiên trên thế giới đạt được thành công trên lĩnh vực nghiên cứu, phát triển vũ khí laser. Trước khi Mỹ chính thức bắt đầu thử nghiệm vũ khí laser hóa học trên máy bay Boeing thì Nga đã nghiên cứu, chế tạo ra một vài loại vũ khí laser hóa học năng lượng cao. Vũ khí laser đầu tiên của Nga đã được thử nghiệm từ năm 1972 và đã tiêu diệt thành công mục tiêu giả định ở trên không. Hiện nay, Nga đang rất chú trọng phát triển công nghệ vũ khí này và đang tiến hành ứng dụng thử nghiệm chúng trên các loại máy bay chiến đấu, dự kiến có thể ứng dụng rộng rãi sau năm 2015.
Để bảo vệ vững chắc các vùng đảo, Nhật Bản cũng đã bắt tay vào nghiên cứu vũ khí laser siêu mạnh nhằm mục tiêu đánh chặn hiệu quả tên lửa. Nhật tập trung vào nghiên cứu các phiên bản vũ khí laser ứng dụng trên các phương tiện mặt đất, sau đó sẽ ứng dụng trên máy bay. Theo nhận định của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, tổ hợp tên lửa phòng không Patriot sẽ tiêu diệt các tên lửa đối phương ở tầm khí quyển, hệ thống SM-3 sẽ tiêu diệt mục tiêu trên khí quyển và vũ khí laser sẽ đảm nhiệm tiêu diệt tên lửa đối phương ngay từ khi chúng rời bệ phóng. Tất nhiên, Tokyo cũng kêu gọi Mỹ hỗ trợ nghiên cứu, phát triển loại vũ khí laser này.
Cũng như các cường quốc khác trên thế giới, Trung Quốc cũng rất quan tâm tới việc nghiên cứu và phát triển vũ khí laser như một phương tiện tấn công và phòng thủ hiện đại, hiệu quả cao. Theo nhận định của giới chuyên gia, rất có thể Trung Quốc đã sở hữu tổ hợp vũ khí laser phức hợp có khả năng tiêu diệt tên lửa đối phương ở tầm thấp dựa trên công nghệ và kỹ thuật của Nga.
Nói chung, nhằm nâng cao khả năng tác chiến và giành ưu thế vượt trội trước đối phương, quốc gia nào cũng có nhu cầu phát triển và ứng dụng vũ khí laser trên các phương tiện, kỹ thuật quân sự trong lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, chi phí cho mỗi cỗ súng laser sẽ không hề nhỏ, do đó để phát triển mạnh và ứng dụng rộng rãi loại vũ khí hiện đại này trong lực lượng vũ trang thì không phải nước nào cũng làm được, đặc biệt là các nước nghèo.
Hoàng Minh (tổng hợp)