📞

Vụ tấn công khủng bố ở Moscow: 'Điểm mù' của Cơ quan an ninh Nga hay thuyết âm mưu đánh lạc hướng?

Vy Anh 16:55 | 25/03/2024
Ai là thủ phạm thực sự của vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Moscow hiện tại vẫn chưa ngã ngũ. Khi chính lực lượng IS đã nhận tội, Nga vẫn chưa thể vội vàng tin bởi nếu vội tin rất có thể Moscow đã dính bẫy.
Người dân Nga xếp hàng dài bên ngoài nhà hát Crocus sau khi xảy ra vụ xả súng đẫm máu khiến hàng trăm người chết và bị thương. (Nguồn: CNN)

Lời cảnh báo và phản ứng của Tổng thống Putin

Theo tờ Financial Timesthe Guardian ngày 24/3, sau sự kiện 4 tay súng thực hiện vụ tấn công đẫm máu nhằm vào một phòng hòa nhạc ở thủ đô Moscow của Nga ngày 22/3, khiến ít nhất 133 người thiệt mạng, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Tuy nhiên, trong bài phát biểu trước công chúng cả nước sau vụ tấn công, Tổng thống Vladimir Putin đã không hề đề cập nhóm này.

Thay vào đó, Financial Times cho rằng, Nga đã tìm cách đổ lỗi cho Ukraine, trong một động thái mà các nhà phân tích cho là nhằm làm chệch hướng sự chú ý khỏi những lỗ hổng trong hệ thống an ninh của Moscow đang lớn dần kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Đáng chú ý, trước khi xảy ra vụ tấn công khủng bố, đầu tháng 3 vừa qua, Mỹ đã cảnh báo công khai về “kế hoạch sắp xảy ra nhằm mục tiêu vào các cuộc tụ tập lớn ở Moscow” của những kẻ khủng bố. Lời cảnh báo cũng được chia sẻ riêng với chính phủ Nga, cho thấy Washington đã thu thập được một số thông tin tình báo khá cụ thể liên quan đến một cuộc tấn công sắp xảy ra.

Tuy nhiên, Financial Times cho biết 3 ngày trước cuộc tấn công, ông Putin đã bác bỏ những cảnh báo này. Đối với một quốc gia có bộ máy an ninh khổng lồ và rộng khắp như Nga, phản ứng chậm trước cuộc tấn công rất khó hiểu. Mark Galeotti, chuyên gia về các cơ quan an ninh Nga, nhận định: “FSB (Cơ quan an ninh Liên bang Nga) rõ ràng đã có những ưu tiên sai lầm".

Mặc dù vậy, trả lời Hãng thông tấn RIA ngày 24/3, Đại sứ Nga tại Mỹ Antonov cho biết: "Chúng tôi không nhận được bất kỳ thông báo hay thông điệp nào trước đó". "Chúng tôi đã chú ý tới điều này... nhưng tôi đã không có liên lạc nào với Nhà Trắng hay Bộ Ngoại giao (Mỹ) về cảnh báo", ông Antonov nói thêm.

Cuộc chiến khủng bố tưởng chừng đã kết thúc

Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine diễn ra, FSB đã chuyển trọng tâm của mình. Trước đây, FSB gần như tập trung hoàn toàn vào mối đe dọa khủng bố Hồi giáo nhưng kể từ năm 2022, phần lớn các tuyên bố của cơ quan này đều liên quan đến Ukraine.

Thời gian qua, có thể thấy, dưới thời Tổng thống Putin, chiến thuật mạnh tay ở khu vực Bắc Caucasus, kết hợp với việc cho phép hàng nghìn người cực đoan rời sang Syria và Iraq vài năm trước, dẫn đến cảm giác rằng cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo ở Nga đã kết thúc.

Tuy nhiên, theo the Guardian, hầu hết thủ phạm gây ra vụ tấn công ngày 22/3 vừa qua là công dân cực đoan của Tajikistan. Chuyên gia Galeotti cho biết: “Chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo Trung Á vẫn là một vấn đề thực sự đối với FSB. FSB có nhiều kinh nghiệm đối phó với những kẻ cực đoan ở Caucasus, họ đã chi những nguồn lực khổng lồ cho việc đó, nhưng Trung Á giống một 'điểm mù' hơn”.

Ông Lucas Webber, đồng sáng lập MilitantWire, trang thông tin chuyên phân tích chuyên sâu về các vấn đề khủng bố, nhận định rằng Nga từ lâu đã trở thành mục tiêu của IS và điều này “tăng lên rõ rệt sau khi nước này can thiệp quân sự vào Syria năm 2015, sau đó can dự khắp châu Phi và quan hệ với Taliban”.

Theo ông Webber, trong khi IS bị liên minh quốc tế đánh đuổi khỏi các lãnh thổ thành trì ở Iraq và Syria và bị suy yếu nghiêm trọng, IS-K - một nhánh của IS có trụ sở tại Afghanistan và còn được gọi là IS-Khorasan đã phát triển thành một “nhánh đầy tham vọng và có tư tưởng quốc tế nhất” của IS.

Nếu được xác nhận, vụ tấn công phòng hòa nhạc ở Moscow sẽ là vụ tấn công khủng bố lớn đầu tiên của IS-K bên ngoài Tây Nam Á. Bà Amira Jadoon, Phó Giáo sư tại khoa Khoa học Chính trị tại Đại học Clemson (Mỹ), cho rằng điều này có thể nhằm mục đích nâng cao danh tiếng của nhóm và mở rộng tuyển mộ.

Ở một góc nhìn khác, nhận định về thủ phạm của cuộc tấn công khủng bố, Tổng Biên tập hãng tin Russia Today Margarita Simonyan cho rằng, IS không chủ mưu vụ tấn công nhà hát, cáo buộc tình báo phương Tây “tham gia trực tiếp” vào vụ thảm sát.

Trong một bài đăng trên Telegram và X, bà Simonyan giải thích, thủ phạm được lựa chọn để thực hiện vụ tấn công theo cách cho phép phương Tây thuyết phục cộng đồng quốc tế rằng ISIS-K là thủ phạm. Bà cho hay, "sự nhiệt tình" của truyền thông phương Tây khi cố gắng thuyết phục rằng IS phải chịu trách nhiệm ngay cả trước khi Nga bắt được nghi phạm đã khiến nỗ lực định hướng dư luận thất bại.

Nga cần bằng chứng hơn lời giải thích

Nếu như Mỹ và phương Tây đẩy mạnh việc thừa nhận IS là thủ phạm của cuộc tấn công khủng bố thì việc Nga không thể ngay lập tức tin điều đó hoàn toàn dễ hiểu.

Mỹ và phương Tây lo ngại rằng, Moscow từ cú sốc này có thể sẽ làm leo thang thêm cuộc xung đột Nga-Ukraine. Từ đó, Mỹ và đồng minh có sự vội vàng trong việc khẳng định IS là thủ phạm, đồng thời nhấn mạnh Ukraine không liên quan.

Có lẽ phương Tây cần công bố thêm các bằng chứng tình báo để chứng minh cho điều này nếu muốn lập luận đó đứng vững.

Với Nga, nước này có lẽ không có gì để phải vội vàng trong việc công bố ai là thủ phạm, bởi bất kỳ thông tin nào chỉ ra sự liên quan của Ukraine vào lúc này đều sẽ bị phương Tây xem là cái cớ được Nga dựng lên để tăng cường chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Đồng thời, giới chức Nga cũng muốn người dân cảm nhận vụ việc đã được điều tra một cách toàn diện và kỹ lưỡng.

Trong thời gian chờ đợi đó, quan điểm của Nga được Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova truyền tải ngày 24/3 là bất kỳ tuyên bố nào từ chính quyền Mỹ nhằm biện minh cho Kiev trước khi kết thúc cuộc điều tra "sẽ được coi là bằng chứng".

(theo Financial Times, the Guardian, Russia Today)